20/11/2015 18:46 GMT+7

Khai trương thủy đình mới tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Chiều ngày 20-11, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đã khánh thành và khai trương thủy đình mới. Đây là công trình đã được Bảo tàng triển khai, xây dựng từ tháng 6 đến tháng 10 vừa qua.

Thủy đình mới của bảo tàng dân tộc học được xây cất mô phỏng theo kiến trúc thủy đình chùa Thầy - Ảnh: Đức Triết.
Thủy đình mới của bảo tàng dân tộc học được xây cất mô phỏng theo kiến trúc thủy đình chùa Thầy - Ảnh: Đức Triết

Đây là công trình kiến trúc dân gian được mô phỏng theo kiến trúc thủy đình chùa Thầy - kiểu kiến trúc thủy đình cổ nhất còn lại ở Việt Nam và có thêm hai nhà nanh bên cạnh - nơi các nghệ nhân đứng biểu diễn rối dây - và nhà nhạc công.

Thủy đình được làm theo hướng tây, kiểu chồng diêm tám mái. Các đầu đao, kìm nóc được làm từ giấy dó, vôi, mật mía, nước xi măng. Mái lợp ngói mũi hài, khung và cột bằng gỗ lim. Diện tích biểu diễn là 20 m2.

Đặc biệt, chỗ ngồi của các nhạc công được dựng mới trên mặt nước có mái hiên và họa tiết trang trí giống ở đầu đao tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa với thủy đình.

Nhóm nghệ nhân ở Chàng Sơn, Sài Sơn (Hà Nội) đã thực hiện xây cất thủy đình trên cơ sở tham vấn ý kiến đóng góp của nghệ nhân một số phường rối nước như Bình Phú, Chàng Sơn (Hà Nội); Hồng Phong, Thanh Hải (Hải Dương); Nghĩa Hưng (Nam Định); Nguyên Xá (Thái Bình).

Ngay sau lễ khánh thành là buổi trình diễn múa rối nước đầu tiên trong thủy đình mới của phường rối nước Thanh Hải (Hải Dương) với các tích trò dân gian như: Tễu giáo đầu, Sự tích Hồ Gươm, Hội xuống đồng, rối giây Lễ hội làng tôi…. Đại diện của 16 phường rối dân gian đã đến tham gia trong sự kiện này.

“Bảo tàng Dân tộc học chính là nơi khuyến khích, động viên, thúc đẩy các phường rối dân gian duy trì và bảo tồn rối nước thường xuyên trong gần 20 năm qua. Dịp này, bảo tàng xây cất thủy đình mới càng đem đến cho chúng tôi niềm hứng khởi mới. Vì nơi đây còn là điểm kết nối, điểm giao lưu, gặp gỡ của các du khác trong và ngoài nước với nghệ thuật truyền thống của cha ông” - nghệ nhân Nguyễn Bá Thắng-  phường rối Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình nói.

Theo Bảo tàng dân tộc học, lịch trình diễn trò cổ rối nước sẽ được tiếp tục vào các thứ bảy, chủ nhật với các suất 10g, 11g30, 14g30, 16g. 

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên