19/05/2005 01:02 GMT+7

Khai thác bừa bãi nước ngầm, TP.HCM sẽ bị lún

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - “Với tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay, khoảng 10 năm nữa, mặt đất sẽ lún 40cm trở lên, ngập úng sẽ nặng hơn vì nhiều khu vực tại TP.HCM mặt đất xấp xỉ hoặc thấp hơn mực nước triều.

gjBdtPFb.jpgPhóng to
Anh Lê Quang Phục - tổ trưởng tổ sản xuất 2 - đang kiểm tra nước tại bể lọc Nhà máy nước ngầm Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: QUANG KHẢI

Mặt đất bị hạ thấp làm các mốc cao độ quốc gia bị lệch chuẩn. Từ đó hàng loạt công trình xây dựng sau này căn cứ theo các mốc cao độ sẽ bị lệch theo” - thạc sĩ Hồ Long Phi (bộ môn tài nguyên nước và môi trường, Đại học Bách khoa TP.HCM) cảnh báo!

Khoan sâu hơn nữa!

Theo Sở Tài nguyên - môi trường (TNMT), TP.HCM có hơn 100.000 giếng khoan và công suất khai thác vượt 600.000m3/ngày (chiếm trên 30% nhu cầu nước của TP). Công ty Cấp nước cho biết có hơn 90.000 hộ sử dụng hai nguồn nước máy và giếng (đa số là hộ gia đình), trong đó quận Tân Bình có hơn 70.000 hộ. Một số quận nội thành có áp lực nước đủ mạnh vẫn xài nguồn nước giếng như quận Phú Nhuận, Bình Thạnh...

Tình trạng khai thác quá mức làm mực nước ngầm tại nhiều nơi hạ từ 0,2 - 4m. Tại các khu vực khai thác nước ngầm tập trung, mực nước trước kia xấp xỉ mặt đất, giờ khoan sâu gần 30m mới có nước. Mùa khô vừa qua đã xảy ra tụt mạch. Anh Lê Văn Thanh - P.2, Q.8 - nói: “Do nước máy lúc yếu, lúc dơ nên gần bốn năm nay, gia đình tôi xài nước giếng là chủ yếu. Gần đây, bơm nước lên cứ yếu dần, có hôm máy bơm chạy gần 10 phút mà nước không chảy. Tôi phải nhờ thợ sửa giếng nối thêm gần 5m ống mới bơm nước lại được”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các phường Tân Quí, Tân Thành, quận Tân Phú. Tại một số khu vực khai thác tập trung ở Bình Chánh, Bình Tân... đã xuất hiện tình trạng lún nền, trồi ống, nhiều giếng khoan tại Q.6 bị trồi cao hơn mặt đất đến 20cm, tình trạng ngập úng khu vực này ngày càng trở nên trầm trọng. Sở TNMT đánh giá: “Hiện tượng này chắc chắn do có sự hạ thấp mặt đất mà một trong những nguyên nhân là do khai thác nước ngầm”.

Theo Liên đoàn Địa chất thủy văn - địa chất công trình miền Nam (Bộ TNMT), tuy mức nước khai thác chưa quá công suất tối đa cho phép (khoảng 850.000m3/ngày) nhưng đây là nguồn tài nguyên chậm phục hồi, vì vậy khai thác không theo qui hoạch, nguồn nước bổ cập sẽ không kịp để khai thác.

Thạc sĩ Hồ Long Phi thông báo: “Vừa qua, nước bị nhiễm asen trong nhiều giếng khoan ở Đồng Tháp đã vượt 2 - 10 lần tiêu chuẩn cho phép. Tại TP.HCM, gần đây một số giếng khoan tại Bình Chánh, Thủ Đức cũng đã vượt chuẩn”. Theo khoa môi trường, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM: asen trong nước uống xâm nhập vào cơ thể con người qua đường máu đưa đến nhiều cơ quan khác. Nếu ăn uống những nguồn nước chứa hàm lượng asen gần ngưỡng hoặc quá ngưỡng cho phép trong thời gian dài sẽ làm tăng bệnh ung thư da, u bàng quang và nhiều bệnh liên quan đến thận, gan, phổi…

Ô nhiễm cao

Trong năm tầng chứa nước (tầng Holocene, tầng Pleistocene, tầng Pliocene trên, tầng Pliocene dưới và đới chứa nước khe nứt trầm tích Mesozoic), nước tại tầng Pleistocene có thành phần hợp chất nitơ và sắt cao nhất, một số nơi đã bị ô nhiễm vi sinh. Đây là nguồn nước đang phục vụ đa số người dân mà hầu như không qua hệ thống xử lý. Nhiều người dân “thấy nước không mặn, không chua chát là xài thôi, chứ làm sao biết được mức độ ô nhiễm!”.

Nguồn nước ngầm tại một số giếng khai thác công nghiệp cũng ô nhiễm tương tự do hiện tượng thông tầng giữa các tầng chứa nước. Ông Nguyễn Văn Thừa - giám đốc Xí nghiệp khai thác nước ngầm (Công ty Cấp nước TP.HCM) - cho biết: “Với 15 giếng và hai trạm cấp nước, công suất khai thác hơn 30.000m3/ngày năm 2004 nhưng hiện nay công suất chỉ còn khoảng 23.000m3/ngày vì chín giếng bị nhiễm Fe, Mn, NH3 (amoniac) cao buộc phải ngưng khai thác”.

Lãng phí nước mưa

Nguyên nhân dẫn đến việc khai thác nước ngầm do buông lỏng công tác quản lý. Chị Nguyễn Thị Thanh (Gò Dầu, P.Tân Quí, Q.Tân Phú) tâm sự: “Nhà có năm phòng trọ nên vẫn phải dùng nguồn nước giếng. Với 1kWh điện tôi bơm được 3-4m3 nước, trong khi xài nước máy số tiền phải trả gấp vài chục lần”.

Ngoài ra, khả năng cung cấp nước máy chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu nên việc khai thác nguồn nước ngầm là khó tránh khỏi. Để hạn chế việc khai thác nước ngầm, Liên đoàn Địa chất thủy văn - địa chất công trình miền Nam cho rằng TP cần có chiến lược phát triển, những qui định cụ thể và quản lý chặt chẽ hơn. Chú ý đến việc tái tạo nếu không muốn nguồn tài nguyên này cạn kiệt.

Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng những bể chứa nước mưa vừa giảm ngập vừa là nguồn cung cấp cho các nhà máy và bổ cập cho nguồn nước ngầm. Nhưng TP.HCM vẫn chưa tận dụng được nguồn nước này dù lượng nước mưa gần 1 tỉ m3/năm. Sở TNMT cho rằng cần thu phí khai thác nước ngầm, xây dựng các mạng lưới quan trắc để theo dõi.

Vừa qua, Sở Giao thông công chính và Sở TNMT đã thống nhất cần có qui định tạm thời hạn chế khai thác nước ngầm trong thời gian chờ đợi lộ trình này hoàn tất. Đến nay qui định này vẫn chưa “ra đời”. Công tác quản lý sử dụng khai thác nước ngầm vẫn còn buông lỏng!

Nội TP.HCM sẽ cần khoảng 2,5 triệu m3 nước/ngày

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, nhu cầu sử dụng nước của TP giai đoạn 2006-2010 sẽ vào khoảng 2,5 triệu m3/ngày, trong khi chất lượng nước trên sông Đồng Nai, Sài Gòn đang có nguy cơ ô nhiễm cao. Trong vài năm tới, lượng nước khai thác sẽ phụ thuộc rất lớn vào hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn với khoảng 1,5-1,8 triệu m3/ngày vì nguồn nước ngầm tại TP còn khai thác được rất ít. Hiện nay, nguồn nước mặt khai thác từ sông của TP vào khoảng trên 800.000m3/ngày.

Theo đánh giá này, nếu không hạn chế được tình trạng xả chất thải công nghiệp và sinh hoạt xuống các con sông này thì nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước mặt sẽ rất cao. Tình hình khai thác nước không có sự qui hoạch của các địa phương khác sẽ làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn vào khu vực TP.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên