19/01/2016 09:30 GMT+7

Khi trẻ nằm vạ

MỸ DUNG (mydung@tuoitre.com.vn)
MỸ DUNG (mydung@tuoitre.com.vn)

TT - Sự bất nhất trong cách giáo dục con cái của cha mẹ, ông bà; sự thiếu kết hợp giữa gia đình - nhà trường - nhà chuyên môn trong đánh giá, can thiệp hành vi của trẻ dễ dẫn đến những hệ quả xấu trong hành vi, thói quen và tính cách trẻ.

Việc giáo dục trẻ em cần sự phối hợp thống nhất của gia đình - nhà trường và chuyên gia giáo dục. Ảnh chụp một tiết học “học mà chơi” tại một trường mầm non trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: H.HG.
Việc giáo dục trẻ em cần sự phối hợp thống nhất của gia đình - nhà trường và chuyên gia giáo dục. Ảnh chụp một tiết học “học mà chơi” tại một trường mầm non trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: H.HG.

Đó là những khuyến cáo của ThS.BS Phạm Minh Triết, trưởng khoa tâm lý (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), trong buổi nói chuyện “Làm gì khi trẻ nằm vạ?”.

Leo thang hành vi

Chị N. (Q.10, TP.HCM) kể con gái của chị nay đã 4 tuổi, nhưng bé rất ít nói và thường có biểu hiện bực bội khi không được đáp ứng nhu cầu.

Bé rất thích xem đĩa CD ca nhạc và có thể tự mở đĩa CD để xem. Từ khi biết việc xem tivi, băng đĩa nhiều có thể làm nặng thêm tình trạng chậm nói của bé, gia đình đã cất hết đĩa CD. Tìm không thấy đĩa CD ở nhà, bé sang nhà hàng xóm mượn đĩa CD về và tự mở.

Do ba mẹ đã cúp điện, bỏ đĩa CD vào xem không được, bé bực bội ném đĩa đi, rồi nằm lăn ra đường khóc lóc... Cứ như thế, hành động này cứ dai dẳng và không hề thuyên giảm ở bé.

Trường hợp của con chị K. (Q.3), bé đã 3 tuổi và luôn mè nheo để được gia đình chiều chuộng. “Ban đầu con tôi sẽ khóc lóc, khi không được đáp ứng nhu cầu bé sẽ tự làm đau mình: cấu vào tay, vào mặt, đập đầu xuống nền nhà..., đến lúc nào được để ý và được đáp ứng mới thôi” - chị K. kể. Đã 3 tuổi nhưng bé rất ít nói, hay khóc lóc thảm thiết và có cả hành động đánh người khác...

ThS tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh (khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho rằng ở trường hợp của con gái chị N., ba mẹ cần thống nhất trong cách giáo dục. “Nhiều khi mẹ cương quyết không cho, nhưng ba thấy mẹ đi vắng, ba thương, thế là con sẽ leo thang hành vi”.

Trong khi đó, ThS.BS Phạm Minh Triết khuyên chị N. ngoài việc thống nhất cách giáo dục, cha mẹ nên thay đổi điều kiện để thực hiện hành vi của trẻ: “Chúng ta có thể để cái đầu đĩa cao lên, khỏi tầm với của trẻ, hoặc khóa lại để trẻ không thực hiện được hành vi đó”.

Phụ huynh cần học cách ứng phó

Trẻ đang đi cùng ba mẹ bỗng nhiên nằm lăn ra giữa đường vì đòi hỏi không được đáp ứng. Trẻ thường la hét, khóc lóc, ói mỗi khi không được đáp ứng nhu cầu. Trẻ có thể ném đồ, đánh người khác khi không hài lòng. Trẻ thường cãi lại mỗi khi người lớn dạy bảo...

Theo ThS.BS Phạm Minh Triết, tất cả những điều đó đều có thể là phản ứng bình thường của mỗi đứa trẻ, hoặc là sự báo hiệu trẻ đang gặp phải những khó khăn liên quan đến tâm lý, thậm chí là một tình trạng bệnh lý liên quan đến tâm thần.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nằm vạ của trẻ. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, việc nằm vạ được lý giải bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

ThS tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh cho biết có tám nguyên nhân được tìm thấy gồm: khủng hoảng tuổi lên 3, học từ người khác, người lớn vô tình củng cố hành vi nằm vạ, thu hút sự chú ý, tìm kiếm sự chấp nhận của người khác, thử thách thái độ của người khác, thiếu kỹ năng và thói quen.

Ví dụ như khủng hoảng tuổi lên 3 xuất hiện từ khoảng 18-20 tháng tuổi và kéo dài đến 4 tuổi với biểu hiện thích tự làm, thích mọi thứ theo ý mình, thích tự khám phá, thích phản ứng ngược và có xu hướng tìm kiếm sự chấp nhận của người khác.

Điều này hầu như trẻ nào cũng trải qua, và là một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của trẻ, nên phụ huynh cần học cách để ứng phó.

Theo các chuyên gia, với trường hợp nằm vạ khủng hoảng tuổi lên 3 như vậy, người lớn cần phớt lờ hành vi của trẻ.

“Chịu khó nghe khóc 20 phút trong khoảng 15-20 lần là trẻ hết nằm vạ liền” - ThS tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh cho biết.

Để đạt được hiệu quả thì ở bất cứ lứa tuổi nào cũng cần thống nhất một cách giáo dục. Vì thế, cần có sự kết hợp giữa nhà chuyên môn, gia đình và nhà trường trong việc đánh giá, can thiệp các hành vi không mong đợi ở trẻ.

Nằm vạ còn do bệnh lý!

Có những trẻ nằm vạ không do khủng hoảng tâm lý lứa tuổi mà có thể là bệnh lý! ThS.BS Phạm Minh Triết cho biết tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 30-40% trẻ được đưa đến khám vì có những hành vi không mong đợi (nằm vạ), và khoảng 10% trong số này là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý.

Trẻ nằm vạ có thể có những bệnh như chậm nói, chậm phát triển, tự kỷ hoặc rối loạn cư xử. “Cần phân tích các hành vi để biết nằm vạ là phản ứng bình thường hay bất thường, liên quan đến một tình trạng bệnh lý” - bác sĩ Triết cho biết. Đáng lo ngại là trong việc nằm vạ có thể có liên quan đến rối loạn cư xử và hiện hành vi này ít được quan tâm đúng mức.

Theo ThS.BS Phạm Minh Triết, rối loạn cư xử có hai dạng: rối loạn cư xử và rối loạn thách thức chống đối. Trong đó, khi bị rối loạn cư xử, trẻ thường ức hiếp, đe dọa người khác, thường tự gây sự đánh nhau, có hành vi độc ác với người khác hoặc thú vật...

Khi bị rối loạn thách thức chống đối, trẻ sẽ mất bình tĩnh, tranh cãi với người lớn, từ chối hoặc bất chấp yêu cầu của người lớn hoặc luật lệ, thường đổ lỗi cho người khác, xúc động hoặc dễ bực mình, giận dữ hoặc bực bội...

MỸ DUNG (mydung@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên