Việc táo bạo để kỹ thuật điện ảnh "đứng chung sân" với sân khấu còn nhiều chuyện phải bàn.
Phóng to |
Màn ảnh lớn chiếu clip trong lúc chuyển cảnh tưởng nối liền mạch vở diễn nhưng trái lại đã ngắt mạch cảm xúc sân khấu của khán giả - Ảnh: Đức Triết |
Tấm màn nhung mở, vẫn là lớp diễn quen thuộc trong vụ án Lệ Chi viên thời Lê sơ: Nguyễn Trãi và Thị Lan (tức Nguyễn Thị Lộ) cùng tam tộc chịu án tru di. Nhưng bỗng đâu khán giả nghe thấy tiếng máy rè rè. Ðèn trên sân khấu dịu dần. Một tấm bảng chiếu lớn chạy từ trên xuống giữa sân khấu. Vở diễn được tiếp nối bằng clip ngắn: Thị Lan tâm tình với chồng - Nguyễn Trãi - qua khúc nhạc đàn tranh với diễn viên trong clip là những người đang diễn trên sân khấu. Khán giả lạ lẫm ngó mắt trông. Phía sau tấm bảng chiếu, những người phục vụ đêm diễn vội vã thay cảnh.
Ánh đèn sân khấu sáng dần. Tiếng máy lại chạy rè rè. Bảng chiếu được cuộn lên dành cho câu chuyện tiếp nối với lớp diễn thứ hai. Khán giả lại nhìn xuống, lại xem tiếp. Cứ thế, trong hai giờ xem vở Yêu là thoát tội, lần đầu tiên khi xem cải lương, khán giả liên tục cúi xuống và nhìn lên từ sân khấu đến clip qua bảy lớp diễn với năm lần chuyển cảnh.
Đổi mới để mở rộng không gian
Qua clip khi thì câu chuyện được nối tiếp, khi thì "chú thích" cho lớp diễn tiếp theo như: Thị Lan lai kinh, Thị Lan tắm, Thị Lan trở về, âm mưu của hoàng hậu, hoàng hậu hóa thân thành thích khách. Các clip "diễn giải" ấy được quay khá kỳ công tận ở đền Ðô, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội). "Chúng tôi đã mất cả tháng luyện tập cũng như lỉnh kỉnh di chuyển đến địa điểm cần quay. Không dễ chút nào cho nghệ sĩ vì không phải quay liền mạch cả vở mà là ngắt đoạn. Nhưng chúng tôi hưng phấn vì có cảm xúc mới khi diễn" - NSƯT Thanh Hương (vai Thị Lan) nói. Còn NSƯT Quang Hùng - giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội - cho biết: "Vì cầu kỳ như thế nên chi phí cho vở diễn đội lên đáng kể. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện vì muốn được đổi mới, muốn thông qua việc kết hợp giữa điện ảnh và cải lương để mở rộng không gian của sự việc, xóa đi dấu ấn "bị cách quãng" của việc "chạy cảnh" từ màn trước sang màn sau của quá trình diễn tiến vở diễn".
Ngoài sự chuyển cảnh bằng những đoạn clip cho sự kết hợp "đặc biệt" này, đôi chỗ người xem còn nghe thấy những âm thanh "mượn" từ điện ảnh khá sinh động của tiếng rót rượu, tiếng gió thổi, tiếng gươm vung, tiếng vó ngựa... Tiếc là những âm thanh ấy chưa được trùng khớp với hành động của nhân vật trên sân khấu như: gươm nhựa không vung mà vẫn có âm thanh rít, bát gỗ rơi lục cục trên sàn trong khi âm thanh lồng ghép lại là tiếng "choang", chén rượu bé tí ti mà âm thanh được rót tưởng như rót cho cả cốc nước đầy...
Gắn đôi "cặp lệch"
Những năm 1990, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã đưa điện ảnh kết hợp với cải lương vào vở Khi thành phố lên đèn. Sự kết hợp này không quá "dày" mà chỉ dành cho một vài phân cảnh cùng bảng chiếu được đặt ở chỗ phông cảnh và ít nhiều đã thu được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, do đầu tư tốn kém nên sau đó sự kết hợp này không được nhà hát tiếp tục thực hiện mà trở về với phương thức biểu diễn truyền thống.
Không phải ngẫu nhiên một vở diễn sân khấu luôn có các lớp diễn và giữa các lớp diễn ấy có những khoảng thời gian chuyển cảnh chừng một, hai phút. Và khoảng thời gian ấy đã được khán giả quen, chấp nhận. Có người coi đấy là giây phút được thư giãn trong sự trông đợi lớp diễn sau. Thậm chí có người còn lắng lòng mình lại trong những cảm xúc trào dâng để đồng sáng tạo cùng vở diễn.
Nhưng, xem vở Yêu là thoát tội suốt hai giờ, khán giả không có giây phút nào được ngơi nghỉ. Người xem thấy khá mệt mỏi về tâm trí khi cùng lúc phải xem đến hai loại hình nghệ thuật: sân khấu và điện ảnh. Màn hình lớn với những hoạt cảnh đẹp, song chỉ là sự kể lể dài dòng cùng những chi tiết vụn vặt, không cần nói cũng hiểu, không hợp lý khi lắp ghép vào sân khấu truyền thống luôn mang tính ước lệ, tượng trưng cao. Chính sự gắn đôi "cặp lệch" ấy đã khiến cảm xúc sân khấu của người xem bị phá vỡ. Như trước khi vào lớp diễn cuối cùng, mạch cải lương bị ngắt quãng với clip hoàng hậu hóa thân thành thích khách dài đến năm phút. Nghệ sĩ cải lương bỗng chuyển vai sang diễn viên kiếm hiệp, giống như phim cổ trang Trung Quốc. Khán giả ngỡ ngàng không biết mình đang xem gì: cải lương hay phim? Biết dụng ý của đạo diễn là muốn lý giải rõ hơn về cái chết của ông vua trẻ Lê Thái Tông, minh oan cho Thị Lan, song nếu không có đoạn clip trên thì khán giả vẫn hiểu và cảm được.
Giữa lúc sân khấu truyền thống đang thiếu vắng khán giả, Nhà hát Cải lương Hà Nội mạnh dạn tìm tòi và đổi mới phương thức diễn để tăng thêm tính hấp dẫn của vở diễn, kéo khán giả đến rạp đông hơn là một nỗ lực đáng trân trọng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đổi mới như thế nào cho hiệu quả, thuyết phục và sát thực. Ðạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên (Nhà hát Cải lương Việt Nam) nhận định: "Thực tế cho thấy việc hòa trộn các nghệ thuật khác vào sân khấu cải lương không khó vì loại hình nghệ thuật này dễ giao thoa, dễ hấp thụ được. Vấn đề là ở ngôn ngữ của người đạo diễn, làm như thế nào cho ngọt ngào, lọt cái tai, cái mắt người xem".
ĐỨC TRIẾT
Kỹ xảo cũng là một nhân vật Ứng dụng kỹ xảo điện ảnh vào sân khấu thật ra không phải là một điều gì đó mới mẻ. Bằng chứng là nhiều vở diễn trên sân khấu TP.HCM từng ứng dụng kỹ thuật này. Cải lương thì có vở Chiếc áo thiên nga, kịch nói có những vở như Cánh đồng bất tận, 270 gram, Xin lỗi em chỉ là... Ngay cả những vở diễn bài thi tốt nghiệp ở Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, các đạo diễn sinh viên cũng mạnh dạn sử dụng ứng dụng này. Ðạo diễn Minh Nguyệt, người đã ứng dụng kỹ xảo điện ảnh vào vở Cánh đồng bất tận, từng thổ lộ rằng kỹ xảo điện ảnh sẽ làm tăng thêm tính hành động của sân khấu, giúp đạo diễn có nhiều khả năng sáng tạo hơn. Những vở diễn như Cánh đồng bất tận, 270 gram, Chiếc áo thiên nga... được đánh giá là thành công, hài hòa trong việc xử lý kỹ xảo điện ảnh kết hợp ngôn ngữ sân khấu. Còn những kết hợp thất bại thường do xử lý theo kiểu minh họa, ví dụ như trên sân khấu xuất hiện một diễn viên gian xảo như rắn thì trên màn hình chiếu... con rắn! Hoặc trên sân khấu diễn viên bộc lộ sự gian độc thì trên màn hình minh họa bằng... con báo săn mồi trên đồng cỏ châu Phi! Những xử lý như vậy dễ khiến khán giả phải phì cười. Lý Khắc Lynh - đạo diễn của vở 270 gram đoạt huy chương vàng cuộc thi đạo diễn sân khấu trẻ toàn quốc 2007 - cho rằng việc ứng dụng kỹ xảo điện ảnh vào sân khấu chỉ có hiệu quả khi kỹ xảo đó tham gia được vào vở diễn chứ không phải chỉ để minh họa. Theo anh, ứng dụng kỹ xảo điện ảnh không phải chỉ trưng bày trên sân khấu như một cảnh trí mà phải tương tác với các diễn viên như một nhân vật thật sự. "Vấn đề ở đây là đạo diễn phải nghiên cứu, kết hợp thế nào giữa nội dung vở diễn với kỹ xảo ứng dụng sao cho không bị cảm giác cưỡng ép" - Lý Khắc Lynh chia sẻ. Q.Thi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận