![]() |
Ông Hồ Văn Thu (xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc) lo lắng bên vườn cúc mâm xôi với chi phí đầu tư ban đầu tăng hơn 30% so với năm trước - Ảnh: Thanh TÚ |
Các năm trước mai vàng, cây cảnh trang trí công trình đến thời điểm này đã bán được, nhưng hiện nay không thấy ai hỏi mua.
Chi phí tăng gấp 2-3 lần
"Đã đến lúc chính quyền địa phương định hướng, giúp đỡ người trồng hoa kiểng chuyển nghề vì chắc chắn vài năm nữa nghề trồng hoa tết sẽ mai một. Bây giờ tìm nhân công chăm sóc không ra, mà không có người chăm sóc thì không thể trồng hoa tết được" |
Ông Trần Minh Mẫn, phó chủ nhiệm HTX Cây giống và hoa kiểng Cái Mơn, huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết hiện nay tất cả các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hoa kiểng đều tăng mạnh. Ở Cái Mơn, người dân chủ yếu trồng mai vàng, tắc kiểng cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Nam. Thống kê sơ bộ cho thấy chi phí ban đầu đã tăng tới 40% so với năm trước. “Hàng triệu cây mai và kiểng tắc của nông dân đã bị đội giá khá cao. Nếu tết không bán được hoặc bán giá thấp thì “chết” chắc” - ông Mẫn lo lắng.
Nhiều người trồng hoa còn than tìm nhân công chăm sóc hoa kiểng rất khó khăn. Hiện giá nhân công chăm sóc, tỉa cành trung bình 150.000-160.000 đồng/người/ngày, tăng gấp đôi so với năm 2010, nhưng vẫn không tìm đủ do phần lớn lao động nữ trẻ ở nông thôn đã đi làm ở các khu công nghiệp. Ông Hồ Văn Thu ở thị xã Sa Đéc than thở: “Với 8.000 giỏ hoa cúc mâm xôi, tôi cần cùng lúc 40 nhân công tỉa cành, ngắt đọt liên tục hai ngày, nhưng tìm đỏ mắt mới được 20 người nên làm bốn ngày mới xong. Điều này khiến hoa trong cùng một vườn sẽ nở không đồng loạt”.
Nhiều loại hoa kiểng ế
Kiểng lá, cây cảnh phục vụ trang trí các công trình xây dựng được trồng quanh năm. Hiện nay hầu hết nông dân trồng loại này đang rầu rĩ vì sản lượng tiêu thụ giảm tới 30%. Rất nhiều loại đã “quá lứa” mà vẫn chưa biết bao giờ mới bán được.
Ông Cao Văn Hai ở xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) là đầu mối cung cấp các loại cây công trình ở tỉnh này từ nhiều năm qua. Năm nay ông Hai trồng và mua của những người khác hàng chục ngàn giỏ quỳnh anh, trâm ổi, lài, hồng lộc để bán cho các công trình. Mọi năm đến thời điểm này ông Hai đã tiêu thụ gần hết, nhưng hiện nay trong vườn nhà ông còn tồn gần 5.000 giỏ quá lứa có giá trị hơn 60 triệu đồng. “Bán không được, vốn liếng không thu hồi được mà còn phải bỏ ra thêm để chăm sóc nữa” - ông Hai buồn bã.
Vụ hoa tết 2012 ở Chợ Lách (Bến Tre) có 3 triệu cây mai vàng, gần 1 triệu cây kiểng tắc đang được nhà vườn chăm sóc và chuẩn bị bán cho thương lái đưa đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Còn tại làng hoa Sa Đéc có khoảng 150.000 giỏ cúc mâm xôi đã được người dân trồng từ tháng 6-2011. |
Tại làng hoa kiểng Cái Mơn (Bến Tre) lúc này có hàng chục ghe chở mai vàng (nguyên liệu) nằm chờ thương lái tới mua. Ông Nguyễn Văn Thành (người trồng mai vàng ở xã Vĩnh Thành) cho biết theo thông lệ khoảng tháng 9 âm lịch thương lái các nơi đến đây mua gốc mai vàng cỡ nhỏ về vô chậu, chăm sóc bán tết. Thế nhưng hiện đã là tháng 10 âm lịch rồi mà không thấy bóng dáng thương lái đâu cả. Giá mai vàng từ 20.000 đồng/cây hiện đã giảm còn 6.000 đồng/cây. “Chi phí đầu tư tăng gấp đôi mà giá lại giảm tới ba lần như vậy làm sao chúng tôi chịu nổi” - ông Thành than thở.
Theo ông Dương Văn Huyền, chủ nhiệm HTX Cây giống và hoa kiểng Cái Mơn, nông dân sản xuất hoa kiểng chủ yếu tự phán đoán thị trường mà làm chứ không có thông tin gì chính thức. Người trồng đầu tư tất tần tật nhưng đến khi thành phẩm thì thương lái xuất hiện định giá. Người trồng hoa kiểng sợ nhất là khi gần đến tết mà thương lái “õng ẹo”, lạng tới lạng lui cho giá không bằng giá vốn. Còn tại làng hoa Sa Đéc, nhiều người đã tính chuyện bỏ nghề vì có quá nhiều khó khăn bao vây họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận