20/09/2012 03:13 GMT+7

Khó xử lý nợ xấu nếu chưa phân loại

L.THANH - C.V.KÌNH
L.THANH - C.V.KÌNH

TT - Tại hội thảo “Cơ chế xử lý nợ” do Viện Chiến lược chính sách và tài chính tổ chức ngày 19-9, nhiều nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đều băn khoăn có nên thành lập công ty mua bán nợ quốc gia không khi mà chưa đánh giá được cơ cấu của nợ xấu, phân loại các khoản nợ.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng nợ xấu không dưới 10%, với quy mô tín dụng là 2,6 triệu tỉ đồng thì buộc phải có cách để xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để lâu thì nợ xấu không tự mất đi mà ngày càng xấu hơn.

Về nguyên nhân nợ xấu, theo chuyên gia kinh tế Dương Thu Hương, là do tồn kho nhiều khiến các doanh nghiệp không thể có nguồn để trả lãi và vốn vay cho các ngân hàng, khoản nợ trở thành quá hạn đến mức không có khả năng thanh toán.

Đây cũng là lý do làm vòng chu chuyển của tín dụng từ ngân hàng đến doanh nghiệp bị ách tắc. Do vậy, để xử lý nợ xấu phải giải quyết hàng tồn kho và điều quan trọng là phải biết tồn kho ở đâu, là bao nhiêu. TS Vũ Đình Ánh cho rằng để xử lý nợ xấu cần phải trả lời câu hỏi trong cơ cấu nợ xấu của VN thì bao nhiêu là của doanh nghiệp nhà nước.

Về việc Ngân hàng Nhà nước đang xem xét thành lập thêm công ty mua bán nợ quốc gia, bà Hương cho rằng nên cân nhắc thận trọng, do đã có Tổng công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). Hơn nữa, năng lực tài chính của ngân sách nhà nước có tải được thêm công ty mua bán nợ quốc gia nữa không?

* Ngày 19-9, tại hội thảo “VN trước thách thức tái cơ cấu”, TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), là vấn đề cốt yếu để kinh tế đi lên. Thế nhưng theo ông Thành, quan niệm muốn duy trì DNNN ở tất cả các lĩnh vực vẫn thắng thế, Nhà nước vẫn muốn giữ cả doanh nghiệp công ích lẫn doanh nghiệp đang có lợi nhuận tốt.

“Nếu chỉ bỏ những doanh nghiệp không đảm bảo lợi nhuận thì không ai muốn nhận doanh nghiệp đó” - ông Thành nói và đề nghị cần tinh giảm khối lượng DNNN mạnh mẽ hơn. Theo đó, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn ở DNNN hoạt động công ích, lĩnh vực không thể chia sẻ, từ 65-85% vốn ở DNNN ở ngành cần khống chế, phần còn lại phải dành cho đối tác chiến lược mạnh để cải thiện quản trị. Với các DNNN chỉ có mục tiêu lợi nhuận, chỉ nên giữ 30-51% vốn và có lộ trình thoái vốn rõ ràng. Các DNNN còn lại thì thoái toàn bộ vốn.

L.THANH - C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên