29/03/2022 14:20 GMT+7

Khả năng thế giới đối mặt với tình trạng dư thừa vắc xin COVID-19

TTXVN
TTXVN

TTO - Sau khoảng thời gian chạy đua tăng cường năng lực sản xuất vắc xin COVID-19, ngành vắc xin toàn cầu dường như đang đứng trước tình trạng nhu cầu giảm và thị trường giảm tốc.

Khả năng thế giới đối mặt với tình trạng dư thừa vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em tại Malaysia - Ảnh: BERNAMA

Tuy việc phổ biến mũi tiêm tăng cường có thể duy trì nhu cầu đối với vắc xin COVID-19 trên thế giới, song tình trạng khan hiếm vắc xin kéo dài suốt năm 2021 đã không còn.

Ngược lại, khả năng dư thừa vắc xin COVID-19 là rất cao. Theo Công ty phân tích Airfinity, hơn 9 tỉ liều vắc xin COVID-19 có thể được sản xuất trong năm 2022, song nhu cầu sẽ giảm ở trong mức từ 2,2 - 4,4 tỉ liều/năm kể từ năm 2023.

Hơn 11 tỉ liều vắc xin đã được tiêm trên toàn thế giới, trong đó tỉ lệ tiêm đang tăng tại các nước nghèo với độ bao phủ vắc xin thấp.

Sau khi giải quyết tình trạng thiếu vắc xin trầm trọng năm ngoái, sáng kiến tiếp cận vắc xin COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều hành hồi tháng 1 cho biết lượng vắc xin dự trữ hiện nay đã vượt so với nhu cầu.

Việc phân phối vắc xin, mức độ hiệu quả và thái độ hoài nghi với vắc xin là những thách thức chính trong quá trình triển khai tiêm vắc xin ở những nơi như châu Phi.

Xu hướng này ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các công ty dược phẩm lớn nhất như Pfizer và AstraZeneca. Trong khi đó, các công ty sản xuất địa phương như ở Ấn Độ hay Indonesia sau nỗ lực tự cung vắc xin giờ cũng phải đối mặt với sản lượng dư thừa.

Giá trị cổ phiếu của các công ty tên tuổi nhờ phát triển các loại vắc xin COVID-19 cũng lao dốc, trong bối cảnh các biện pháp chống dịch trên thế giới cũng dần được nới lỏng.

Lý giải về tình trạng trên, các chuyên gia đánh giá quan điểm cho rằng biến thể Omicron không gây bệnh nặng và vắc xin không thể ngăn ngừa nhiễm bệnh mà chỉ có thể ngăn bệnh chuyển nặng, là một trong những lý do khiến nhu cầu về vắc xin giảm.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn tại Ấn Độ, nơi có ngành công nghiệp vắc xin lớn nhất thế giới. Các công ty như Biological E. hay Zydus Lifesciences đều đầu tư lớn cho năng lực sản xuất vắc xin COVID-19.

Tuy nhiên, với phần lớn người dân đã được tiêm phòng, trong khi chính phủ không quá ưu tiên việc thúc đẩy triển khai mũi tiêm tăng cường, các công ty này phải đối mặt với một số thách thức liên quan việc duy trì vận hành các nhà máy.

Ngoài lượng vắc xin mà chính phủ cam kết sẽ mua từ các công ty này, việc có các đơn đặt hàng khác dường như không được đảm bảo để các công ty tiếp tục sản xuất, song họ không thể ngừng hoạt động sản xuất và làm ảnh hưởng đến đời sống của các nhân công.

Để khắc phục tình trạng vắc xin dư thừa, công ty tư nhân Biological E., thành lập từ năm 1953, có thể sẽ tái cơ cấu mục tiêu của các mũi tiêm. Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp vắc xin Ấn Độ khác đang tìm cơ hội phát triển các vắc xin khác, ngoài vắc xin COVID-19.

Họ cho rằng vắc xin cúm hay vắc xin phế cầu sẽ là những cơ hội quan trọng đối với các công ty lĩnh vực này.

Theo ông Gary Dubin, người đứng đầu đơn vị sản xuất vắc xin tại công ty dược phẩm Nhật Bản Takeda Pharmaceutical, với khả năng tiến hóa liên tục của virus SARS-CoV-2, COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ về việc liệu các mũi tiêm tăng cường còn cần thiết và với tần suất tiêm như thế nào, cũng như sự xuất hiện các biến thể mới có thể thay đổi bức tranh toàn cảnh về ngành sản xuất vắc xin.

WHO đánh giá khả năng mắc các vấn đề thính giác sau khi tiêm vắc xin COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang theo dõi và đánh giá về tình trạng hiếm gặp bị mất thính giác và mắc các vấn đề về thính giác khác sau khi tiêm vắc xin COVID-19.

WHO cho biết đã nhận được một số báo cáo ghi nhận các trường hợp có vấn đề về thính giác, đặc biệt là chứng ù tai, có thể liên quan đến vắc xin COVID-19.

WHO đã ghi nhận 367 người bị ù tai và 164 người mất thính lực ở những người đã tiêm vắc xin trên toàn cầu, thông thường xảy ra trong vòng 1 ngày sau khi tiêm. Các ca này dường như cực kỳ hiếm gặp, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hơn 11 tỉ liều vắc xin đã được tiêm trên toàn thế giới.

Các báo cáo do Trung tâm giám sát Uppsala, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập ở Thụy Điển hợp tác với WHO, ghi nhận từ 27 quốc gia, trong đó có Ý, Anh và Mỹ.

Những người được ghi nhận xảy ra hiện tượng ù tai có độ tuổi từ 19 - 91, trong đó gần 75% là phụ nữ và hơn 30% là những người làm việc trong ngành y tế. Nhiều người cho biết đã hồi phục sau đó; tuy nhiên, một số khác cho biết họ bị ù tai liên tục trong nhiều tháng sau khi tiêm vắc xin.

Theo WHO cũng như các Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và các công ty sản xuất vắc xin, cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy vắc xin gây ra các vấn đề về thính giác.

Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 đánh giá các trường hợp có vấn đề thính giác sau khi tiêm vắc xin COVID-19 là không phổ biến.

Một nghiên cứu khác cũng được công bố trong tháng 2 cho thấy có rất ít trường hợp mắc các vấn đề về thính giác sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer.

Các chuyên gia của WHO cho biết do các dữ liệu liên quan còn hạn chế nên cơ quan này đang theo dõi thêm về hiện tượng trên.

Có gì trong Có gì trong 'thành phố vắc xin' chuyên thử nghiệm lâm sàng với virus độc?

TTO - Tại 'thành phố vắc xin' Vaccinopolis, các nhà khoa học có thể tiến hành các nghiên cứu lâm sàng về virus được phân loại ở mức độ nguy hiểm 3 như SARS-CoV-2 và lao...

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Vắc xin covid-19