19/11/2015 13:00 GMT+7

"Sông Bạch Đằng từ xưa đã nhuộm đỏ máu quân xâm lược"

LÊ VINH QUỐC
LÊ VINH QUỐC

TTO - Người Việt trọng nhân nghĩa, yêu hòa bình không bao giờ muốn có chiến tranh. Vì vậy, sau mỗi lần đánh bại quân xâm lược phương Bắc, các triều đại nước ta lại tìm cách tái lập bang giao bình thường bằng một kế sách mềm dẻo vô cùng sáng suốt được gọi là “Trong Đế ngoài Vương”.

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại Quy Nhơn, Bình Định - Ảnh tư liệu

Giải đáp những thắc mắc của độc giả sau bài viết  "Chữ “Đế” trong bài thơ “Nam quốc sơn hà”", TS Lê Vinh Quốc vừa gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết mới, lý giải về kế sách "trong Đế ngoài Vương" của các triều đại nước ta.

Sau khi bài Chữ “Đế” trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online (14-11-2015), nhiều độc giả đã gửi lời bình chia sẻ với người viết; trong đó có vị thắc mắc: vua ta đã xưng Hoàng đế ngang hàng với Hoàng đế Trung Hoa, sao vẫn thấy có người phải sang Tàu dâng cống phẩm để được thiên tử phong “Vương”?

Xin mời quý vị đọc tiếp bài này để giải đáp câu hỏi đó.

Người Việt yêu hòa bình, sau mỗi lần đánh bại quân xâm lược phương Bắc, các triều đại nước ta lại tìm cách tái lập bang giao bình thường bằng một kế sách mềm dẻo vô cùng sáng suốt được gọi là “Trong Đế ngoài Vương”.

Theo đó, ở trong nước, vua Việt Nam lên ngôi Hoàng đế để khẳng định sự độc lập và bình đẳng hoàn toàn với Hoàng đế nước Tàu; nhưng ở bên ngoài, vua ta nhún nhường chịu nhận chế độ triều cống và tước “Vương” do vua Tàu phong cho như một chư hầu.

Chính sách này không ảnh hưởng gì đến nền độc lập của nước Việt đối với nước Tàu, mà chỉ cho vua Tàu được hưởng “phép thắng lợi tinh thần” với cái danh hão là “bá chủ thiên hạ”, để không có cớ mà gây chiến với ta.

Tại triều đình nước Tàu, khi Hoàng đế nhà Minh muốn hạ nhục nước Việt bằng vế đối “Đồng trụ tích niên đài dĩ lục” (“cột đồng lâu năm rêu đã lên xanh” - ý nói nước Nam phải mãi mãi thần phục Trung Hoa như cây cột đồng của Mã Viện đã áp đặt lâu đời), sứ thần Giang Văn Minh của nhà Lê đã hiên ngang đối đáp: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (hãy nhớ rằng: sông Bạch Đằng từ xưa đã nhuộm đỏ máu quân xâm lược!).

Nhục nhã vì bị đòn đáp trả đích đáng, vua Tàu hèn hạ giết ngay sứ Việt; nhưng uy danh lẫm liệt của vị sứ thần ấy mãi mãi tượng trưng cho khí phách Việt Nam trước triều đình Bắc quốc.

Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, chỉ có duy nhất một vua nước Nam thực sự cam tâm làm chư hầu cho “thiên triều” để giữ ngai vàng là Lê Chiêu Thống.

Triều đại Tây Sơn đặc biệt thành công trong việc áp dụng kế sách “Trong Đế ngoài Vương”. Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, Hoàng Đế Quang Trung giáng đòn sấm sét quét sạch 20 vạn quân Thanh xâm lược, khiến cho chủ tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị cùng kẻ bán nước Lê Chiêu Thống phải chạy trối chết qua Ải Nam Quan sang Tàu mà vẫn còn tim đập chân run, làm cả triều đình Mãn Thanh của vua Càn Long hoảng loạn.

Chính lúc đó vua Quang Trung sai sứ chuyển thư cho vua Tàu, bày tỏ sự “thần phục” với “thiên triều” và đề nghị lập lại quan hệ bình thường giữa hai nước.

Hoàng Đế thiên triều mừng rỡ, vội vã mời vua ta sang Tàu hội đàm. Quang Trung cho người đóng giả mình dẫn sứ đoàn 150 người sang bệ kiến vua Tàu. Hoàng Đế Tàu biết là vua giả, nhưng phải ngậm bồ hòn làm ngọt để tiếp đãi linh đình sứ đoàn “vua” ta suốt từ tháng 1 đến tháng 11-1790, tiêu tốn tổng cộng 800.000 lạng bạc, để được quyền phong cho “chư hầu” phía Nam này tước “An Nam Quốc Vương”.

Khi sắc phong Vương được đem về Huế, Hoàng Đế Quang Trung cất nó đi, rồi lại dâng biểu xin thiên tử Càn Long cho kết hôn với công chúa nước Tàu, với điều kiện “vua cha” cắt cho “rể quý” hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm quà cưới.

Việc Hoàng Đế Quang Trung đột ngột băng hà khiến kế hoạch của ngài không thành. Nhưng kể từ đó cho đến hàng trăm năm sau, Trung Hoa không dám động binh xâm phạm Đại Việt.

LÊ VINH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên