30/10/2018 10:20 GMT+7

Khát vọng vươn lên của Bình Dương

BÁ SƠN
BÁ SƠN

Việc diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) công bố về việc Bình Dương lọt vào danh sách 21 thành phố thông minh nhất của thế giới năm 2019 là một thông tin đáng chú ý.

Không chỉ bởi lần đầu tiên một thành phố của Việt Nam được lọt vào danh sách này, mà còn bởi những khát vọng và nỗ lực xây dựng thành phố thông minh của Bình Dương đã được ghi nhận ở góc độ quốc tế.

Khát vọng vươn lên của Bình Dương - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Nam - Bí thư tỉnh ủy Bình Dương (bên phải) tặng quà lưu niệm cho thị trưởng thành phố kết nghĩa Daejeon, Hàn Quốc

Tất nhiên, việc có tên trong danh sách "Smart 21" chỉ mới là bước đầu, nhưng đây cũng là một cột mốc đánh dấu giai đoạn mới trong sự vươn mình của Bình Dương.

Nếu như vài năm trước, khi Bình Dương công bố mục tiêu xây dựng "thành phố thông minh" thì có người vẫn còn rất mơ hồ về khái niệm này, thậm chí không ít người tỏ thái độ hoài nghi. Nhưng với cách làm kiên trì, bài bản với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, chiến lược xây dựng thành phố thông minh của Bình Dương giờ đây đã nhận được sự đồng cảm, vào cuộc của không chỉ cán bộ mà còn các doanh nghiệp, sinh viên, các trường đại học...

Những doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên của sinh viên đã được hình thành từ giảng đường, những phòng thí nghiệm do doanh nghiệp tài trợ để tìm kiếm các giải pháp thông minh, những bản ghi nhớ hợp tác quốc tế... đã minh chứng cho những thành công bước đầu của Bình Dương trong xây dựng "thành phố thông minh".

Giờ đây, mọi người không còn tranh cãi hay châm biếm về khái niệm "thành phố thông minh" nữa. Dẫu chưa có một khái niệm chính thức, nhưng mỗi người dân, doanh nghiệp, cán bộ hay bạn bè quốc tế của Bình Dương giờ đây đều hiểu, cảm nhận được xây dựng "thành phố thông minh" là việc tìm kiếm những giải pháp đột phá để tăng năng suất lao động, cải thiện dịch vụ, tiện ích, qua đó để phát triển kinh tế, phục vụ tốt hơn đời sống của người dân.

Tôi còn nhớ dịp Bình Dương mới dời trung tâm hành chính về thành phố mới, khi đó chưa chính thức công bố đề án "thành phố thông minh" thì những trăn trở về phát triển đã được lãnh đạo, doanh nghiệp của tỉnh quan tâm. Trong một lần trao đổi, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Tổng công ty Becamex IDC, một trong những người tâm huyết và gắn bó với sự phát triển của Bình Dương từ những ngày đầu nêu trăn trở: tại sao cùng một m² đất nhưng tại các nước châu Âu có thể thu được hàng chục USD, trong khi cùng diện tích nhưng ở VN chỉ cho thuê được vài USD? Làm sao để gia tăng giá trị sản xuất cho doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh và tham gia được sâu hơn, tốt hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới?...

Khát vọng vươn lên của Bình Dương - Ảnh 2.

Sinh viên Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) giới thiệu ý tưởng về máy xử lý rác thải thông minh

Không dừng lại ở những thành tựu đáng tự hào sau nhiều năm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, những trăn trở ấy đã được các doanh nhân của Bình Dương và lãnh đạo, cán bộ của tỉnh tiếp tục suy nghĩ. Đề án xây dựng thành phố thông minh dựa trên mối liên kết "3 nhà" gồm nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp theo mô hình của thành phố Eindhoven, Hà Lan chính là câu trả lời cho những câu hỏi ấy.

Giờ đây, Bình Dương đã xác định những bước đi, kế hoạch khá rõ ràng, cụ thể để xây dựng thành phố thông minh: đó là việc quy hoạch một khu công nghiệp khoa học công nghệ để thu hút doanh nghiệp công nghệ cao; đó là xây dựng một tuyến đường sắt chuyên dùng để tạo một cuộc "cách mạng" giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa, container kết nối các nhà máy, cảng, sân bay...của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đó là việc hình thành "vườn ươm khởi nghiệp" tại Đại học Quốc tế Miền Đông và tạo nên một môi trường đổi mới và sáng tạo để các bạn trẻ, các nhà khoa học, các doanh nhân và bất cứ ai có tâm huyết đều có thể tham gia đóng góp vào quá trình phát triển...

Nếu nhìn cả quá trình phát triển của Bình Dương, sẽ hiểu được lý do mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần làm việc tại Bình Dương mới đây đã đánh giá kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của tỉnh là "bài bản", "nghiêm túc". Dù mới có vài chục năm phát triển nhưng Bình Dương hiện đã giữ nhiều vị trí trong top đầu của Việt Nam: thứ hai trong thu hút FDI, thu nội địa đứng thứ ba cả nước, là một trong năm tỉnh có đóng góp và tỉ lệ trích nộp vào ngân sách trung ương nhiều nhất, là một trong số ít địa phương luôn có tỉ lệ xuất siêu cao nhất cả nước... Và hơn hết, chính những người dân bản xứ và người lao động nhập cư cũng được hưởng những thành quả từ sự phát triển: Bình Dương là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo theo tiêu chí cả nước, những gia đình chính sách trong địa bàn tỉnh cũng được chăm lo, phụng dưỡng chu đáo. Đối với công nhân, thương hiệu "nhà ở xã hội" đã trở thành một hiện tượng trong cả nước...

Rõ ràng, người dân, doanh nghiệp và chính quyền Bình Dương hoàn toàn có thể tự hào về những thành tựu của mình, và việc được ICF công nhận là thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới là một điều hoàn toàn hợp lý, để tiếp tục nuôi dưỡng, vun đắp và hiện thực hóa những khát vọng vươn lên của Bình Dương thông qua đề án "thành phố thông minh".


BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên