05/06/2019 09:49 GMT+7

Khi tòa án là bị đơn, tự xét xử, tự kháng cáo...

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Vừa là bị đơn, vừa là cơ quan xét xử, xét xử xong tự kháng cáo bản án của chính mình - câu chuyện này đang xảy ra ở TAND tỉnh Bạc Liêu.

Khi tòa án là bị đơn, tự xét xử, tự kháng cáo... - Ảnh 1.

Ông Bùi Mạnh Hòa (trái) và luật sư trong hành trình đi đòi bồi thường oan sai 30 năm - Ảnh: T.L.

Trong vụ kiện của ông Bùi Mạnh Hòa, khi nhận đơn thì hội đồng xét xử giải quyết theo quy định chứ không có chuyện họp xin ý kiến xem phải bồi thường bao nhiêu. Nếu thấy xử không đúng thì bị đơn, nguyên đơn và những người liên quan có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ông DƯƠNG CÔNG LẬP (chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu)

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Công Lập - chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu - xác nhận: TAND tỉnh Bạc Liêu vừa có đơn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án do chính tòa này xét xử.

Oan sai, gian nan mới được tòa thụ lý

Ngày 7-5-2017, TAND tỉnh Bạc Liêu đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ "tranh chấp bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự". Nguyên đơn là ông Bùi Mạnh Hòa (43 tuổi) và bị đơn là TAND tỉnh Bạc Liêu.

Tại tòa, ông Hòa cho rằng cách đây 30 năm, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên ông Bùi Duy Hải (cha ông Hòa) không phạm 3 tội: thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa và vu khống. 

Sau khi được minh oan, ông Hải qua đời nhưng chưa được bồi thường oan sai. Năm 2015, ông Hòa có đơn gửi TAND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu bồi thường thiệt hại, do thu nhập thực tế bị mất khi cha ông bị bắt giam, thiệt hại do tổn thất về tinh thần của gia đình... 

Tuy nhiên, vì vụ án đã xảy ra quá lâu, TAND tỉnh Bạc Liêu phải xác minh, gửi hồ sơ báo cáo TAND tối cao nên vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chán nản vì phải chờ đợi, ông Hòa đã nộp đơn khởi kiện TAND tỉnh Bạc Liêu, nhưng đơn khởi kiện của ông Hòa đã bị tòa án trả lại.

Đầu năm 2019, ông Hòa tiếp tục gửi đơn yêu cầu bồi thường đến tòa. Giữa ông Hòa và tòa án đã có quá trình thương lượng nhưng bất thành. 

Ông Châu Văn Mỹ, phó chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, người đại diện tòa án đứng ra thương lượng, chỉ đồng ý mức bồi thường 1,1 tỉ đồng. Không đồng ý với số tiền trên, ông Hòa đã khởi kiện TAND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu bồi thường số tiền 9,5 tỉ đồng. 

Tại phiên tòa vừa diễn ra, ông Châu Văn Mỹ cũng là đại diện theo ủy quyền bị đơn. Phiên xét xử do ông Cao Văn Tám, thẩm phán TAND tỉnh Bạc Liêu, là chủ tọa.

Tại tòa, ông Châu Văn Mỹ chỉ chấp nhận các khoản bồi thường theo quy định của pháp luật, không chấp nhận thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm và chi phí mai táng. Hội đồng xét xử đã chấp nhận ý kiến của bị đơn, không bồi thường các khoản nêu trên. 

Tổng số tiền mà TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên chính mình phải bồi thường cho gia đình ông Hòa là hơn 1,1 tỉ đồng. Ngoài ra, hội đồng xét xử còn tuyên TAND tỉnh Bạc Liêu phải chịu án phí hơn 45 triệu đồng.

Tòa xử chính mình, liệu có khách quan?

Sau khi xét xử xong, TAND tỉnh Bạc Liêu lại nộp đơn kháng cáo bản án do chính mình xét xử. Trao đổi với Tuổi Trẻ về lý do kháng cáo, chánh án Dương Công Lập cho biết TAND tỉnh xét thấy hội đồng xét xử đã có nhầm lẫn về việc tuyên tòa án phải chịu án phí số tiền 45 triệu đồng. 

"Trong trường hợp này, TAND tỉnh Bạc Liêu là bị đơn thì sẽ không phải chịu án phí. Nếu phải chịu án phí thì phải lấy tiền của Nhà nước để nộp lại cho ngân sách nhà nước" - ông Lập cho biết.

Không đồng tình với bản án của tòa, ông Hòa cũng đã có đơn kháng cáo vì cho rằng mức bồi thường quá thấp. Phiên xử phúc thẩm sắp tới sẽ do TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử.

Sở dĩ có chuyện tòa án được tự xét xử chính mình là do Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm yêu cầu bồi thường là TAND cấp tỉnh nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu bồi thường hoặc nơi đặt trụ sở của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. 

Từ khi có quy định này, những vụ việc tòa án được tự xử chính mình như TAND tỉnh Bạc Liêu đã không còn là chuyện cá biệt.

Trước đó, vào năm 2015, TAND TP Thái Bình đã xét xử sơ thẩm và tuyên buộc chính tòa này phải bồi thường oan sai cho ông Lương Ngọc Phi (71 tuổi) gần 23 tỉ đồng. Sau đó, TAND tỉnh Thái Bình đã kháng cáo bản án nêu trên. Điều đáng nói là sau khi kháng cáo thì phiên phúc thẩm sẽ do chính TAND tỉnh Thái Bình xét xử. 

Trước tình hình đó, ông Lương Ngọc Phi đã gửi đơn kêu cứu bởi cho rằng việc TAND tỉnh Thái Bình tự xét xử chính mình là không khách quan. Cuối cùng, TAND tỉnh Thái Bình đã tự nguyện rút đơn kháng cáo và phiên xét xử phúc thẩm được đình chỉ.

Vào năm 2016, TAND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã xét xử vụ án đòi bồi thường oan sai giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Đình Sơn và bị đơn chính là TAND huyện Ea Kar. Số tiền mà ông Sơn yêu cầu tòa bồi thường là 836 triệu đồng. 

Tuy nhiên, tòa chỉ đồng ý bồi thường cho ông Sơn hơn 43 triệu đồng. Không đồng tình, ông Sơn đã kháng cáo. Sau đó, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xử phúc thẩm và tăng mức bồi thường cho ông Sơn lên 46,2 triệu đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết dù luật cho phép "tòa tự xử chính mình" nhưng việc xét xử phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không có chuyện muốn xử thế nào thì xử. 

Llãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước cũng thừa nhận quy định này đã khiến các đương sự "tâm tư", vì lo ngại tòa tự xét xử chính mình không khách quan. 

Năm 2017, khi góp ý cho dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), đã có nhiều ý kiến cho rằng quy định "tòa được xử chính mình" trong các vụ bồi thường oan sai nên được sửa đổi. Tuy nhiên khi dự thảo luật được thông qua thì quy định cũ vẫn được giữ nguyên.

Trả lời câu hỏi về việc tòa tự xử chính mình liệu có khách quan hay không, ông Dương Công Lập cho rằng hội đồng xét xử làm việc theo quy định của pháp luật, việc xét xử thế nào là quyền độc lập của hội đồng xét xử, không ai được tham gia cho ý kiến hay chỉ đạo gì.

Nên có đơn vị thứ 3 đứng ra bồi thường

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trong vụ việc của ông Bùi Mạnh Hòa và một số vụ việc khác, đơn vị có hành vi sai trái và buộc phải bồi thường oan sai là tòa án, đơn vị xét xử quyết định mức bồi thường cũng là tòa án. Mức bồi thường cho người bị oan còn liên quan đến trách nhiệm hoàn trả của công chức làm sai. Do đó, không thể để tình trạng tòa án vừa là bị đơn, vừa là cơ quan xét xử trong một vụ kiện, như vậy là không khách quan.

Trong những trường hợp này, cần có cơ quan chuyên biệt giải quyết việc bồi thường ngoài tòa án. Hoặc người bị oan có quyền yêu cầu cơ quan nào đó giải quyết như Cục Bồi thường nhà nước hoặc cơ quan giám sát bồi thường của sở tư pháp.

Tòa án Nhân dân TP thụ lý 75.000 vụ việc trong năm qua Tòa án Nhân dân TP thụ lý 75.000 vụ việc trong năm qua

TTO - Bà Ung Thị Xuân Hương - chánh án TAND TP.HCM - cung cấp con số ấn tượng tại hội nghị triển khai công tác toà án năm 2019, tổ chức sáng 31-1. Hiện 1 thư ký phải giúp việc cho 2, 3 thẩm phán.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên