Bãi biển Sơn Trà, TP Đà Nẵng không một bóng người do TP hạn chế các hoạt động không thiết yếu nhằm chống dịch COVID-19 - Ảnh: TẤN LỰC
Ngày 12-5, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết hiện tại Đà Nẵng chỉ còn 700 khách lưu trú tại khách sạn, resort, chủ yếu là khách công tác dài hạn.
Trong khi đó, các công ty lữ hành báo cáo các đoàn khách du lịch trong tháng 5 đều đã hủy tour, lượng khách lẻ đặt dịch vụ vé máy bay, lưu trú… cũng rất ít. Hiện nay, tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn Đà Nẵng đã thông báo tạm dừng hoạt động để phòng chống COVID-19.
Theo các cơ sở lưu trú, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đa số khách đặt phòng trong tháng 5 và tháng 6 đã hủy. Để bảo đảm quyền lợi cho hai bên, các cơ sở lưu trú linh động bảo lưu thời hạn đặt phòng cho khách đến 31-8 hoặc 31-12-2021. Một số khách sạn chọn hủy đặt phòng và hoàn cọc cho khách.
Ông Huỳnh Tấn Pháp - giám đốc khu du lịch sinh thái Suối Hoa, huyện Hòa Vang - cho biết do kỳ vọng nhiều vào mùa du lịch hè nên khu du lịch đã vay mượn tái đầu tư rất nhiều.
"Đợt lễ vừa rồi thu được bao nhiêu đều tái đầu tư lại hết vì thời gian qua không hoạt động nên nhiều hạng mục khu du lịch bị xuống cấp. Tạm thời nhân viên vẫn làm việc, trừ bộ phận bếp, nhưng chúng tôi đang nghiên cứu điều chỉnh kế hoạch vì tình hình hiện nay không có triển vọng mở cửa sớm, không nuôi quân nổi.
Các doanh nghiệp hiện rất cần Nhà nước hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để cầm cự và phát triển vì các khu điểm du lịch rất khốn đốn. Vay vốn ngoài thì lãi cao quá không chịu nổi, trong khi ai có gì đều đã thế chấp vay hết rồi" - ông Pháp chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - phó chủ tịch Hội Khách sạn - cho biết hiện nay hầu hết các khách sạn, resort tại Đà Nẵng đều đã đóng cửa trở lại, ngoại trừ các cơ sở dùng làm địa điểm cách ly y tế và một số nơi có khách lưu trú dài hạn.
Theo ông Quỳnh, các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng vốn khó khăn chồng chất sau 2 đợt dịch trước nay càng khó khăn hơn khi bùng phát đợt dịch thứ 3.
"Trước dịp lễ 30-4 và 1-5, các doanh nghiệp du lịch rất hi vọng vào mùa du lịch hè nên đã vay mượn, đầu tư nâng cấp và gọi lại lao động mở cửa đón khách. Tuy nhiên mới mở cửa mấy ngày thì dịch ập đến, nhiều đơn vị lỗ nặng và khả năng cao là phá sản" - ông Quỳnh nói.
Cũng theo ông, liều thuốc duy nhất cho doanh nghiệp du lịch và các doanh nghiệp khác lúc này chính là vắc xin COVID-19. Theo đó, chỉ khi nào Việt Nam phổ cập được vắc xin thì ngành du lịch mới có cơ hội sống lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận