22/02/2018 16:05 GMT+7

Khoa học chứng minh kiến cũng biết làm ‘bác sĩ quân y’

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Nhờ các 'bác sĩ quân y', tỉ lệ tử vong ở những con kiến bị thương giảm tới 70%. Trong khi đó nếu không được điều trị, tỉ lệ tử vong sẽ tăng lên 80%.

Khoa học chứng minh kiến cũng biết làm ‘bác sĩ quân y’ - Ảnh 1.

Một con kiến đang dùng miệng điều trị vết thương cho một con khác - Ảnh: ERIC FRANK

Trong báo cáo nghiên cứu vừa công bố tháng này trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B., các nhà khoa học đã quan sát cách những "bác sĩ quân y" kiến chăm sóc chiến binh kiến bị thương sau một cuộc tấn công ổ mối chuyên nghiệp ra sao.

Đây có lẽ là minh chứng đầu tiên với đầy đủ tư liệu khoa học về một dạng thức chăm sóc diễn ra ở vương quốc loài vật, một điều trước nay chúng ta vẫn tin chỉ có ở con người.

Đối tượng nghiên cứu là loài kiến săn mối châu Phi có tên khoa học là Megaponera analis. Thông thường, sau khi những chú kiến trinh sát phát hiện thấy tổ mối, chúng sẽ dẫn đầu các đoàn chiến binh kiến từ 200-600 con quay trở lại tấn công săn mồi.

Chủ trì nghiên cứu, nhà sinh thái học Erik Frank thuộc đại học Julius Maximilian (Đức) cho biết nhóm kiến trinh sát chính là lực lượng đưa ra tất cả những quyết định quan trọng nhất liên quan tới việc kiếm mồi như khu vực kiếm ăn ở đâu và cần "điều động" bao nhiêu chiến binh trong mỗi đợt tấn công như thế.

"Theo đó chỉ 1% lực lượng này chịu trách nhiệm về mức độ thành công của 99% còn lại", nhà nghiên cứu Erik Frank nhận xét.

Những cuộc tấn công săn mồi luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bởi các chiến binh mối thường "giở võ" cắn lìa chân của những con kiến "xâm lược". Sau những cuộc chiến ác liệt, ông Frank phát hiện thấy một số con kiến khiêng "đồng đội" bị thương về tổ.

Những con kiến bị mất các chi trong cuộc chiến chiếm khoảng 5% tổng lực lượng đánh chiếm tổ mối, tuy nhiên chúng vẫn có thể chạy nhanh được như những con khỏe mạnh.

Khoa học chứng minh kiến cũng biết làm ‘bác sĩ quân y’ - Ảnh 2.

Một "chiến binh" kiến bị thương được "đồng đội" khiêng về - Ảnh: ERIC FRANK

Để biết đích xác chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo với những con kiến bị thương sau khi đã về nhà, ông Frank và các cộng sự đã đặt camera theo dõi 16 nhóm kiến ở Công viên quốc gia Comoé của Bờ Biển Ngà.

Theo đó họ nhận ra bên trong các tổ kiến, những con kiến bị thương đã được "đồng đội" chăm sóc bằng cách dùng miệng làm sạch các vết thương hở.

"Đây là lần đầu tiên kiểu hành vi này được mô tả ở côn trùng: điều trị vết thương cho một con khác", nhà nghiên cứu Frank viết. 

"Theo hiểu biết của tôi, cũng chưa có những ví dụ thích đáng nào khác về kiểu hành vi này ở thế giới loài vật nói chung. Mặc dù cũng đã có một số quan sát về cách điều trị vết thương ở các loài linh trưởng - giữa mẹ và con - nhưng chưa có các nghiên cứu khoa học thực sự nào tìm hiểu sâu về vấn đề này".

Cách thức chăm sóc này giống việc loại bỏ những phần bụi bẩn khỏi các vết thương, hoặc cũng có thể tiết ra một loại chất nào đó như kháng sinh giúp vết thương mau lành.

"Ban đầu chúng tôi quay phim bằng các máy quay không tốt lắm đặt trong tổ kiến, và chúng tôi chỉ có thể trông thấy đầu của một con kiến khác chạm vào chân của con kiến bị thương", ông Frank giải thích.

"Chỉ mãi tới khi tôi có được những đoạn video quay ở độ phân giải tốt hơn, tôi mới chắc chắn đó chính là hành vi chăm sóc chủ ý với vết thương của loài kiến".

Cũng theo các nhà nghiên cứu, nhờ các "bác sĩ quân y" kiến, tỉ lệ tử vong ở những con kiến bị thương giảm tới 70%. Trong khi đó, nếu không được điều trị, tỉ lệ tử vong sẽ tăng lên 80% trong vòng 24 giờ do nhiễm trùng.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên