Mẩu tin bán "lẩu sách" xả hàng - hay gọi là "buffet sách"?! - nhân Giáng sinh của Alpha Books khiến nhiều bạn đọc cũng như cá nhân người viết cũng có cảm giác "thập cẩm". Vừa buồn, cũng vừa cam chịu, chấp nhận.
Buồn là vì nuối tiếc một lối nghĩ cổ điển - sách xưa nay thường là tri thức, là mở mang đầu óc, sách thường bán theo cuốn, tặng nhau cung kính.
Sách, không phải là mớ rau sáng tươi chiều héo, hay cái áo, đầu năm là thời trang, cuối năm ra hàng sida,...vì thế không nên tính bằng cân để xả hàng, người lớn thường dạy con cháu như vậy.
Mặc dù giờ sách giấy chắc là ít ai đọc - đoán thế!
Nhưng ở trường hợp của Alpha Books, gọi là xả hàng sách lẫn lộn kiểu "lẩu" thực ra cũng chẳng đáng trách nhiều.
Đơn giản nhất, kinh tế thị trường mà Việt Nam cam kết cho phép biến mọi sản phẩm, tác phẩm thành hàng hóa - bán chạy tôi giữ, ế tôi xả. Bất biết, tri thức khác gì quần áo, cuối năm thấy tồn, tôi xả cho nhanh, thu hồi vốn, sang năm, nếu có khách tôi lại tái chế, in mới.
Nhà xuất bản - nhà làm sách - trước hết cũng phải sống, phải làm ra lãi để nuôi nhau. "Có thực mới vực được đạo," là câu cửa miệng thường của giới làm ăn.
Nôm na chữ "lẩu", cũng có lý của nó. Nếu duyệt qua những giá sách chủ đề kinh doanh, quản trị, học làm người, dạy làm giàu, bí quyết này nọ... cũng khác gì nguyên liệu lẩu thập cẩm các "món ăn tinh thần" đâu!
Ngoài những sách có vẻ mang tính bồi bổ tri thức như về quản trị kinh doanh thì các món dạy làm người, bí quyết này nọ, có lẽ cũng nên liệt vào cùng với nhóm dạy bói toán, tử vi, ngôn tình... có công dụng giải trí.
Những món "lẩu" như vậy thực ra cũng khẳng định chỗ đứng của chúng - phục vụ một thị trường giải trí.
Về một nhẽ, những món ăn (nhanh) tinh thần như thế cũng thiết thực giúp giảm stress trong cuộc sống hỗn độn ở thành thị với nạn kẹt xe, ô nhiễm từ khói xe gắn máy, những lo toan triền miên của dân lao động ở các khu công nghiệp, ở những vùng quê ruộng đất kiệt quệ trước sự xâm chiếm của các dự án công nghiệp hóa.
Có lẽ các bạn xe ôm, các anh uber, grab, taxi lúc đợi khách sẽ vùi đầu vào ngôn tình.
Có lẽ các mẹ nội trợ, các bậc cao niên hàng ngày tham khảo sách tướng số, tử vi, kinh dịch, bói toán để xem ngày đẹp, tránh ngày xấu, rồi còn chém gió ngoài quán cà phê. Họ không thiếu thời gian.
Cao siêu hơn, trong số các nguyên liệu lẩu đó, (không biết Alpha Books và các nhà sách khác năm nay có xả không?) người ta thấy tràn lan tinh hoa quân tử Trung Hoa, dã sử, với những mưu mô, thiên tình sử, mưu kế thương trường đầy thâm nho... để rồi sẽ có các vị hàn lâm mũ cao áo dài ngồi chép miệng: "con cháu chúng ta chỉ thuộc sử ngoại, chẳng hứng thú gì thuần phong mỹ tục quê nhà."
Thực ra nếu có điều gì giúp người ta tiêu khiển, xả stress thì vẫn nên ủng hộ.
Nếu nhìn thế, thì sách khác gì bimbim, thức ăn nhanh, rồi tiêu nhanh, mà nếu không tiêu được thì cũng chẳng sao, chúng sẽ được xả hàng, bán cân, bán theo tấn, khác gì một dạng ve chai.
Giấy má rồi sẽ được tái chế dùng làm nguyên liệu in những sản phẩm "lẩu" mới, nếu còn khách hàng, nếu còn thị trường…
Ngoài mảng sách "bim bim" như trên, thực ra kinh tế thị trường và sự hội nhập quốc tế cũng giúp cho thị trường sách được đa dạng hóa, nhiều phân khúc với nhiều nét tích cực.
Trên những kệ sách người ta ngày càng thấy xuất hiện nhiều tác phẩm kinh điển của thế giới, của tác giả trong nước tái bản.
Cũng có nhiều các loại sách quý, nghiêm túc, thiết thực, giúp tăng tri thức hỗ trợ cho việc học tập. Dĩ nhiên điều này tùy thuộc vào mức độ đón nhận từ bạn đọc - hy vọng nó sẽ tiến bộ và theo kịp thời đại?
Ở đây cũng không thể bỏ qua thị trường sách online, vừa dồi dào, xuyên quốc gia, vừa hấp dẫn giới trẻ - thế hệ có thể nói là miễn cưỡng đọc sách.
Nếu còn người đọc sách, và lượng người đọc ngày càng tăng, thì người ta có thể yên tâm là xã hội vẫn còn vận động và trưởng thành.
Và như thế các món "lẩu" tri thức sẽ có hương vị hơn chăng? Thôi đừng lo quá với sách bán tấn và lẩu vậy!
Bản tin về lẩu sách: "Nhân dịp Giáng sinh, Alpha Books tổ chức "Lẩu sách cuối năm" với khoảng 25 tấn sách bán theo cân đồng giá 88.000 đồng/kg.
"Lẩu sách cuối năm" sẽ giới thiệu đến độc giả nhiều đầu sách ở các thể loại như: kinh tế, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng sống, khoa học..."
Dưới status đầy cảm thán nói trên của độc giả T.G.T, nhiều độc giả khác đã comment:
- Như kiểu bán đồng nát ấy - nghĩ cảnh mà cân sách lên xong thiếu vài lạng, 2 bên trả giá mà kinh - xé thêm vài trang của cuốn khác bù sang.
- Cảm giác người làm sách: thốn, nhộn nhạo, toát mồ hôi… chắc sắp bị quăng vô nồi lẩu.
- Chắc toàn sách viết về món lẩu, dạy nấu lẩu, địa chỉ quán lẩu.
- Dù sách là món ăn tinh thần nhưng không thể xem như món lẩu hầm bà lằng được.
- Con buôn thì chỉ nghĩ đến xôi đến thịt thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận