24/01/2011 05:25 GMT+7

Khám dịch vụ bị đối xử thiếu ân cần?

Trần Thị Bích Hường (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Trần Thị Bích Hường (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

TT - Chiều 31-12-2010, tôi và con trai 3 tuổi đều bị bệnh nên đến khám bệnh ngoài giờ tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM. Bác sĩ V.H.B. khám cho con tôi với thái độ lạnh lùng, không hề hỏi bệnh.

Khi khám cho cháu, bác sĩ chỉ nhìn lướt qua và chẩn đoán con tôi bị viêm mũi họng, viêm phế quản. Tôi hỏi bác sĩ theo hiểu biết của mình: “Bé bị viêm phế quản, viêm mũi họng mà sao không bị sốt?”. Bác sĩ không một lời giải thích. Đến lượt tôi, bác sĩ cũng không hỏi han và khám rất nhanh rồi cho toa bốn loại thuốc uống một tuần với giá hơn 450.000 đồng. Thấy thuốc quá nhiều tiền, tôi quay lại gặp bác sĩ B. xin đổi thuốc rẻ hơn. Bác sĩ không đổi mà còn nhìn tôi từ đầu tới chân và nói: “Không đủ tiền thì mua hai ngày”. Tôi hỏi uống thuốc hai ngày có hết bệnh thì bác sĩ trả lời: “Tùy chị”.

Tôi thấy bác sĩ của Bệnh viện Tai mũi họng TP kê toa toàn những thuốc quá đắt tiền. Không chỉ tôi mà hôm đó có một số bệnh nhân cũng không đủ tiền mua thuốc. Thái độ của nhân viên bán thuốc cũng lạnh lùng như robot. Tôi khám ngoài giờ với giá 50.000 đồng/người với mong muốn được bác sĩ khám bệnh ân cần, chu đáo. Không ngờ thực tế không được như vậy.

Bác sĩ Lương Thị Cúc(phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM) trả lời:

- Theo giải trình của bác sĩ V.H.B., ngày 31-12-2010 bác sĩ B. có khám bệnh cho mẹ con chị Hường nhưng sự việc không nghiêm trọng như chị Hường phản ảnh. Khi khám bệnh cho cháu bé và cho chị Hường, bác sĩ B. có hỏi bệnh: “Cháu bệnh như thế nào mà đi khám?” và thăm khám bằng đèn Clar. Khi chị Hường hỏi: “Sao con tôi bị viêm phế quản mà không sốt?” thì bác sĩ B. có trả lời “viêm phế quản có nhiều biểu hiện khác nhau, người này có thể biểu hiện sốt, người khác có thể biểu hiện không sốt. Do đó, viêm phế quản không phải lúc nào cũng sốt”. Sự việc diễn ra bình thường, không căng thẳng. Khoảng 20 phút sau khi khám, chị Hường quay lại gặp bác sĩ B. và nói: “Thuốc mắc quá, xin cho thuốc rẻ tiền hơn”. Bác sĩ B. có trả lời “toa thuốc này rất đầy đủ (gồm bốn loại kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng và loãng đờm), không thể bớt được loại nào. Nếu chị quên mang tiền có thể mua nửa toa, sau đó mua tiếp thêm để uống cho đủ bảy ngày”. Tuy nhiên, chị Hường hỏi: “Tôi uống toa của bác sĩ cho bảy ngày có hết bệnh không?”, lúc đó bác sĩ B. có nói lại: “Hết hay không là tùy ở chị!”.

Về việc chị Hường phản ảnh “bác sĩ thái độ lạnh lùng”, theo giải trình của bác sĩ B. thì đó là cảm nhận chủ quan của bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ B. cũng thừa nhận bản thân cần rút kinh nghiệm là khi giải thích bệnh phải rõ ràng hơn để bệnh nhân không hiểu lầm do không hiểu hết ý.

Về toa thuốc cho loại thuốc quá đắt tiền, hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện đã kiểm tra toa thuốc và thấy toa cho các loại thuốc đúng với chẩn đoán. Đa số bệnh nhân đến Bệnh viện Tai mũi họng TP đã uống nhiều thuốc trước đó, vì vậy các bác sĩ thường chọn các loại thuốc đặc hiệu có hiệu quả tốt nên giá thành có thể cao hơn toa thuốc các nơi khác. Hơn nữa, vì thuốc cho bảy ngày nên bệnh nhân thấy toa thuốc quá nhiều tiền. Chúng tôi đã nhắc nhở các bác sĩ khi kê toa phải chú ý đến hiệu quả, an toàn và kinh tế, thời gian kê toa không lâu quá (thường là 3-5 ngày) để bệnh nhân có thể mua thuốc uống đầy đủ và tái khám. Về thái độ của nhân viên bán thuốc bệnh viện, chúng tôi đã có nhắc nhở và sẽ có biện pháp hạ thi đua nếu còn bị bệnh nhân phản ảnh nhiều lần.

Trần Thị Bích Hường (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên