13/10/2019 14:00 GMT+7

Khi con trẻ bị trầm cảm

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Thấy con có biểu hiện lạ, cha mẹ đưa đi khám thì bất ngờ biết rằng những đứa con tuổi teen của mình bị trầm cảm, cần phải trị liệu.

Khi con trẻ bị trầm cảm - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Một ngày đầu tháng 7-2019, người mẹ đưa đứa con trai 16 tuổi đến gặp chuyên gia tâm lý ở TP.HCM. Câu chuyện của chị đầy nước mắt bởi đứa con chị rất mực thương yêu lại tìm cách tự tử đến 2 lần.

Nhà trường, xã hội và gia đình là ba yếu tố cực kỳ quan trọng đối với trẻ. Nếu một trong ba yếu tố đó có vấn đề, đều có thể thành nguyên nhân gây trầm cảm cho trẻ. Trong đó, gia đình thường là nơi làm trẻ bị tổn thương nhiều nhất.

Ông Alex Zhou

Tổn thương vì cha mẹ

Gặp riêng người mẹ và đứa trẻ, chuyên gia tâm lý mới hiểu cặn kẽ được vấn đề. Gia đình có điều kiện về kinh tế nên đứa con trai của chị không phải thiếu gì. Tuy nhiên, từ nhỏ cậu bé đã được dạy phải hoàn toàn nghe lời cha mẹ.

Đứa trẻ lớn lên với những hoài nghi về bản thân. Cậu từ chối các ý tưởng mới, những trò chơi cá tính, những suy nghĩ khác lạ của bạn bè.

Dần dần, cậu trở nên cô lập bản thân, càng ngày càng ít nói. Đến khi nhìn bạn bè ai cũng sôi nổi trong thế giới của mình, cậu muốn trả thù cha mẹ bởi nghĩ rằng "cha mẹ phá hủy cuộc đời" cậu. Tự tử lần thứ nhất không thành, cậu tự tử lần thứ hai vì "muốn cho cha mẹ phải hối hận".

Những câu chuyện trẻ bị trầm cảm làm nảy sinh các hành vi tiêu cực như nêu trên đã không còn là cá biệt.

Từng tư vấn cho hàng trăm trường hợp tuổi teen bị trầm cảm, chuyên gia tâm lý Alex Zhou - đang làm việc tại Việt Nam - cho biết gia đình cần hết sức lưu ý khi thấy trẻ có các biểu hiện như: tự làm tổn thương bằng cách tự tử, tự cắt tay; tự cô lập bản thân, buồn bã, không chịu tắm và vệ sinh cá nhân, lười biếng, không thích làm những việc mà trước đó bản thân rất yêu thích; bỗng dưng ăn quá nhiều hoặc không ăn gì; mất dần trí nhớ, mất khả năng tập trung...

Những biểu hiện này nếu kéo dài nhiều tháng liên tục là dấu hiệu trẻ đã mắc chứng trầm cảm.

Với các hành vi như trẻ muốn tự làm đau chính mình, muốn tự tử, trả thù cha mẹ... nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Trong trường hợp chàng trai hai lần tự tử nêu trên, chuyên gia tâm lý Alex Zhou đã tác động để thay đổi suy nghĩ của không chỉ cậu con trai mà cả bà mẹ.

Sau khi được tham vấn, người mẹ biết bà đã sai nhiều trong phương pháp dạy con. Riêng người con dần dà đã mở lòng, thay vì nghĩ đến cái chết, cậu hướng suy nghĩ về kế hoạch cho những việc có ý nghĩa trong tương lai với sự hướng dẫn của chuyên gia và cha mẹ.

Trị liệu cảm xúc

Thật ngạc nhiên khi đa số các chuyên gia tâm lý sau tham vấn đều kết luận việc trẻ bị trầm cảm đa phần là do cha mẹ làm. Không ít bậc cha mẹ thường nghĩ áp đặt làm thế này thế kia mới tốt cho con.

Một thời gian sau, trẻ gặp chuyện gì cũng không nói với cha mẹ vì có nói ra cũng bị phản bác, bị chỉ trích. Bạn bè cùng tuổi cũng không giải quyết được. Từ đó trẻ sinh ra chán nản, cô lập bản thân. Nghiêm trọng hơn, trẻ nghĩ việc này do cha mẹ gây ra nên có tư tưởng trả thù...

Một số trường hợp khác được cha mẹ đưa đi tham vấn tâm lý là khi gia đình phát hiện con thuộc cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới).

Họ đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý nhờ giúp con "không thích người cùng giới nữa". Tuy nhiên, nếu cha mẹ không lắng nghe mà buộc con làm theo ý mình sẽ khiến tình hình có thể đảo chiều bi kịch.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngô Phương Thảo (Trung tâm tư vấn và trị liệu Mầm Xanh - Hà Nội), nhận định trong những ca tham vấn tâm lý về vấn đề trầm cảm cho trẻ em, gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Có gia đình vì yêu thương không đúng cách đã vô tình đẩy con đến "vực thẳm" tinh thần. Áp lực do nhà trường hay xã hội tạo ra sẽ được hóa giải nếu cha mẹ có thể cùng con thảo luận về kỹ năng quản trị cảm xúc của bản thân.

Theo TS tâm lý Phan Thị Huyền Trân (Trường Vương Quốc Hạnh Phúc, TP.HCM), một trong những phương pháp hiệu quả nhất để chữa lành chứng trầm cảm ở tuổi teen đó là trị liệu về cảm xúc.

Ví dụ, trẻ bị cha mẹ hay thầy cô giáo la mắng thì sẽ nghĩ rằng cha mẹ không thương mình. Đó là nhận thức sai, cần giải thích và hướng dẫn cho trẻ nghĩ đúng lại. Khi được lắng nghe, được giải thích và có suy nghĩ đúng, trẻ sẽ giảm ức chế và giảm được trầm cảm.

Cùng con bước qua nỗi sợ hãi

Nội lực của một đứa trẻ sẽ quyết định hạnh phúc lâu dài của trẻ. Dạy con học cách đối phó với khó khăn, vượt qua trở ngại và đương đầu với thử thách bằng tư duy tích cực là những điều cha mẹ có thể làm để giúp con vượt qua stress.

Ngược lại, những phản ứng tiêu cực của cha mẹ sẽ làm gia tăng gánh nặng tinh thần cho trẻ, khiến trẻ có những suy nghĩ và hành vi lệch lạc khó kiểm soát.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngô Phương Thảo

Trầm cảm với Ái Phương vẫn là 1 cuộc chiến, nhưng mỗi ngày có thể làm tốt hơn Trầm cảm với Ái Phương vẫn là 1 cuộc chiến, nhưng mỗi ngày có thể làm tốt hơn

TTO - Phải định vị Ái Phương trong làng nhạc Việt ở vị trí nào? Có thể Phương không quá trào lưu, không “hot” bằng những gương mặt đang đình đám trên thị trường, nhưng khi cần âm nhạc nền nã và sang trọng, Ái Phương có tên ở đó.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên