20/03/2017 13:54 GMT+7

Khi tòa xử... chính mình

 PHẠM QUỐC CƯỜNG
PHẠM QUỐC CƯỜNG

TTO - Theo quy định hiện hành, TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường. Do đó, nhiều trường hợp cho rằng bị oan sai phải khởi kiện yêu cầu giải quyết bồi thường tại chính tòa án nơi đã kết án mình.

Xét về góc độ khoa học pháp lý, việc cho phép các tòa án thụ lý, giải quyết những hành vi gây thiệt hại do chính mình gây ra là không hợp lý, khó đảm bảo khách quan, công tâm.

Vừa xử oan, vừa xử bồi thường

Năm 2014, ông Nguyễn Đình Sơn bị TAND huyện Ea Kar (Đắk Lắk) tuyên phạt 6 tháng tù về tội “vi phạm việc kê biên tài sản”, bồi thường 88 triệu đồng cho cơ quan thi hành án dân sự huyện.

Sau đó, ông Sơn kháng cáo kêu oan và được tuyên trắng án. Ông Sơn yêu cầu TAND huyện Ea Kar bồi thường 836 triệu đồng nhưng tòa này chỉ xin lỗi và chấp thuận bồi thường 44 triệu đồng.

Không đồng ý, ông Sơn làm đơn khởi kiện chính TAND huyện Ea Kar để đòi bồi thường thiệt hại đối với ông. Như vậy, TAND huyện Ea Kar lại phải xét xử... chính mình.

Hay trường hợp ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. TAND tỉnh Bình Thuận là cơ quan đã gây ra oan sai cho ông Nén cả hai vụ án giết người và tòa này có trách nhiệm bồi thường cho ông. Cơ quan này đã nhận sai, xin lỗi và thương lượng mức bồi thường.

Sau nhiều lần thương lượng, tòa đồng ý bồi thường cho ông Nén 10 tỉ đồng, nếu không đồng ý thì nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND Hàm Tân (một tòa án cấp dưới của TAND tỉnh Bình Thuận) nơi ông Nén cư trú để yêu cầu giải quyết bồi thường.

Khi TAND tỉnh Bình Thuận đã không chấp nhận mức bồi thường do ông Nén đưa ra thì cơ quan cấp dưới của họ có dám chấp nhận yêu cầu của ông hay không?

Không nên xử thay

Theo quy định tại điều 23 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quy định về thẩm quyền và thủ tục giải quyết tại tòa án thì tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là TAND cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại.

Do đó, nhiều trường hợp cho rằng bị oan sai phải khởi kiện yêu cầu giải quyết bồi thường tại chính tòa án nơi đã kết án mình.

Theo các chuyên gia pháp lý, việc cho phép các tòa án thụ lý, giải quyết chính những hành vi gây thiệt hại do mình gây ra là không hợp lý.

Để đảm bảo tính khách quan, công tâm trong bồi thường khi xảy ra bởi hành vi sai trái, gây oan sai, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo đó, khi điều tra, truy tố, xét xử các hành vi sai trái, vi phạm hoặc thiệt hại do chính mình gây ra, các cơ quan liên quan khó có thể công tâm, khách quan trong thực thi công vụ.

Với tâm lý “không ai lại gây bất lợi cho mình”, dù có xét xử thì chỉ gây thêm bất lợi cho người bị hại, bị oan.

Việc giao cho cơ quan đã gây ra oan sai xét xử, xem xét bồi thường đối với các vụ án do chính họ gây ra sẽ làm cho vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Lý do là không ai muốn xét xử và ra bản án bất lợi cho cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp của mình, vì thế họ thường có tâm lý câu giờ bằng việc đưa ra thủ tục, xin ý kiến...

Thậm chí, nhiều nơi viện ra các lý do khác nhau để “ngâm” hoặc chờ... hết nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu để chuyển cho người khác giải quyết gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Huyện gây oan sai, tỉnh phải xử bồi thường

Cơ quan soạn thảo luật nên xem xét sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành theo hướng không giao cho các cơ quan, đơn vị đã gây oan sai, thiệt hại tiếp tục giải quyết những vấn đề, vụ việc do chính mình gây ra hoặc có liên quan, nhất là các vụ án bồi thường thiệt hại vì oan sai do cơ quan tố tụng gây ra.

Điều này vừa đảm bảo tính khách quan, công bằng trong giải quyết các vụ án oan sai do cơ quan nhà nước gây ra, vừa để việc bồi thường oan sai được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo quyền lợi, chế độ cho người bị oan sai.

Theo đó, đối với các vụ án do TAND cấp huyện xét xử gây ra oan sai thì thẩm quyền xét xử bồi thường oan sai phải là TAND cấp tỉnh giải quyết.

Tương tự, TAND cấp tỉnh gây ra oan sai thì thẩm quyền xét xử bồi thường oan sai là TAND cấp cao.

Còn nếu TAND cấp cao gây ra oan sai thì phải để TAND cấp cao tại khu vực khác hoặc do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét, giải quyết.

Ngoài ra, cần có quy định về cách thức, trình tự, thủ tục thống nhất, đặc biệt là phải quy định mức bồi thường cụ thể, chi tiết để khi giải quyết cơ quan liên quan và người bị oan sai làm căn cứ thương lượng hoặc tính toán, giải quyết mức bồi thường hợp lý.

Điều này vừa đảm bảo tính khách quan, công bằng trong giải quyết các vụ án oan sai do cơ quan nhà nước gây ra, đồng thời giải quyết bồi thường một cách nhanh chóng, thuận lợi cho người bị oan sai.

Có như vậy mới tránh được tình trạng tùy tiện, “ngẫu hứng”, có vụ bồi thường với mức cao, vụ thì quá thấp gây bức xúc, bất bình cho người bị oan sai và dư luận.

Ông Huỳnh Văn Nén chờ nhận tiền bồi thường trên 10 tỉ đồng

TAND tỉnh Bình Thuận đã nộp hồ sơ bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén cho TAND tối cao, Bộ Tài chính để tiến hành trao tiền cho ông Nén.

Quyết định bồi thường được TAND tỉnh Bình Thuận trao cho ông Nén ngày 7-3 nêu rõ số tiền bồi thường là trên 10 tỉ đồng.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường này, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường.

Sau khi được minh oan, ông Nén đã yêu cầu bồi thường 18 tỉ đồng. Qua 7 lần thương lượng, TAND tỉnh Bình Thuận đồng ý bồi thường cho ông Nén 10 tỉ đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nén cho rằng ông đồng ý mức bồi thường này và không khởi kiện ra tòa.

NGUYỄN NAM

PHẠM QUỐC CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên