02/11/2014 08:36 GMT+7

​Khám bệnh... 1 phút: biết sai mà không sửa được

THÙY DƯƠNG - LAN ANH - QUỲNH LIÊN ghi
THÙY DƯƠNG - LAN ANH - QUỲNH LIÊN ghi

TT - Phải giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, một buổi chỉ nên khám 25-30 bệnh nhân, phân tuyến bảo hiểm... là những giải pháp mà các bác sĩ đề xuất để giải quyết câu chuyện khám bệnh... 1 phút.

Người dân ngồi chờ khám bệnh tại Bệnh viện quận 3, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Người dân ngồi chờ khám bệnh tại Bệnh viện quận 3, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

* GS.BS TRẦN ĐÔNG A (nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM): 

Phản khoa học

GS.BS Trần Đông A - Ảnh tư liệu
GS.BS Trần Đông A - Ảnh tư liệu

Từ 13 năm nay, tức từ năm 2001, người ta đã vẽ được bản đồ gen của con người và đi đến kết luận con người ta không ai giống ai về bản đồ gen, ngoại trừ một trường hợp cực kỳ hiếm là song sinh đơn trứng (một trứng thụ tinh với hai tinh trùng, khi sinh ra chung nhau một cuống rốn mới có bản đồ gen giống nhau).

Bản đồ gen này đã chỉ ra những cách thức để chống lại bệnh tật. Diễn giải một cách thực tế là cùng một bệnh nhưng người bệnh có những thể hiện lâm sàng không giống nhau.

Vì vậy, không có cách điều trị nào đúng cho tất cả mọi người nên người ta chỉ đưa ra hướng dẫn để không điều trị sai, chứ muốn điều trị đúng cho một bệnh nhân thì bác sĩ phải khám thật kỹ.

Bác sĩ phải lắng nghe bệnh nhân kể về lịch sử bệnh của mình, từ đó hỏi những câu hỏi cần thiết để làm rõ triệu chứng bệnh nhân mới khai, sau đó mới cho làm những xét nghiệm cần thiết để định bệnh.

Vì những lý do trên nên bác sĩ khám bệnh chỉ trong một phút là phản toàn bộ khoa học hiện tại. Để tránh được chuyện khám bệnh trong một phút, cần phải giải quyết vấn đề quá tải trong các bệnh viện.

* Một bác sĩ khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM):

Không còn thời gian trao đổi với bệnh nhân

Một bác sĩ khám bệnh tại khu D Bệnh viện Nhi Đồng 1 phải khám trung bình 80 bệnh nhân, có những bác sĩ phải khám 90-100 bệnh nhân trong thời gian từ 7g-11g30.

Như vậy, bác sĩ chỉ có tối đa 210 phút nên mỗi bệnh nhân chỉ được hơn hai phút. Hơn hai phút này bao gồm cả quá trình bệnh nhân di chuyển, bệnh nhân cũ ra, bệnh nhân mới vào, trước khi khám bác sĩ thường cho bệnh nhân cân, đo, thời gian bác sĩ ghi toa thuốc, dặn uống thuốc nên thật sự thời gian còn lại để bác sĩ khám và trao đổi với bệnh nhân rất ít.

Với số lượng bệnh nhân trên, các bác sĩ ở phòng khám đã phải làm việc quá sức, điều này ảnh hưởng đến sự minh mẫn, tỉnh táo và nguy hiểm cho bệnh nhân.

Không phải chỉ bệnh nhân bức xúc về việc khám bệnh một phút của bác sĩ, mà nhiều bác sĩ cũng không muốn mình phải khám bệnh với tốc độ nhanh như vậy. Khám không bài bản không chỉ nguy hiểm cho bệnh nhân mà còn nguy hiểm cho bác sĩ vì có chuyện gì xảy ra bệnh nhân là người lãnh đủ, còn bác sĩ phải chịu trách nhiệm liên đới.

Tôi cho rằng chỉ có thể khám được bài bản khi số bệnh nhân khám bệnh phải giảm đáng kể.

* GS ĐỖ TẤT CƯỜNG (nguyên phó giám đốc Bệnh viện 103):

Thầy thuốc không phải quá thiếu thời gian

GS Đỗ Tất Cường - Ảnh: Quang Duy
GS Đỗ Tất Cường - Ảnh: Quang Duy

Trong khám bệnh bao giờ cũng yêu cầu năm yếu tố: nhìn, sờ, gõ, nghe và vấn, tức hỏi người bệnh về tiền sử bệnh lý, thói quen ăn uống, sinh hoạt...

Các phương tiện chẩn đoán có vai trò minh chứng cho chẩn đoán của bác sĩ sau khi nhìn, sờ, gõ, nghe và hỏi bệnh nhân. Ngày nay, việc “nghe” đã rõ ràng hơn nhờ máy siêu âm, nhưng những chi tiết như bệnh nhân ran ẩm hay ran nổ thì không máy nào đo được. Nếu không có bác sĩ, máy chỉ là máy.

Việc khám kỹ cộng với phương tiện chẩn đoán sẽ giúp đưa ra một phương pháp hiệu quả cho từng người bệnh, vì chữa bệnh là chữa cho từng người bệnh, không bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào. Vì vậy rất cần khám xét tỉ mỉ, máy không bao giờ phát hiện việc bệnh nhân có tiền sử dị ứng hay tiền sử loãng xương, chỉ con người mới phát hiện được.

Khó khăn hiện nay ở bệnh viện công là bác sĩ không có nhiều thời gian. Theo tôi, khám kỹ khác với khám lâu, thầy thuốc cũng phải có kỹ năng hỏi làm sao đủ thông tin nhưng không mất thời gian để người bệnh kể lể những việc không cần thiết. Khám kỹ không phải là đặt ống nghe rất lâu nhưng không nghe gì.

Bên cạnh đó, nên tổ chức để bệnh nhân có thói quen đặt lịch hẹn khi đến khám, còn bệnh nhân cấp cứu sẽ đi theo tuyến riêng, lúc đó họ sẽ không mất thời gian chờ đợi nữa.

Hiện nay có tình trạng thiếu nhân viên y tế, nhưng thực tế thầy thuốc cũng không phải quá thiếu thời gian. Nếu khám kỹ một lần còn hơn bệnh nhân phải đi lại nhiều lần mà vẫn không chẩn đoán ra họ mắc bệnh gì.

* PGS.TS NGUYỄN TIẾN DŨNG (trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai):

Đặt sự hài lòng của bệnh nhân lên hàng đầu

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Ảnh: Thúy Anh
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Ảnh: Thúy Anh

Không nên quá cứng nhắc khi chỉ dựa vào thời gian khám bệnh để làm thước đo đánh giá chất lượng khám bệnh bởi vì tay nghề, trình độ của bác sĩ mỗi người một khác và cả độ khó - dễ của căn bệnh ở mỗi bệnh nhân không ai giống ai.

Có bác sĩ chỉ cần liếc nhìn qua bệnh nhân đã có chẩn đoán chính xác, nhưng cũng có người cả ngày chẳng tìm ra bệnh. Hoặc có những bệnh đơn giản có thể thăm khám được ngay nhưng cũng có bệnh khó phải mất thời gian rất lâu mới có thể xác định được.

Ngày trước tôi đi học, thầy tôi dạy rằng những người giỏi lâm sàng chỉ cần nhìn cũng đọc ra bệnh và chúng tôi luôn tự nhủ phải rèn luyện, học tập thật nhiều để có thể đạt đến trình độ “nhìn người đoán bệnh” đó.

Tóm lại, không cứ khám lâu hay chậm mà nên lấy thước đo sự hài lòng của bệnh nhân để đánh giá chất lượng khám bệnh.

* Bác sĩ NGUYỄN HỮU TRƯỜNG (Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai):

Cần phân tuyến bệnh nhân theo bảo hiểm

Do bệnh nhân đông, hiện trung bình mỗi bệnh nhân chúng tôi cũng chỉ khám 2-3 phút. Thời lượng khám như vậy là ít, do đó không loại trừ khả năng bỏ sót triệu chứng và nhầm lẫn trong chẩn đoán.

Lý tưởng nhất là một bác sĩ chỉ khám 25-30 bệnh nhân một ngày, nhưng thực tế không thể thực hiện được điều này do lượng bệnh nhân ở tuyến trên rất đông trong khi thời gian có hạn.

Do đó, cần phân tuyến bệnh nhân theo bảo hiểm. Bệnh nhân đóng bảo hiểm ở đâu phải khám bệnh ở đó, tránh tình trạng chuyển tuyến quá tải ở bệnh viện tuyến trên.

* Ông HÀ HÀO HIỆP (nguyên phó chánh Thanh tra Bộ Y tế):

Khám kỹ sẽ đỡ chi phí y tế

Trước đây khi bệnh nhân đến khám, thầy thuốc thường hỏi rất kỹ lưỡng. Nếu gặp bệnh nhân ho, họ sẽ hỏi ho vào buổi sáng hay buổi chiều, có kèm sốt hay không, có sốt về chiều không, bệnh nhân ăn nghỉ ra sao...

Rất nhiều vấn đề cần hỏi, nhưng ngày nay bác sĩ quá phụ thuộc vào các xét nghiệm và thiết bị chẩn đoán.

Bệnh nhân đến thường chỉ được hỏi một vài câu rồi cho đi chụp chiếu, chụp phim mà thấy có nốt ở phổi thì cho đi chụp cắt lớp. Nếu bệnh nhân không có bảo hiểm, chi phí rõ ràng rất tốn kém.

Tất nhiên các phương tiện chẩn đoán hỗ trợ nhiều cho bác sĩ, nhưng việc hỏi kỹ, khám kỹ sẽ đỡ được chi phí y tế cho bệnh nhân, nhất là chi phí cho các xét nghiệm không cần thiết.

* Anh ĐÌNH PHÚ (27 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM):

150.000 đồng cho một phút khám bệnh

Ngày 31-10, tôi đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM đăng ký khám dịch vụ. Tại đây, tôi phải đóng tiền khám bệnh 150.000 đồng. Sau khi chờ đợi và đến lượt khám, bác sĩ chỉ hỏi tôi câu duy nhất: “Em bị bệnh gì?”.

Tôi đưa chân phải cho bác sĩ coi. Bác sĩ vừa ghi toa thuốc vừa nói với tôi là bị ấu trùng chui dưới da. Tôi hỏi bác sĩ nguyên nhân của bệnh này để biết cách phòng tránh thì bác sĩ nhắc lại ”bị ấu trùng chui vào dưới da”.

Sau đó, bác sĩ đưa toa thuốc cho tôi và tới lượt bệnh nhân kế tiếp vào khám. Thời gian khám bệnh cho tôi chưa đến một phút. Lúc tôi ra đợi mua thuốc, rất nhiều bệnh nhân khác ngồi cạnh tôi cũng phàn nàn sao khám chưa đến một phút, không hỏi bác sĩ được gì mà bệnh viện thu tiền khám nhiều như vậy.

Dù đã đăng ký khám dịch vụ nhưng những người bệnh như tôi vẫn không được tư vấn kỹ càng để cảm thấy yên tâm trị bệnh.

* Chị NGỌC HÀ (38 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

May mà tôi không tin vào cách khám một phút

Thấy con trai hơn 3 tuổi bị đi cầu ra máu, đau bụng, nôn ói, tôi vội vã đến bệnh viện đăng ký khám bệnh cho con. Đây là bệnh viện chuyên khoa lớn có nhiều bác sĩ giỏi nên người mẹ nào cũng muốn đưa con đến khám cho yên tâm. Lúc tôi đưa con vào phòng khám, bác sĩ hỏi: “Bé bị sao?”.

Lập tức tôi kể bệnh tình của cháu cho bác sĩ nghe bắt đầu từ hai hôm trước bé bị đi cầu ra máu, sau đó cháu có những biểu hiện như đau bụng, ói, biếng ăn... L

úc này con tôi vén áo lên cho bác sĩ sờ bụng và nghe ống nghe. Tôi chưa dứt lời kể quá trình cháu bệnh trong những ngày qua thì bác sĩ đã kê xong toa thuốc cho con tôi với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột.

Triệu chứng bị đi cầu ra máu làm tôi rất lo lắng nên có đề nghị bác sĩ cho bé siêu âm. Nhìn kết quả siêu âm mà mẹ con tôi đem lại, bác sĩ nói kết quả siêu âm bình thường.

Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy không tin tưởng vào cách khám rất nhanh chưa đến một phút của bác sĩ nên tôi đã đưa con đến khám tại một bác sĩ khác. Cũng với những triệu chứng tôi kể và cầm kết quả siêu âm này, nhưng bác sĩ thứ hai lại cho biết con tôi bị lị amip chứ không phải nhiễm trùng đường ruột. Tôi cho con uống thuốc theo toa của bác sĩ thứ hai và đúng một tuần sau cháu khỏi bệnh.

THÙY DƯƠNG - LAN ANH - QUỲNH LIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên