01/03/2010 07:30 GMT+7

Khổ vì bị "tra tấn"... bằng tiếng ồn

TRẦN PHƯƠNG (Theo AFP)
TRẦN PHƯƠNG (Theo AFP)

TT - Tiếng ồn, một dạng ô nhiễm thường núp bóng các hoạt động tín ngưỡng và truyền thống tại Ấn Độ, đang ngày càng vượt khỏi mức chịu đựng của màng nhĩ khiến chính quyền mới đây phải can thiệp, siết chặt luật chống ô nhiễm có từ 10 năm trước.

7iQLMtTL.jpgPhóng to

Một nhà hoạt động Ấn Độ bắc dàn loa công suất lớn để tuyên truyền tại New Delhi ngày 19-2 - Ảnh: AFP

Người Ấn Độ thích sự huyên náo. Do vậy các sự kiện được tổ chức thường rùm beng và hỗn loạn với đầy màu sắc và âm thanh, như lễ cưới phải thật tưng bừng trong khi các buổi tiệc tại gia rộn rã khắp xóm làng. Sự náo nhiệt là cách họ bày tỏ hạnh phúc.

Với hơn 1 tỉ dân, cuộc sống tại Ấn Độ tràn ngập muôn vàn loại âm thanh và thường là rất lớn, như bao du khách lần đầu đến đây đều nhận thấy. “Người Ấn Độ chúng ta là những kẻ ồn ào”, thủ hiến thành phố Delhi Sheila Dikshit đã mô tả tại một hội nghị về nguy cơ sức khỏe môi trường mới đây. Theo các nhà xã hội học, tại Ấn Độ cũng như nhiều nước đang phát triển khác, việc tạo ra tiếng ồn được xem như một đặc quyền. Sự náo nhiệt thể hiện sự giàu có, quyền lực và niềm tin tín ngưỡng của một người.

Tuy nhiên, việc lạm dụng âm thanh quá đà làm không ít người phải bịt tai than trời. “Khi người hàng xóm giàu có tổ chức đám cưới cho con trai trong khuôn viên trước nhà tôi, tiếng nhạc thật đinh tai nhức óc” - một công chức Ấn Độ kể lại. Khi yêu cầu người hàng xóm điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe, ông này bị ông hàng xóm thẳng thừng từ chối vì không muốn làm hỏng sự kiện quan trọng của con mình. Còn các bữa tiệc tại gia thật sự là một thử thách sức chịu đựng của những người bên cạnh.

Không chỉ “tra tấn tinh thần”, ô nhiễm tiếng ồn cũng tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe. Âm thanh ở âm lượng cao có thể ảnh hưởng đến thính giác, các bệnh tim mạch và thần kinh. Tại một lễ hội ánh sáng của đạo Hindu năm ngoái ở New Delhi, độ ồn đo được tại một số nơi lên đến 85 decibel (dB), ngưỡng nguy hiểm cho khả năng nghe của tai. Trong khi đó tại Mumbai, thành phố ồn ào thứ ba thế giới, độ ồn thường trực của giao thông từ 80-100dB.

“Trọng tâm là làm sao cho các buổi tối ở Ấn Độ trở nên yên bình hơn” - Bộ Môi trường cho biết đó là mục tiêu khi công bố các hướng dẫn xử phạt đối với những hành vi gây ồn nơi công cộng hồi tháng trước. Các dạng tiếng ồn được quy định bao gồm tiếng động tại các công trường xây dựng, còi ôtô, dàn máy âm thanh nổi và cả tiếng pháo lễ hội. Giới hạn âm thanh đặt ra ở mức 45dB vào ban đêm và 55dB vào ban ngày, tương ứng mức độ âm thanh phát ra khi nói chuyện vừa và lớn tiếng.

Bất cứ ai vượt quá các giới hạn này, khoảng 5 dB, đều sẽ bị cảnh sát xử phạt. “Quy định này sẽ cho phép các cơ quan thực thi nhiều quyền hơn bởi chúng rất rõ ràng”, J.S Kamyotra thuộc Ban kiểm soát ô nhiễm trung tâm (CPCB) nói.

Tuy vậy, áp dụng luật sẽ khó hơn nhiều so với vạch ra nó. Bởi nếu một cảnh sát cố dẹp tiếng ồn tại một sự kiện tôn giáo, anh ta có thể bị phạt vạ ngược lại vì dám gây phiền nhiễu cho tín ngưỡng. “Đã có luật và hình phạt nhưng mọi người thường tìm cách lách luật”, một quan chức cấp cao khác của CPCB thừa nhận. Ngay đạo luật quản lý ô nhiễm tiếng ồn được ra đời năm 2000 với cam kết cải thiện tình hình trong vòng bảy năm, nhưng hầu như đã thất bại khi đến nay chưa từng một ai bị xử phạt.

TRẦN PHƯƠNG (Theo AFP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên