24/04/2015 09:27 GMT+7

​“Khai tử” chợ miễn thuế cửa khẩu

LÊ SƠN – NGỌC HẬU
LÊ SƠN – NGỌC HẬU

TT - Rủ nhau đi mua sắm tấp nập tại các siêu thị miễn thuế ở khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Tịnh Biên (An Giang) đã trở thành chuyện quá khứ...

Khung cảnh đìu hiu tại siêu thị miễn thuế GC, đơn vị thông báo ngưng hoạt động vào ngày 5-5 - Ảnh: Lê Sơn

Kể từ ngày 5-5, siêu thị miễn thuế GC - lớn nhất ở Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) - sẽ tạm ngưng hoạt động, trong khi một số siêu thị khác tại khu cửa khẩu này cũng hoạt động cầm chừng do kinh doanh ế ẩm.

Vắng như chùa Bà Đanh

Ngày 23-4, bước xuống từ xe buýt 703 tuyến Bến Thành - Mộc Bài, bà Nguyễn Thị Vinh (ngụ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TP.HCM) cùng người bạn tranh thủ bước ngay lên xe trung chuyển đưa đến siêu thị GC mua sắm.

Thế nhưng đập vào mắt bà Vinh là khung cảnh như... chùa Bà Đanh. Toàn bộ khu thương mại chỉ còn khoảng chục mặt hàng gồm thuốc nhuộm, thực phẩm chức năng, nước xả quần áo... Không gian siêu thị trở nên rộng thênh thang khi những kệ hàng cao ngất được dọn sạch hàng, khu gian hàng điện tử, đồ gia dụng  ngay mặt tiền siêu thị được dọn sạch sẽ, trống rỗng.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, khu thương mại - dịch vụ phi thuế quan được quy hoạch đến năm 2020 có diện tích 1.303ha, nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tổng diện tích 21.284ha.

Hiện toàn khu kinh tế có gần 50 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 616 triệu USD.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có chưa đến 20 dự án được triển khai đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 1.050 tỉ đồng và 102 triệu USD, trong đó có 15 dự án đầu tư thương mại - dịch vụ.

Theo ông Phạm Văn Sơn - phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, về lâu dài tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch xác định khu phi thuế quan nhỏ lại, chứ diện tích trên 1.300ha là rất lớn.

Ngoài ra, các dự án ngừng hoạt động hoặc triển khai chậm sẽ được chuyển đổi công năng như đầu tư khu công nghiệp. 

Trong khi đó, hàng hóa còn lại được treo biển giảm giá, tặng kèm "khủng" nhằm thanh lý hết hàng hóa trước ngày 5-5.

Gần 30 quầy thu ngân nay chỉ còn một quầy hoạt động. Trả lời bà Vinh, nhân viên quầy thu ngân siêu thị này cho biết: “Còn nhiêu đó hàng thôi cô. Sắp tới siêu thị ngưng bán rồi!”.

Theo nhân viên này, từ đầu năm đến nay siêu thị áp dụng chính sách đồng loạt giảm giá 10-70% để xả hàng, chấp nhận thua lỗ.

Ghé sang siêu thị Smiling cách siêu thị GC hơn chục mét để tìm mua một số loại bia ngoại, phô mai, đồ điện tử gia dụng, bà tiếp tục lắc đầu ngao ngán khi trên kệ hàng chỉ trưng bày loe hoe vài món hàng sữa tắm, gốm sứ, túi xách, nước ngọt...

“Cứ nghĩ đi siêu thị miễn thuế mua hàng ngoại nhập cao cấp nhưng thấy nản vì đa số mặt hàng tại đây có xuất xứ từ Trung Quốc. Các túi xách trưng bày giảm giá 70% nhưng bụi phủ đầy, lớp da bong tróc... Biết vậy đi siêu thị ngay gần nhà cho đỡ cực thân!” - bà Vinh nói.

Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài siêu thị GC chờ đóng cửa, các siêu thị còn lại tại đây như Smiling, Satra Tây Nam và Song Châu (thuê lại của trung tâm Winmart đã ngưng hoạt động) cũng đang kinh doanh ì ạch.

Riêng siêu thị Satra Tây Nam (khuất trong khu chợ đường biên) cả buổi sáng chưa đến chục khách ghé  vào mua sắm.

Tương tự, tại trung tâm thương mại miễn thuế Fuso trong khu thương mại Hiệp Thành ở cùng khu kinh tế này cũng gần như ngưng hoạt động hoàn toàn dù trước đây từng hoạt động rất nhộn nhịp. 

Càng nhập hàng, càng "chôn" vốn

Trong văn bản thông báo tạm ngưng hoạt động từ ngày 5-5, ông Lê Quang Vinh, giám đốc Công ty TNHH thương mại Thế Kỷ Vàng, khẳng định việc đóng cửa các siêu thị miễn thuế là do thay đổi về chính sách bán hàng miễn thuế khiến doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn.

Cụ thể, kể từ ngày 15-1-2014 khách tham quan mua sắm tại khu cửa khẩu này không được mua rượu, bia miễn thuế... Lượng khách do vậy đã giảm mạnh. Ngoài ra, từ tháng 10-2014, theo thông tư (109) của Bộ Tài chính, hàng hóa phải nộp thuế ngay (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT) khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thay vì nộp sau như trước đó.

“Những quy định này đã gần như xóa bỏ hoàn toàn các ưu đãi dành cho DN tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Công ty chúng tôi bị thua lỗ hơn 3 tỉ đồng chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2015 cùng với 19 tỉ đồng nhập sản phẩm bia, rượu còn tồn đọng” - ông Vinh lý giải việc tạm đóng cửa siêu thị GC.

Bà Trần Thị Bích Huyền, giám đốc Công ty TNHH MTV TM Song Châu (siêu thị mini Song Châu), cho biết dù siêu thị này vẫn đang hoạt động nhưng chủng loại mặt hàng giảm quá nửa so với một năm trước. Ngoài chuyện khách mua hàng ngày càng thưa thớt, chính sách thay đổi liên tục trong thời gian qua cũng khiến DN không dám nhập hàng về.

Theo bà Huyền, việc nộp thuế ngay khi nhập hàng khiến DN bị chôn vốn khá nặng. Một số sản phẩm nhập khẩu như thực phẩm, mỹ phẩm có mức thuế 10-25%, cộng với thuế VAT 10%, DN bị chôn vốn 20-35% khi nhập hàng.

“Việc hoàn trả thuế được tính khi lô hàng được bán hết. Tuy nhiên, một lô hàng gồm hàng trăm sản phẩm nếu nhanh cũng phải mất khoảng một năm mới bán xong” - bà Huyền nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Sơn, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, cho biết hiện chỉ có 14 trong tổng số 38 DN đăng ký trước đó còn hoạt động thường xuyên trong khu phi thuế quan cửa khẩu Mộc Bài và dự báo số lượng DN còn hoạt động sẽ tiếp tục giảm nếu chính sách thuế không có sự thay đổi trong thời gian tới.

Theo ông Sơn, nhiều DN cho rằng họ không được hưởng ưu đãi, gần như xóa bỏ mọi quyền lợi. “Dù biết có tình trạng này nhưng chúng tôi không thể làm gì được vì đây là chính sách của trung ương. Địa phương đã nhiều lần tập hợp ý kiến của DN để góp ý, đến nay chưa có thay đổi cho những chính sách trên” - ông Sơn cho hay.

Sẽ chuyển đổi công năng khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên?

Dù đang là mùa lễ hội Vía Bà nhưng khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) luôn trống vắng, sớm chiều chỉ lác đác ít khách ghé mua sắm.

Phần lớn gian hàng của các doanh nghiệp đã đóng cửa im ỉm, chỉ còn chừng chục gian hàng mở cửa bán quần áo, chăn màn, mỹ phẩm... với số nhân viên thường nhiều hơn người mua. Những chiếc xe điện trung chuyển được xếp thành đống.

Ông Đặng Ngọc Hùng, trưởng Ban quản lý khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên, cho biết trước kia khu thương mại có 42 doanh nghiệp kinh doanh với trên 200 gian hàng, mỗi ngày thu hút hơn 1.000 lượt khách mua sắm với doanh số bán hàng bình quân 1 tỉ đồng/ngày.

Tuy nhiên từ năm 2014, hàng loạt doanh nghiệp đã đóng cửa, hiện chỉ còn 9 đơn vị hoạt động lay lắt, chủ yếu mở cửa bán với hi vọng giải quyết hàng tồn đọng. Theo ông Hùng, ngoài sức mua giảm, việc thay đổi chính sách liên tục đối với khu phi thuế quan cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, quy định không còn bán rượu bia miễn thuế cho khách du lịch, hàng hóa phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT ngay khi nhập vào khu phi thuế quan, giá hàng hóa khó cạnh tranh với bên ngoài nên doanh nghiệp không thiết tha nhập hàng về bán nữa.

“Nếu không có chính sách hỗ trợ, tất cả doanh nghiệp sẽ đóng cửa, khu thương mại cửa khẩu cũng vậy. Để tránh lãng phí, có lẽ khu thương mại này cần phải chuyển đổi công năng, hình thức hoạt động” - ông Hùng nói.

Đ.VỊNH

LÊ SƠN – NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên