05/08/2019 09:54 GMT+7

Khi đại học là… cái chợ

NHẬT HUY
NHẬT HUY

TTO - Ngay giữa thủ đô, Trường ĐH Đông Đô đã 'đánh trống', ghi tên, thu tiền và cấp bằng đại học (văn bằng 2) cho hàng trăm sinh viên trong nhiều năm trời dù không được phép đào tạo.

Khi đại học là… cái chợ - Ảnh 1.

Cơ sở 1, Trường ĐH Đông Đô tại 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Bán bằng! Không oan ức chút nào khi dùng từ này để chỉ những gì vừa 'lộ sáng' tại trường đại học (ĐH) này.

Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo ĐH Đông Đô vướng vào vòng pháp luật. Năm 2003, quyền hiệu trưởng và ủy viên HĐQT của trường này cũng đã phải lãnh án do những sai phạm trong tuyển sinh.

Bằng đại học "ba không"

Không thi đầu vào, không học, không thi đầu ra hoặc nếu có thi thì chỉ là hình thức - đó là những gì xảy ra tại các lớp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Đông Đô. Vụ việc khiến người ta ngỡ ngàng về mức độ ngang nhiên như "chỗ không người", đồng thời cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, nhận thấy nhiều người có nhu cầu văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ (nâng lương, thi tuyển vào biên chế, thi tuyển sinh đầu vào thạc sĩ, tiến sĩ...), từ năm 2016, dù chưa được phép, ĐH Đông Đô đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy.

Để "chợ" đông khách, ban lãnh đạo ĐH Đông Đô có "sáng kiến" liên kết với khoảng 200 trung tâm đào tạo ngắn hạn bên ngoài tổ chức tuyển sinh và ăn chia theo thỏa thuận. Khi có người đăng ký học, các trung tâm môi giới sẽ giới thiệu hình thức đào tạo "cấp tốc", theo đó hồ sơ học viên sẽ được chèn vào danh sách lớp đã học trước đó.

Để hợp thức hóa, ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong 1-2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ), rồi được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.

"Giá" mỗi tấm bằng như vậy từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng. Trong vòng chưa đầy ba năm, một số cán bộ chủ chốt của trường này đã thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.

Ngày 1-8, sau khi có quyết định phê chuẩn của Viện KSND tối cao, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét chỗ ở, chỗ làm việc và bắt tạm giam hiệu trưởng Dương Văn Hòa và một thuộc cấp, đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với hai người khác.

Để tự chủ không tự tung tự tác

Dư luận thực sự khó hiểu khi các quy định, quy trình về tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng vốn rất đầy đủ và cụ thể nhưng tại sao ông Hòa và bộ sậu vẫn có thể "họp chợ" tưng bừng trong gần ba năm qua.

Phát biểu trên Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết bộ quy định hằng năm các cơ sở giáo dục ĐH phải báo cáo tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; số lượng thí sinh trúng tuyển và nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo; số lượng người học đã tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và nhập học; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in, đã sử dụng...

Chặt chẽ là vậy nhưng sao sai phạm vẫn có thể diễn ra?

Chuyện ĐH Đông Đô bán bằng rộ lên khi dư luận vẫn chưa ngớt xôn xao về những lùm xùm trong giáo dục ĐH thời gian gần đây. Có thể kể đến hàng loạt vụ việc như chi 15 triệu đồng có ngay luận văn thạc sĩ; báo động điểm sàn quá thấp của một số trường ĐH để "vơ vét" thí sinh; việc tranh giành, đấu đá ở một số trường ĐH mỗi khi kết thúc nhiệm kỳ hiệu trưởng...

Điều đáng nói, những chuyện này xảy ra đúng vào thời điểm giáo dục ĐH đang bước sang một trang mới khi Luật giáo dục ĐH sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019, trong đó đáng kể nhất là trao quyền tự chủ cho các trường ĐH.

Luồng gió mới mang tên "tự chủ đại học" có là cú hích cho các trường ĐH như mong muốn của các nhà làm luật, của Bộ GD-ĐT và của chính bản thân các trường hay không giờ đang phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo cũng như cơ quan quản lý nhà nước và sự giám sát của toàn xã hội.

Tự chủ nhất định phải đi kèm với tự trọng, tự chịu trách nhiệm, sự minh bạch và giải trình. Tự chủ cũng phải gắn liền với thanh tra - kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Bộ GD-ĐT, các địa phương. Có như vậy tự chủ mới không tự tung tự tác, mà câu chuyện đau lòng ở ĐH Đông Đô là một ví dụ.

Bổ sung liên tục lớp văn bằng 2 tiếng Anh chính quy, học thứ bảy và chủ nhật hằng tuần

dong do 2

Quảng cáo tuyển sinh lớp văn bằng 2 tiếng Anh chính Quy, ĐH Đông Đô, trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

- Miễn thi môn ngoại ngữ của một số ngành học; khi nâng lương, nâng ngạch, nâng bậc.

- Có giá trị vĩnh viễn trong thời gian học tập và công tác.

- Miễn đầu vào thi thạc sĩ đến đầu ra của tiến sĩ.

- Miễn thi môn ngoại ngữ khi thi công chức, xét viên chức, giáo viên thi nâng ngạch, nâng lương...

- Bằng có giá trị cao, thời hạn sử dụng suốt đời; so với các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC, chứng chỉ châu Âu chỉ có thời hạn trong vòng 2 năm, văn bằng 2 tiếng Anh có thể giá trị sử dụng không thời hạn...

(Trích quảng cáo tuyển sinh lớp văn bằng 2 tiếng Anh chính quy ĐH Đông Đô trên mạng xã hội từ năm 2016)

ĐH Đông Đô cấp bằng 2 tiếng Anh cho hàng trăm học viên: Ai chịu trách nhiệm? ĐH Đông Đô cấp bằng 2 tiếng Anh cho hàng trăm học viên: Ai chịu trách nhiệm?

TTO - Đây là câu hỏi chưa có câu trả lời. Theo kết quả điều tra, từ năm 2016 đến nay, Trường ĐH Đông Đô đã cấp văn bằng 2 tiếng Anh cho hàng trăm học viên nhưng không bị phát hiện, xử lý.

NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên