24/11/2016 00:34 GMT+7

Kết nối ba nền kinh tế Campuchia - Lào - Việt Nam

KHIẾT HƯNG (từ siem reap)
KHIẾT HƯNG (từ siem reap)

TTO - Cùng với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Campuchia - Lào - Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Từ trái sang: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith 
gặp gỡ báo chí sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 9 - Ảnh: TTXVN
Từ trái sang: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith gặp gỡ báo chí sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 9 - Ảnh: TTXVN

Ngày 23-11, tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (TGPT CLV) lần 9 diễn ra tại Siem Reap (Campuchia), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị ba nước cần tập trung thúc đẩy kết nối giữa ba nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hút đầu tư và mở rộng quy mô thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ba nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý ổn định, thông thoáng và tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ và di chuyển của người lao động qua biên giới; tạo thuận lợi thu hút đầu tư, kinh doanh vào khu vực TGPT CLV; bảo đảm an ninh và chính trị ổn định; bảo vệ môi trường sinh thái.

7 đề xuất của VN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 7 đề xuất của Việt Nam để ba nước phối hợp triển khai trong thời gian tới.

Cụ thể, hai đề xuất đầu tiên gồm việc xây dựng cơ chế để phương tiện đăng ký tại các tỉnh thuộc TGPT CLV được đi lại thuận tiện trong khu vực, không hạn chế về số lượng và thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Việt Nam) - Bavet (Campuchia) trong năm 2017.

Đề xuất thứ ba là thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ giữa đại diện các cơ quan của chính phủ ba nước với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào ba nước để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp.

Thứ tư, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tăng số lượng học bổng đào tạo dạy nghề cho hai nước Campuchia, Lào và huấn luyện cho thí sinh hai nước này tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN, nâng mức học bổng để tăng chất lượng cuộc sống của sinh viên hai nước Campuchia và Lào.

Thứ năm, Thủ tướng kêu gọi Lào, Campuchia tham gia Công ước về luật sử dụng dòng nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy, đồng thời cùng Việt Nam nghiên cứu tham gia Công ước về bảo vệ và sử dụng các dòng nước xuyên biên giới và hồ quốc tế.

Đề xuất thứ sáu là chính phủ ba nước phối hợp xây dựng chương trình vận động ODA và xây dựng chương trình chung xúc tiến đầu tư - du lịch của ba nước.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị Công ty viễn thông Viettel đầu tư hiện đại hóa mạng viễn thông ba nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử cho ba nước, áp dụng mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại ba nước tương đương mức cước trong nước.

Xây cầu truyền hình

Về phía chủ nhà của hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đề nghị Viettel hỗ trợ xây dựng cầu truyền hình giữa ba thủ tướng và giữa các cơ quan ba nước để tăng cường trao đổi và tiết kiệm ngân sách.

Trong khi đó, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đề nghị ba nước tăng cường mạng lưới đường giao thông trên cơ sở tận dụng tuyến đường đã có và xây dựng thêm những tuyến đường mới, tập trung vào những tuyến đường phục vụ thương mại, du lịch đi qua cửa khẩu của các nước.

Cũng tại hội nghị, ba thủ tướng đã trao đổi về tình hình và triển vọng của khu vực TGPT CLV và vai trò của hợp tác Campuchia - Lào - Việt Nam đối với sự phát triển của mỗi nước, đồng thời khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác khu vực TGPT CLV trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng tốt đẹp, cùng có lợi, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Ba thủ tướng nhất trí tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế cả về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm và giao lưu nhân dân.

Ba thủ tướng cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước và rừng; nhất trí triển khai các chương trình hợp tác về khí tượng thủy văn, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước.

Để bảo đảm an ninh, an toàn cho doanh nghiệp và người dân, trong thời gian tới hợp tác rà phá bom mìn và đấu tranh phòng chống buôn bán ma túy, buôn người, khủng bố, các loại tội phạm xuyên quốc gia sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Kết thúc hội nghị, ba thủ tướng đã ký kết tuyên bố chung của hội nghị, thông qua danh sách 15 dự án ưu tiên của khu vực TGPT CLV để phối hợp vận động đầu tư từ các đối tác phát triển và chứng kiến lễ ký “Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực TGPT CLV”.

Khu vực TGPT CLV gồm 13 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam); Sekong, Attapeu, Saravan, Champasak (Lào); Stung Treng, Rattanak Kiri, Mondul Kiri, Kratie (Campuchia).

Việc hình thành TGPT CLV nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước với mục tiêu đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và tiếp đại diện bà con Việt kiều tại Campuchia đến chào.

KHIẾT HƯNG (từ siem reap)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên