Đánh giá năm 2023 cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông Quang cho rằng kết quả công tác phòng chống tội phạm tăng 0,07% nhìn chung là tích cực.
Bởi trong bối cảnh năm qua, ta đối mặt với nhiều khó khăn, tội phạm, gian lận thương mại, hàng gian hàng giả gia tăng. Vì vậy, việc chúng ta cơ bản giữ vững là tích cực khi có nhiều chuyên án được triệt phá, đặc biệt là chuyên án ma túy cực kỳ lớn.
Tuy nhiên, tội phạm công nghệ cao và lợi dụng công nghệ cao ngày càng phức tạp, việc phòng chống rất khó khăn. Tính chất phạm tội ngày càng manh động, ngang nhiên và man rợ hơn.
Đáng báo động nữa là tội phạm ma túy với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi, khối lượng cực kỳ lớn làm băng hoại xã hội. Tội phạm khai thác khoáng sản, môi trường cũng gia tăng...
Với phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dù có tích cực hơn, nhiều chuyên án được triệt phá nhưng theo ông Quang, chúng ta chỉ làm được một phần việc không lớn trong tổng thể các vi phạm.
"Tôi cũng không biết bao nhiêu phần trăm nhưng chắc chắn ta ngăn được, bắt được và xử lý được là một phần không lớn. Chắc là có nhiều sự lọt lưới ở nhiều lĩnh vực, vấn đề liên quan, như xăng dầu, phân bón, đường cát, xuất nhập khẩu hàng hóa... ảnh hưởng cuộc sống từng người, từng nhà" - Phó thủ tướng nói.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tội phạm, thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - thứ trưởng Bộ Công an - dẫn ra con số năm 2023 có 29,6% tội phạm là người thất nghiệp, 11 vụ cướp ngân hàng cơ bản là người thất nghiệp gây nên.
"Cướp ngân hàng trên thế giới rất chuyên nghiệp còn ở ta rất đơn giản, cho nên cần quan tâm an sinh xã hội, nhất là dịp Tết" - ông Ngọc nói.
Thứ trưởng cũng đề nghị quan tâm quản lý người nghiện vì 96% người nghiện hiện nay không có việc làm, 14,3% tội phạm trong năm 2023 do người nghiện gây nên. Đặc biệt, hiện có 2.500 người ngáo đá; 2.700 người tâm thần thường trực gây ra các vụ trọng án giết người, gây rối.
"Các lực lượng, đặc biệt phường xã lập hồ sơ, phân công, có giải pháp từng người nghiện, ngáo đá, tâm thần để ngăn chặn các thảm án. Mỗi người nghiện đều có thể gây ra một vụ án, mỗi người ngáo đá, tâm thần gây ra một vụ trọng án…" - ông Ngọc nói.
Phó thủ tướng cũng đánh giá năm 2024 sẽ còn khó khăn hơn, sản xuất và tiêu dùng đều giảm, ảnh hưởng tới việc làm và đời sống hàng triệu người dân. Doanh nghiệp trong nước chưa thể phục hồi, có thể khiến tội phạm gia tăng.
Trong đó, có nhiều loại hình kinh doanh quản lý còn lúng túng như kinh doanh trên mạng. Khoa học công nghệ phát triển khiến nhiều đối tượng có thủ đoạn tinh vi. Thêm nữa, ma túy là nguồn cơn của các loại tội phạm, khi hiện nay số người tái nghiện lên tới trên 95%.
Vì vậy, ông Quang đề nghị cần tập trung rà soát, đề xuất thể chế, hành lang pháp lý đầy đủ, gỡ vướng mắc trong phối hợp thực hiện, tránh chuyện "quyền anh quyền tôi". Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, tuyên truyền, hạn chế lợi dụng, lôi kéo vi phạm. Đổi mới cách nghĩ, cách làm, quyết tâm thực hiện.
Đặc biệt, Phó thủ tướng cũng lưu ý với các lực lượng chức năng cần "biết giữ mình" do đây là những lĩnh vực liên quan tới tiền hàng rất lớn của xã hội, lợi ích "không hề nhỏ". Gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thúc đẩy sự minh bạch, tránh tư tưởng cát cứ, không muốn chia sẻ dữ liệu, phát huy hiệu quả việc xử lý thông tin, tăng cường thanh kiểm tra nội bộ để ngăn chặn vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận