03/04/2014 02:35 GMT+7

Khi thợ trẻ tranh tài

Q.LINH - Q.PHƯƠNG
Q.LINH - Q.PHƯƠNG

TT - Sau màn đấu trí cân não với 50 câu lý thuyết, những thợ nghề trẻ đã tranh tài cùng nhau ở phần thi thực hành cũng căng thẳng và khó khăn không kém.

Sau sáu lần tổ chức, có thể nói Hội thi học sinh giỏi nghề của Thành đoàn TP.HCM đã thật sự trở thành điểm hẹn của học sinh nhiều trường, trung tâm đào tạo nghề của TP vào tháng 3 hằng năm.

425 thí sinh thi học sinh giỏi nghề TP.HCM Bắt đầu thi thực hành học sinh giỏi nghề Kết thúc Hội thi học sinh giỏi nghề 2014

5GUCkBIC.jpg
Sơn Nữ Trà Mi (Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) - nữ thí sinh duy nhất so tài nghề điện tử với các nam thí sinh - Ảnh: Q.L.

15 nghề được các trường chọn và đăng ký thi tài trong Hội thi học sinh giỏi nghề 2014 đều là thế mạnh của các trường. Và để có thể bước lên bục cao nhất, mỗi thí sinh đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi cho những tháng ngày khổ luyện rèn nghề.

Đấu trường mới

Chọn người giỏi nhất đi thi

Hầu hết các thí sinh dự thi đều là những gương mặt sáng giá, có kết quả học tập nằm trong tốp đầu các ngành nghề dự thi của các trường. Có trường còn tổ chức riêng hội thi tay nghề cấp trường để chọn lọc những “chiến binh” tốt nhất đưa đi tranh tài với trường bạn.

Do yêu cầu về kỹ năng làm nghề nên hầu hết thí sinh đều là học sinh năm cuối hệ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề mới đủ khả năng đua tài. Ít thì có trường cũng dành hai tuần cho giáo viên hướng dẫn, luyện thi để kịp thời bổ trợ những khiếm khuyết cho trò. Còn phần lớn trường hoạch định và chuẩn bị sẵn đội tuyển, tâm lý và luyện thi cho trò trước khi có thông tin về hội thi cả hai tháng.

Phục vụ phòng và hàn là hai nghề mới lần đầu tiên được chính thức đưa vào sân chơi này. Nếu không quan sát phần thi của thí sinh, người ta sẽ không thể biết nghề phục vụ phòng lại tỉ mỉ và vất vả đến thế. Từ thao tác bấm chuông gọi cửa xin phép dọn phòng cho đến từng chi tiết nhỏ như kiểm tra vết bụi trên kính, các thiết bị điện tử, thậm chí là kiểm tra nước uống trong tủ lạnh đều là những chi tiết được tính điểm cho phần thi này.

Thí sinh Tô Thị Đào và Đinh Cô My (hệ trung cấp chuyên nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng) vã mồ hôi trong phòng máy lạnh với việc dọn giường, thay tấm trải giường, áo gối, rửa ly tách, chùi nhà vệ sinh, bồn tắm, hút bụi... “Nhiều công đoạn quá nên dù đã có tập trước nhưng khi vào thi cũng làm lộn lung tung” - bạn Đào nói.

Đứng ngoài quan sát, cô giáo Nguyễn Thị Trang Nhung còn bồn chồn hơn cả hai cô học trò đang dự thi trong kia. “Mình đã cố gắng giúp các em luyện tập, nhớ tuần tự các thao tác và dặn giữ bình tĩnh, nhưng tâm lý đi thi nên dù các em làm tốt cũng có phần mình chưa được ưng ý lắm” - cô Nhung chia sẻ.

Trong khi đó tại xưởng thực hành gò hàn Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, tiếng búa, tiếng máy mài rền vang, chát chúa. Lửa từ các que hàn liên tục bắn lên đỏ chói. Hai chiếc quạt loại lớn dù chạy hết công suất cũng không làm dịu đi cái nóng. Gạt mồ hôi, thí sinh Nguyễn Huy Bằng (CĐ Viễn Đông) kể: “Mình quyết tâm thi để xem sức mình tới đâu, còn thầy hiệu trưởng động viên có xuống nước mới biết bơi và phải đi thi mới biết mình mạnh yếu chỗ nào”.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng cho biết đây là lần đầu tiên học trò Trường CĐ Viễn Đông dự thi nghề. “Chắc chắn sẽ gặp nhiều lúng túng nhưng đây là cơ hội tốt để các em cọ xát thực tế. Trong thời gian ngắn sẽ biết được điểm mạnh yếu của tay nghề để khắc phục giúp lành nghề hơn” - thầy Dũng nói.

Lòng đam mê và tình yêu nghề

Duy nhất Sơn Nữ Trà Mi là nữ trong các thí sinh dự thi nghề điện tử. Cô gái Sóc Trăng này hiện học tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. Sau gần hai năm đi làm cho một công ty điện tử ở Khu công nghệ cao TP.HCM, Mi nhận ra mình thật sự yêu nghề này nên quyết tâm đi học. Trà Mi khoe: “Lúc ở nhà mỗi lần bóng đèn hư là lôi ra sửa, làm riết rồi mê. Giờ đi học thích nhất là được mày mò ngồi ráp các bo mạch, mà công việc này cũng không quá vất vả với phụ nữ”. Cùng thi với bạn chung lớp Trần Trung Hiếu, bài thi của Mi và Hiếu có kết quả rất tốt trong số những bài thi đạt điểm cao phần thi nghề điện tử.

Tùy đặc thù của nghề mà thời gian thi ngắn dài khác nhau. Dù chỉ có 50 phút nhưng mỗi thí sinh dự thi nghề điều dưỡng phải lần lượt qua 10 bàn thi các thao tác: thông ống tiểu bệnh nhân nam, bơm thức ăn bằng ống, hút đàm nhớt, tiêm thuốc... mà giám khảo Phạm Thị Hân (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) bảo rằng chỉ là trích một vài trong số rất nhiều yêu cầu người điều dưỡng phải làm.

Trong khi đó, các thí sinh thi nghề điện công nghiệp tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng phải làm việc liên tục trong bốn giờ mới có thể hoàn thành bài thi thực hành. Hay bài thi thực hành nghề điện lạnh tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng ngốn của thí sinh hết bốn giờ để kiểm tra hai kỹ năng: hàn ống đồng và lắp ráp hoàn chỉnh một bộ máy lạnh.

Năm thành viên của đội tuyển thi nghề cắt may, thiết kế thời trang đều có nhiệm vụ cụ thể: may, ủi, cắt và cả làm... người mẫu. Thí sinh Phạm Kế Phú (Trường trung cấp Bến Thành) cho biết: “Khi được trường chọn, cả đội ngồi lại cùng nhau lên ý tưởng, thiết kế mẫu và may thử. Cũng tranh cãi nảy lửa mới thống nhất được ý tưởng, rồi phải thay đổi cả phụ kiện mới ra được mẫu dự thi”. Không như các thí sinh được chọn từ hội thi của trường, Phạm Kế Phú tự làm đơn xin trường cho tham gia hội thi nghề cấp thành vì: “Tôi có học lực tốt nên muốn tham gia thi để cọ xát, kiểm tra năng lực của chính mình qua thực tế, đồng thời nhân cơ hội này học thêm kinh nghiệm từ bạn bè mình”.

Giám khảo chấm thi nghề cơ điện tử Dương Hoàng Danh (Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh) nhận xét: “Trình độ của các thí sinh gần như ngang bằng nhau và hội thi là sân chơi tốt mà các em có thể rút ra cho mình những bài học phục vụ thực tiễn nghề nghiệp sau này”.

Còn thầy Châu Quang Hải (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) - giám khảo nghề công nghệ ôtô - cho rằng nhiều khi do tâm lý đi thi nên run quá mà quên, chứ các thí sinh đều đã được chuẩn bị khá tốt trước khi dự thi, và phải là những bạn yêu nghề mới gắn bó, để ý từng chi tiết nhỏ như vậy. “Có những lỗi sai đôi khi chỉ là chi tiết nhỏ, nhưng nếu không để ý sẽ gây ra hậu quả lớn, nên mỗi giám khảo chúng tôi không chỉ chấm cái đúng mà còn giúp các bạn nhận ra, sửa cái sai để không lặp lại trong quá trình làm nghề sau này” - ông Hải cho biết.

BxJW6Bep.jpgPhóng to
Các thí sinh dự thi nghề hàn lần đầu tiên được đưa vào Hội thi học sinh giỏi nghề của Thành đoàn TP.HCM - Ảnh: Q.P.

425 thí sinh và 15 nghề dự thi

30 trường, trung tâm đào tạo nghề đã gửi 425 thí sinh tham gia hội thi học sinh giỏi nghề 2014. Các thí sinh cùng tranh tài hai phần thi lý thuyết (kiến thức tổng hợp, chuyên môn nghề dự thi) và thực hành (kiểm tra kỹ năng, thao tác, kỹ thuật tay nghề) của 15 nghề: cơ điện tử, hàn, điện tử, điện công nghiệp, thiết kế web, điện lạnh, công nghệ ôtô, tiện, cắt may, thiết kế thời trang, kế toán doanh nghiệp, phục vụ nhà hàng, phục vụ phòng, hướng dẫn viên du lịch và điều dưỡng.

Kỳ 2: Tạo dựng sân chơi chuyên nghiệp

Q.LINH - Q.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên