Bài 1:
![]() |
Ông Đinh Nhiêu (ngồi giữa) bàn chuyện làm ăn với các trưởng thôn ở xã Ia Yeng tại nhà |
Khát vọng lúa nước
Nhiều người ở Ayunpa biết ông Đinh Nhiêu không chỉ vì ông đang là chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện mà còn bởi ông là người đầu tiên trồng cây lúa nước trên cánh đồng Ayunpa trước khi có công trình đại thủy nông Ayun Hạ. Con đường từ thị trấn Phú Thiện (nằm bên QL 25) về nhà ông hôm nay có đoạn đi theo kênh Bắc Ayun Hạ cũng chính là con đường mòn ngày trước ông cùng dân làng quần quật bước chân vỡ hoang, đào đắp kênh mương để đưa nước vào từ những trạm bơm than (chạy bằng than củi) do chính ông thiết kế và xây dựng.
“Có những thứ mình mau quên, nhưng việc làm cây lúa nước thời đó thì mình nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua vậy đó...”, ông Nhiêu nói, vòng tay chỉ ra bạt ngàn những vùng ruộng mới gặt phía trước làng Plei Kte Lớn. “Hồi đó ai cũng nói mình gan, liều. Nhưng mình nghĩ vỡ đất hoang thành ruộng, bắc nước dưới sông đưa lên tưới cho ruộng lúa là điều dân mình có thể làm được mà".
![]() |
Có được kinh nghiệm làm lúa nước sớm, cuộc sống người dân ở Ia Yeng khá phát triển, hầu hết đều có nhà cửa khang trang, phương tiện sản xuất đầy đủ |
"Tính ra đến năm 1985 mình mới vô việc là chậm đó...”, ông Nhiêu nhắc lại. Lớn lên với hạt lúa và trái bắp rẫy còm cõi, lang thang du canh du cư cùng các buôn làng người Bana, Giarai trên những đai núi bên sông Ayun, sông Pa, ông Nhiêu đã để lòng mơ tưởng cây lúa nước khi đi bộ đội và được thấy những cánh đồng ở Bình Định. Sau hòa bình, được phục viên, ước mong làm sao có được cánh đồng lúa nước càng thôi thúc ông trước cảnh dân làng phải luôn lên rừng đào củ mài ăn đỡ bữa vì thiếu hạt thóc.
Là đồng bằng lớn giữa Tây nguyên được hình thành qua bồi đắp của sông Ayun và sông Pa ôm bọc một phần lớn Tây nguyên rồi hợp lưu ở vùng đông nam tỉnh Gia Lai, Ayunpa nay bao gồm các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayunpa của Gia Lai. |
"Được ông Bốn Phước chịu chở máy lên giúp, mình biết dù có khó đến mấy rồi cũng thành công. Nhưng cái khó về kỹ thuật lại không bằng cái khó từ phía bà con...”, ông kể lại. Mương máng, trạm bơm với kinh phí phần lớn từ tiền túi của ông đã được làm xong, nhưng bà con lại không chịu gieo cấy bởi họ sợ cây lúa sẽ bị thối rễ khi ngâm dưới nước. Biết dân mình tin ở con mắt nhìn hơn ở cái tai nghe, ông họp chi ủy xã để ra nghị quyết: đảng viên tiên phong làm lúa nước năm đầu để lấy kết quả vận động bà con.
Cuộc cá cược
Vụ mùa thí điểm của đảng viên làm đạt năng suất 5 tạ/sào, bà con làng Plei Ksing A bắt đầu tin ở cây lúa nước, hết dần nỗi sợ Yàng phạt. Họ bắt đầu theo ông Nhiêu khai vỡ ruộng cho cây lúa nước năm hai vụ. Thành công mở đầu từ 15ha trên cánh đồng Plei Ksing A càng thôi thúc, ông lại vận động bà con các thôn Plei Rbai, Thanh Trang chung công góp sức làm mương, xây trạm bơm than để biến 20ha đất thành ruộng nước năm hai vụ.
Thành công phải tiếp tục. Sau khi được phân công làm bí thư xã Ia Yeng - được tách từ xã Ia Piar hồi năm 1991, thấy hầu hết bà con đều thiếu thóc ăn, ông Nhiêu lại càng quyết tâm mở ra cho họ vùng lúa nước. Nhưng con đường vẫn không suôn sẻ khi cư dân còn nhiều lạc hậu. “Có nhớ lại chuyện dân làng nghi ngại việc làm của ông Nhiêu ngày ấy giờ mới thấy thương ổng. Không có ổng tận tụy thì dân mình còn khổ dài trước khi có nước đại thủy nông Ayun Hạ về...”, ông Hà Jôn - thôn trưởng thôn Kte B, một trong những người theo ông Nhiêu làm lúa nước từ vụ đầu, nói. Theo ông Jôn, họ nghi cũng là do trước đó vị bí thư tiền nhiệm xã Ia Piar đã thất bại trong việc xây trạm bơm cho dân làm lúa nước.
![]() |
Năm hai vụ, ngày mùa ở Ayunpa đâu cũng thấy lúa |
Thấy ông bí thư hết lặn lội tìm đất, vận động dân làng khai vỡ, đắp mương rồi lại xuống tận Bình Định mời ông Bốn Phước lên đầu tư xây trạm bơm than, người dân Ia Yeng tuy quý ông nhưng vẫn chưa tin bởi biết đâu sẽ thất bại vì Yàng quở phạt. Nước bơm đã về ruộng, dù một sào phải cho 2-3 hộ nhận để chia nhỏ sự rủi ro theo suy nghĩ của bà con nhưng vẫn không ai nhận làm. Để họ tin, ông Nhiêu phải họp dân để vận động, giải thích và thề: “Nếu bà con làm mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ mà không đạt 10 bao thóc (5 tạ)/sào thì Đinh Nhiêu tui sẽ ăn lá ngón chết để đền tội với bà con”.
Thấy ông bí thư ra lời thề nặng, bà con dần dần tin, chịu làm. Với sự chỉ dẫn tận tụy của ông Nhiêu, nhất là ông Bốn Phước, những người Gia Rai, Ba Na chỉ quen phát rừng làm rẫy lần lần quen được với mảnh ruộng nước đầy lạ lẫm. Và những khám phá đầy thích thú cũng dần đến với họ trước cây lúa trĩu bông che kín mặt ruộng. Ngay vụ đầu, ông Nhiêu đã thắng đậm qua lời cá cược: nhiều hộ thu được 25 bao/sào/vụ (1 bao=50kg)! Có đà tiến, từ 28ha mở đầu, ông Nhiêu vận động bà con Ia Yeng làm tiếp ba trạm bơm than để tưới cho 140ha bằng chính công sức vốn liếng họ đổ ra với niềm phấn khởi vô biên trước cây lúa nước cho cơ hội thoát đói nghèo.
Và cũng là một sự chuẩn bị tập dượt quý báu. Sau đó ít lâu, họ đã có được dòng nước đại thủy nông Ayun Hạ.
Lúa phơi tràn sân nhà, sân bãi. Lúa chất đầy dưới gầm những ngôi nhà sàn lớn, trên những xe công nông, xe tải nối nhau trên quốc lộ 25, trên khắp những nẻo đường lớn nhỏ. Ayunpa trở thành vựa lúa lớn có năng suất cao nhất nước...
Bài 2: Kỳ tích hạt lúa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận