25/12/2019 10:29 GMT+7

Khi lớp có học sinh tăng động

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - 'Nó đùng đùng nổi giận đánh con bé bầm mắt, rồi thi thoảng giật tập bay cả bìa', 'Nó chạy vào cấu xé mặt mày tóc tai'; 'Phải ý kiến với nhà trường cho nó ra lớp khác thôi'...

Khi lớp có học sinh tăng động - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Ngọc Hạnh, giáo viên Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), ân cần hướng dẫn cho một học sinh tăng động - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Đó là câu chuyện của nhóm phụ huynh có con học lớp 2 tại một trường ở Q.Tân Phú, TP.HCM khi lớp có bạn bị tăng động. Chuyện của học sinh giờ thành chuyện nan giải, đau đầu của người lớn.

Con bất an, cha mẹ bức xúc

Chị T.L. kể rằng chị có con gái rất ngoan, tính tình cẩn thận, sách tập lúc nào cũng giữ ngay thẳng lề lối, nhưng mọi chuyện khác hẳn từ khi trong lớp có một bạn bị tăng động: "Nó ra đến cổng là khóc nức nở, tập vở bị bạn thích là giật xé bay cả bìa. Từ đầu năm học đến giờ rất nhiều lần như thế, tôi xót cả ruột".

Còn chị T.X. thì phẫn nộ hơn, một mực ý kiến với giáo viên và nhà trường phải chuyển học sinh bị tăng động sang lớp khác. Chị nói: "Đây là lớp học chương trình tiếng Anh tích hợp, cha mẹ đầu tư chọn cho con lớp học như thế nhưng có một em cứ đùng đùng nổi giận đánh đập, kéo tóc..., thử hỏi sao các con yên tâm học tập. Chỉ có cách chuyển sang lớp khác cho lớp được yên".

Một phụ huynh khác, anh Lê Minh, chia sẻ: "Con gái tôi về kể cũng bị bạn chọc, bị đánh. Tôi chỉ mong các con được yên tĩnh học, còn học sinh tăng động kia cũng được dạy dỗ công bằng".

Cần tình yêu thương, bao dung

Cô Mai Thị Kim Phượng, hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), từng giải quyết nhiều trường hợp căng thẳng do lớp có học trò tăng động. Cô cho rằng: "Không thể cách ly trẻ bị tăng động. Để ổn định bé học trong môi trường hòa nhập cần phải có lòng nhân, tình yêu thương, sự bao dung của phụ huynh và giúp đỡ từ phía bạn bè".

Từng trăn trở suốt 5 năm con học tiểu học, chị Nguyễn Ánh Lan (có con đang học Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1) giờ đã nhẹ nhàng. Chị Lan phân tích: "Con tôi năm nay học lớp 6, nhớ lại ngày đầu vào lớp 1, mắt con đỏ ngầu sưng húp vì bị bạn tăng động lấy ngòi bút đâm vào mắt, lấy dép ném vào mặt... Tôi lúc đó cũng giận dữ đòi gặp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm. Nhưng nghĩ nếu mình là mẹ của đứa trẻ kia thì sao? Thế rồi tôi và mẹ của bé hẹn nhau cuối tuần cho các con đi chơi, ăn uống... Con tôi và bạn ấy bây giờ lại quý nhau, là bạn thân".

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp - trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh tăng động không phải khuyết tật trí tuệ, nên các em có thể học những lớp bình thường. "Giáo viên phải là người động viên, biết cách dỗ dành, nắm bắt tâm lý học sinh, quan tâm hơn những trường hợp tăng động. Phía phụ huynh cũng cần có sự cảm thông, hỗ trợ với giáo viên, nhà trường, đừng tìm cách cách ly đứa trẻ" - bà Điệp nói.

Bà Điệp cũng chia sẻ thêm rằng để tìm được sự cảm thông từ phía phụ huynh, ban giám hiệu nên thông báo tình hình đặc điểm lớp cho phụ huynh biết trước; rồi phân chia lớp đều đặn, không dồn hết học sinh tăng động vào một lớp: "Dung hòa được, cảm thông được, bao dung được, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng".

* PGS.TS Trần Thành Nam (chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục - ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội):

Cần có cách giải tỏa năng lượng cho học sinh tăng động

Giáo viên phải có "chiến lược" để ổn định dạy và học. Giáo viên phải đánh giá đầu vào, nếu trẻ tăng động cộng thêm chậm phát triển thì phải có chế độ riêng, có giáo viên chuyên tập trung hướng dẫn, sau đó hỗ trợ giáo viên chính. Nếu chỉ tăng động thôi thì thông tin cần chia sẻ cho phụ huynh trong lớp nắm được, và giáo viên phải nói được giải pháp của mình để vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa cân bằng tình hình học tập.

Với nhóm tăng động giảm chú ý, nếu giáo viên tách các em ra, chú ý siết các em, thường xuyên nhắc nhở là một điều sai lầm. Bởi các em này luôn có nhu cầu giải tỏa năng lượng, giải tỏa những bứt rứt, bất an. Giáo viên cho một hoạt động để giải tỏa năng lượng nhưng vẫn đảm bảo trật tự như tay cầm quả bóng cao su, khi trẻ muốn chạy ra khỏi chỗ, thấy bồn chồn khó chịu thì bóp quả bóng để giải tỏa năng lượng; hoặc để tờ giấy nháp trên bàn để luôn cho phép trẻ vẽ vời trong đó, kiềm chế hoạt động một cách hiệu quả. Hay là dán vào hộp bút 3-4 nhiệm vụ để các em luôn luôn tự nhắc nhở, kiểm soát nhiệm vụ trong lớp.

Rối loạn giảm chú ý - tăng động ở trẻ em Rối loạn giảm chú ý - tăng động ở trẻ em

Đặc tính của bệnh lý này là trẻ thường gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh sự tập trung, khó kiểm soát những hành động thái quá, hay phấn khích,…

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên