21/11/2018 16:58 GMT+7

Khi sinh viên năm nhất bối rối giảng đường

Rosie Nguyễn
Rosie Nguyễn

TTO - Ít sự giám sát từ người lớn, nhiều sinh viên đại học không khỏi bối rối trước tự do mới mẻ của việc toàn quyền sử dụng thời gian theo ý mình.

 Khi sinh viên năm nhất bối rối giảng đường - Ảnh 1.

Hòa nhập và làm quen với môi trường đại học là thử thách với nhiều bạn trẻ - Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG

Đ. cao ráo, đẹp trai và nói chuyện có duyên. Em là một trong những thành viên tích cực của câu lạc bộ phát triển văn hóa đọc tại miền Tây Nam Bộ. Với sự hài hước tự nhiên, em thường khiến mọi người cười nghiêng ngả bằng những câu nói đùa đầy sáng tạo.

Đ. kể về chuyện em lên Sài Gòn trọ học. Em bảo: "Em biết Sài Gòn đẹp và dễ thương, nhưng không hiểu sao với em Sài Gòn toàn những kỷ niệm buồn".

Là một người rất thích chụp ảnh, vậy mà gần cả năm trời em ở TP.HCM, chiếc máy ảnh nằm im lìm trong túi, chỉ vì em không tìm thấy hứng thú ở bất kỳ cái gì.

Đ. nói: "Em đã mất đến hơn một học kỳ để tìm bạn". Nhưng không thấy mình hợp với môi trường ở đây, em trở về quê, chọn một ngành học khác. Rồi em tham gia vào những cộng đồng người trẻ ở địa phương, dần trở nên hòa đồng, để những tố chất của mình được bộc lộ. Theo thời gian, em đã lấy lại niềm vui chụp ảnh.

Lời nói của em như cứ lơ lửng trong không gian trong suốt buổi nói chuyện đó. Có bao nhiêu người trẻ đang thấy cô đơn trong thành phố đông người? Có bao nhiêu người trẻ khát khao tìm kiếm những mối liên hệ chân thành, mà không tìm thấy?

Một giai đoạn chuyển mình

Câu chuyện của Đ. làm tôi nhớ lại mình của thời mới vào đại học. Tôi đã không biết gì để trông đợi. Lúc đó, không ai nói với tôi rằng quãng đời thời sinh viên sẽ thế nào.

Ngày vào Sài Gòn nhập học, tôi chia tay ba mẹ, theo chân mấy anh hàng xóm lên tàu hỏa vào Nam. Trong đầu tôi khi đó chẳng có một hình dung gì, trừ hai chuyện được các anh dặn dò, là lên giảng đường không cần phải mặc áo trắng quần xanh, và có thể thoải mái bùng tiết nghỉ học.

Tôi mất gần hai năm để hòa nhập vào môi trường mới, không ít lần thấy mình lạc lõng với không gian xung quanh vì mang tâm lý sinh viên nhà nghèo lên thành phố lớn. Không ít lần cảm giác ghen tỵ với những người bạn khác đang năng nổ tham gia các hoạt động phong trào.

Lúc đó, tôi hoàn toàn không hề biết những năm đầu đại học vốn đầy thử thách. Tôi không ý thức được rằng chỉ mới đây thôi mình còn được xem như một đứa trẻ, khi là sinh viên thì được xung quanh mặc định như một người độc lập đã gần trưởng thành.

Bước chân vào đại học là ta đang bước chân vào một giai đoạn chuyển tiếp mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng của cuộc đời. Đó là giai đoạn chuẩn bị cho một đứa trẻ đang vị thành niên sang cuộc sống của một người lớn.

Rosie Nguyễn

Trong một quyển sách về người trí trức và thời tuổi trẻ, Giáo sư Cao Huy Thuần viết: "Đối với người trẻ Pháp, thi tú tài (kỳ thi tốt nghiệp cấp ba) là một biến cố trọng đại trong đời sĩ tử. Tú tài là cánh cửa mở vào Đại học. Tú tài cũng là cánh cửa mở vào cuộc đời".

Trong các tài liệu hỗ trợ người trẻ phương Tây trong quá trình chuẩn bị cho cuộc sống thực, thuật ngữ "life transition" (giai đoạn chuyển giao của cuộc đời), hoặc "college transition" (thời kỳ chuyển tiếp vào đại học) khá phổ biến.

Quá trình từ cấp ba qua đại học là một trong những giai đoạn then chốt trong đời mỗi người, với những thay đổi cả về thể chất, tinh thần và môi trường xã hội. Vậy bao nhiêu người trẻ đang ở ngưỡng cửa đại học hiện nay ý thức được điều đó?

 Khi sinh viên năm nhất bối rối giảng đường - Ảnh 3.

Một buổi chào đón tân sinh viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ở Mỹ, năm 2017, gần 30% số lượng sinh viên nhập học bỏ dở việc học chỉ sau năm học đầu tiên. Nhiều nhà tâm lý nhận định rằng phần lớn lý do là bởi những người trẻ này quá thừa tự tin, quá thiếu chuẩn bị và không có được kỳ vọng thực tế về thời đại học.

Một số nghiên cứu khoa học cũng cho thấy gần 1/3 lượng sinh viên năm nhất ở Mỹ bị căng thẳng thần kinh, có dấu hiệu trầm cảm trong năm đầu học đại học.

Tiến sĩ Steven J. Stein, nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ, đã dành nhiều công sức lý giải cho câu hỏi: Tại sao có rất nhiều sinh viên không thể qua nổi năm đầu đại học? 

Trong quyển sách Trí thông minh cảm xúc cho người mới bắt đầu, ông đưa ra hơn 10 vấn đề thường gặp của sinh viên mới nhập học, bao gồm khối lượng công việc phải làm, cố gắng làm thân với mọi người, kết bạn mới, các giảng viên, gặp khó khăn trong việc hiểu bài, không khí chung của đại học, cảm xúc tồi tệ và thất thường, hay những vấn đề liên quan đến gia đình (nhớ nhà, bị cha mẹ can thiệp, bất đồng ý kiến).

Mạng lưới hỗ trợ còn... thưa? 

Ở Việt Nam, có không ít người trẻ cũng ngơ ngác, hoang mang trước giai đoạn chuyển giao đầy quan trọng và thách thức này. Chỉ hai tháng sau khi vào năm học mới, tôi đã nhận được những tâm sự của các tân sinh viên về chuyện mất hứng thú với học tập, khó khăn trong quá trình hòa nhập, và băn khoăn với việc đổi ngành, đổi trường, hoặc bỏ hẳn việc học.

Mentorship là chương trình mà mỗi người trẻ có thể nhận được sự hỗ trợ của một người đi trước dày dạn kinh nghiệm, được dẫn dắt, cố vấn cho các vấn đề trong cuộc sống. Chương trình mentorship tác giả tham gia thuộc hoạt động của Quỹ Lương Văn Can, hỗ trợ về kiến thức chuyên môn, kỹ năng công việc và định hướng phát triển bản thân cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tại chương trình tọa đàm với sự tham gia của hơn 200 sinh viên hồi đầu tháng 11 tại Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM), khi được khảo sát Bạn có đang yêu thích và hứng thú với quá trình học đại học của mình, chỉ 3 bạn trả lời . Ngược lại, đối với câu hỏi về những khó khăn đang gặp phải, nhiều chia sẻ được đưa ra về việc cảm thấy áp lực với chuyện thi cử, bạn bè, và những vấn đề khác trong cuộc sống tự lập.

Khó khăn trong thời đại học hầu như là chuyện tất yếu. Với sự bảo bọc của nhiều bậc cha mẹ truyền thống, người trẻ Việt còn có nguy cơ gặp nhiều thách thức hơn bạn bè đồng lứa ở các môi trường phát triển khác.

Thanh thiếu niên Việt Nam vẫn thường được gia đình lo lắng cho từng bữa ăn giấc ngủ, nhắc nhở cả việc học ở trường. 

Rồi họ bỗng dưng bị "ném" vào một thế giới hoàn toàn khác biệt, phải sống chung với một hoặc nhiều người lạ cùng phòng, đối mặt với khối lượng bài vở khổng lồ, làm quen với những công việc mà có thể trước đây họ chưa bao giờ làm, như nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp phòng ốc, tính toán chi tiêu.

Ít sự giám sát từ người lớn, nhiều sinh viên đại học cũng không khỏi bối rối trước tự do mới mẻ của việc toàn quyền sử dụng thời gian theo ý mình. Nên đi nhậu với bạn hay nên ở nhà làm bài tập? Nên đi học đúng giờ hay cúp tiết ở nhà xem phim? Nên làm thêm kiếm thêm thu nhập hay tham gia vào các hoạt động cộng đồng?

Những cú sốc trong bước chuyển mình vào thời đại học cũng có thể dẫn đến thay đổi vô thức trong hành vi, thái độ sống, có khả năng định hình lại tính cách của người trẻ.

H.N., sinh viên đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM mà tôi từng hỗ trợ làm mentor tâm sự: "Thời cấp ba, em thấy mình là một người rất năng động, nhiệt tình, hòa đồng với thầy cô và bạn bè trong lớp. Nhưng khi mới vào đại học, em bị choáng ngợp với môi trường ở thành phố mới. Mọi thứ đều có vẻ quá xa lạ, ồn ào. Em không biết ai, mà cũng không ai biết em. Em phản xạ ngược lại, trở thành một người nhút nhát, thu mình và rụt rè".

Rosie Nguyễn là nhà báo tự do chuyên khai thác đề tài về người trẻ và học tập tự thân. Cô là tác giả một số cuốn sách cho giới trẻ như Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Mình nói gì về hạnh phúc

Đại học có thể được ví như một xã hội thu nhỏ, là bước đệm cần thiết cho người trẻ trong hành trình vào đời. Đó là nơi họ có thời gian bước chân xuống nước trước khi bơi trong thế giới người lớn, nơi để thử nghiệm, mắc sai lầm và làm lại mà không lo sợ phải trả giá quá nhiều, nơi để tương tác với những người trẻ khác trong một môi trường tương đối an toàn.

Tuy vậy, hiện tại chưa có đủ nhiều mạng lưới hỗ trợ người trẻ. Gia đình và nhà trường cũng khó lòng trang bị mọi thứ họ cần. Thời kỳ chuyển tiếp từ cấp ba vào đại học có thể khiến nhiều sinh viên cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Nên chăng, cần nâng cao nhận thức của người trẻ về giai đoạn chuyển mình này, giúp họ hiểu hơn về các thử thách chông gai, và chuẩn bị kỹ càng cho những gì phía trước?

(Còn tiếp) 

Bạn đang hoặc từng gặp phải những khó khăn, khủng hoảng nào khi vào đại học, cao đẳng? Hãy chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn.
Nhiều học sinh khá, giỏi có xu hướng tự hủy hoại bản thân Nhiều học sinh khá, giỏi có xu hướng tự hủy hoại bản thân

TTO - Có đến hơn 3/5 mẩu khảo sát cho thấy học sinh trung học cơ sở có hành vi bỏ bê bản thân mình, gần 2/5 học sinh có suy nghĩ bi quan về cuộc sống và gần 1/3 học sinh từng làm đau bản thân mình.

Rosie Nguyễn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên