03/01/2019 09:19 GMT+7

Khổ sở vì chứng 'nuốt không trôi'

T.LŨY
T.LŨY

TTO - Thời gian gần đây, có thể xuất phát từ thói quen ăn uống, lối sống không hợp lý, rất nhiều người mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (thường được viết tắt là GERD) mà không biết.

Khổ sở vì chứng nuốt không trôi - Ảnh 1.

Anh M.T. (40 tuổi, ở TP Rạch Giá, Kiên Giang) vui mừng cảm ơn bác sĩ sau phẫu thuật - Ảnh: T.LŨY

Nhiều người đã từng điều trị bệnh này thời gian dài nhưng không khỏi, thậm chí ăn ngủ không được, sụt 5-7 kg vì căn bệnh "khó hiểu" này.

Uống thuốc nhiều năm không khỏi

Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, các bác sĩ đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị chứng "nuốt nghẹn", trào ngược đến khám, phẫu thuật sau khi điều trị bằng thuốc nhiều năm không khỏi.

Anh H.D.T. (26 tuổi, quê Sóc Trăng) được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa chẩn đoán bị bệnh trào ngược GERD khoảng 2 năm trước. 

Anh T. kể: "Lúc đầu tôi uống thuốc, triệu chứng có giảm, nhưng càng về sau này bệnh càng nặng hơn. 

Rồi khoảng 2 tháng nay, hễ đến 2h - 3h sáng đang ngủ phải bật dậy vì thức ăn trào ngược lên họng, gây đau nhói ngực không thở được, phải ngồi ngủ để dễ thở hơn. 

Lúc đó, do ăn ngủ không được, tinh thần suy sụp, tôi sụt khoảng 7-8kg. Tôi tìm kiếm trên mạng, thấy các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ có phẫu thuật điều trị thành công căn bệnh này nên tìm đến đây".

Bác sĩ La Văn Phú - trưởng khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết: "Sau khi thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. bị trào ngược dạ dày - thực quản mức độ nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật xếp nếp đáy vị kiểu Nissen qua nội soi, là kỹ thuật mới được triển khai từ tháng 4-2018 tại bệnh viện".

Một bệnh nhân khác là ông Trương Đình H. (66 tuổi, ở Lâm Đồng) cũng đã tìm hiểu, điều trị nhiều nơi, mới đây đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khám và phẫu thuật do bị chứng trào ngược dạ dày - thực quản. 

Ông H. kể đã bị chứng trào ngược 10 năm nay. Lúc đầu uống thuốc điều trị bệnh có giảm một thời gian, nhưng gần đây bệnh trở nặng, ăn ngủ đều không được. 

Khi ngủ thường phải ngủ ghế bố hoặc kê gối cao, thậm chí có đêm phải ngồi ngủ vì nằm là không thở được. 

Các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp đã chỉ định phẫu thuật nội soi xếp nếp đáy vị cho bệnh nhân, sau 2 ngày phẫu thuật sức khỏe đã ổn định, chứng trào ngược khó thở giảm hẳn.

Tất cả các trường hợp bệnh nhân sau phẫu thuật đã hết nuốt nghẹn, trào ngược và kết quả tái khám cũng rất tốt, ăn uống trở lại bình thường.

Trẻ em cũng mắc bệnh

Theo bác sĩ La Văn Phú, bệnh trào ngược GERD là do sự rối loạn tiêu hóa do cơ tâm vị - chỗ nối thực quản với dạ dày - bị yếu, dẫn đến tình trạng các chất trong lòng dạ dày, bao gồm thức ăn, nước uống, các chất trong dịch vị, trào ngược lên thực quản. 

Mức độ trầm trọng của bệnh tùy thuộc vào mức độ yếu của cơ tâm vị cũng như lượng dịch từ dạ dày trào lên thực quản và sự trung hòa dịch vị của nước bọt.

Theo các bác sĩ, căn bệnh trào ngược dạ dày - thực quản hiện nay khá phổ biến, chiếm tỉ lệ 15 - 30% dân số. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi cả nam và nữ, kể cả trẻ em và phụ nữ mang thai.

Có nhiều yếu tố tác động gây phát sinh bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, nhưng những yếu tố thường được đề cập liên quan đến chế độ ăn uống và lối sống không hợp lý. 

Người có thói quen ăn nhiều thức ăn nóng, cay, nhiều dầu mỡ, sôcôla, nước uống có cồn, hút thuốc lá, béo phì... dễ bị bệnh trào ngược hơn. 

Những người có thói quen ăn buổi tối, ăn gần giờ đi ngủ cũng có nguy cơ bị trào ngược (nên ăn trước khi đi ngủ ít nhất 2 giờ).

Người bị trào ngược dạ dày - thực quản có thể khỏi hẳn hoặc giảm khi thay đổi chế độ ăn và lối sống, tuy nhiên có trường hợp điều trị nội khoa bằng thuốc kéo dài, thậm chí có người đã nong thực quản qua nội soi nhưng sau thời gian bệnh vẫn tái phát. 

Bệnh nhân nong thực quản nhưng bị hẹp trở lại, các phương pháp điều trị khác không đáp ứng nên phải phẫu thuật nội soi.

Theo bác sĩ La Văn Phú, căn bệnh trào ngược dạ dày - thực quản nếu không điều trị triệt để, bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống (ăn ngủ không được, sụt ký). 

Và đôi khi bệnh cũng có những biến chứng trầm trọng, như viêm loét thực quản, tình trạng này có thể gây chảy máu. 

Loét lâu ngày có thể sẹo xơ và hẹp lòng thực quản. Một số trường hợp bệnh lâu ngày có thể gây viêm thực quản Barrett, biến chứng này có thể dẫn đến ung thư thực quản.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hiện nay phẫu thuật xếp nếp đáy vị kiểu Nissen (Nissen fundoplication) qua nội soi là phương pháp phẫu thuật cho kết quả tốt đối với trào ngược dạ dày - thực quản nặng.

Lưu ý biểu hiện bệnh

Biểu hiện của bệnh ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ như ợ nóng, ợ chua sau khi ăn những thức ăn khó tiêu, hay nặng hơn như cảm giác nóng rát, đau tức sau xương ức... dễ nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh tim, cũng có khi chất trào ngược làm cho bệnh nhân khó thở giống như bệnh lý đường hô hấp.

Nhiều bệnh nhân triệu chứng của trào ngược nặng hơn về nửa đêm đến gần sáng.

Triệu chứng ở vùng ngoài thực quản như viêm họng, ho kéo dài, khó thở, đau sau xương ức... dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, gây khó khăn cho chẩn đoán và điều trị.

T.LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên