* Xem xét lại tội danh “đưa hối lộ”
Nguyên CSGT nhận hối lộ được tại ngoạiGia hạn tạm giam nhà báo Hoàng Khương thêm 3 tháng
Phóng to |
Luật sư Hoài cho biết:
- Sáng 23-5, nhà báo Hoàng Khương và tôi đã nhận được bản kết luận điều tra số 417-25/KLĐT ngày 22-5-2012 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Tôi cho rằng bản kết luận điều tra chưa đảm bảo cơ sở pháp lý, thiếu tính thuyết phục cả về pháp lý lẫn thực tế. Khi nhận kết luận điều tra này, nhà báo Hoàng Khương đã đề nghị xem xét lại tội danh mà cơ quan điều tra đề nghị truy tố.
Nhận định thiếu khách quan Bản kết luận điều tra mô tả hành vi của nhà báo Hoàng Khương là tìm người móc nối với cảnh sát giao thông Huỳnh Minh Đức để đưa tiền nhằm lấy xe vi phạm nhưng không đặt trong điều kiện, hoàn cảnh Hoàng Khương làm việc đó để làm gì? Cả hai vụ việc đều được Hoàng Khương viết bài đăng báo, cho nên không thể kết luận việc làm của Hoàng Khương là “xuất phát từ lợi ích cá nhân” mà là tác nghiệp của nhà báo để thu thập tư liệu, chứng cứ phục vụ cho bài viết của mình. Với việc mô tả về hành vi của nhà báo Hoàng Khương, kết luận điều tra nhận định rằng Hoàng Khương lợi dụng nhiệm vụ của nhà báo, đã có dấu hiệu phạm tội “đưa hối lộ” là nhận định thiếu khách quan đối với Hoàng Khương. Kết luận điều tra có phần đề nghị truy tố Nguyễn Đức Đông Anh cũng về hành vi “đưa hối lộ” chung với Hoàng Khương nhưng theo bản kết luận mô tả thì vai trò của Đông Anh trong vụ án này chưa rõ. Hành vi được coi là tội phạm của Đông Anh ra sao chưa được phân tích, đánh giá đầy đủ. Bị can đang trong thời gian đi học, có nơi cư ngụ rõ ràng, nhân thân chưa có tiền án tiền sự mà tạm giam bị can cũng không cần thiết. |
- Luật sư Phan Trung Hoài: Chúng tôi nhận thấy cơ quan điều tra đã không xem xét bối cảnh xảy ra vụ án này. Vụ án được khởi tố xuất phát chính là từ hai bài báo của nhà báo Hoàng Khương đăng trên báo Tuổi Trẻ. Hai bài này nằm trong tuyến bài ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông theo chủ trương của ban biên tập đã giao cho Hoàng Khương cùng một số phóng viên khác thực hiện. Cơ quan điều tra đã “cắt khúc” mối quan hệ giữa nhà báo Hoàng Khương, Nguyễn Đức Đông Anh và Trần Minh Hòa đơn thuần là quan hệ gia đình, cá nhân trong việc nhờ lấy xe đua vi phạm mà không đặt trong tổng thể các biện pháp tác nghiệp báo chí của nhà báo Hoàng Khương. Toàn bộ diễn biến sự việc liên quan mối quan hệ giữa Hoàng Khương với Vũ Hồng Thanh (bảo vệ quán bar) và Lê Văn Tân (cán bộ đội tuần tra dẫn đường thuộc Phòng CSGT TP) về việc Hoàng Khương từng nhờ những người này “giải cứu” xe trước đó chỉ được mô tả theo lời khai của một phía, không có sự đối chất giữa các bên có liên quan và thực tế sự việc này (nếu có) cũng không cấu thành hành vi vi phạm pháp luật.
Có thể khẳng định, toàn bộ diễn biến sự việc liên quan đến Huỳnh Minh Đức và Tôn Thất Hòa trong việc nhờ giải quyết lấy xe vi phạm của Trần Minh Hòa vào thời điểm tháng 6-2011 xuất phát từ sự kiện có thật liên quan hành vi sai phạm của Trần Minh Hòa. Từ đó, Hoàng Khương đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ báo chí để nắm bắt thông tin, bằng chứng và đã sử dụng các thông tin, bằng chứng trên để góp phần làm rõ những hiện tượng tiêu cực trong việc xử lý vi phạm giao thông nêu trong hai bài báo đăng trên báo Tuổi Trẻ. Thế mà bản kết luận điều tra lại cho rằng do yêu cầu Huỳnh Minh Đức trả giấy chứng nhận đăng ký xe nhưng không được nên nhà báo Hoàng Khương đã viết bài trên báo Tuổi Trẻ. Đây là một nhận định chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, đi ngược lại toàn bộ quy trình xử lý và biên tập hai bài báo của ban biên tập báo Tuổi Trẻ.
Một vấn đề khác nữa là số tiền quy buộc đưa hối lộ (15 triệu đồng) cũng không loại trừ số tiền nhờ đóng phạt để lấy xe ra như ý chí của Trần Minh Hòa ngay từ đầu khi đưa tiền nhờ đóng phạt.
* Một khi xác định mục đích của nhà báo Hoàng Khương là tác nghiệp theo yêu cầu của ban biên tập, theo ông, đề nghị truy tố nhà báo tội “đưa hối lộ” có cơ sở hay không?
- Trong quá trình điều tra vụ án, tôi đã từng gửi bản kiến nghị đình chỉ điều tra đối với nhà báo Hoàng Khương bởi những căn cứ mà cơ quan điều tra cho rằng Hoàng Khương đã phạm tội “đưa hối lộ” là hoàn toàn không có cơ sở.
Đây là một vụ án phức tạp, có sự quan tâm của dư luận xã hội, nhưng bản kết luận điều tra không hề nhắc đến những kết quả hoạt động tác nghiệp báo chí của nhà báo Hoàng Khương nói riêng và báo Tuổi Trẻ nói chung trong việc phản ánh những tấm gương điển hình, tận tụy hi sinh của lực lượng công an trong công cuộc bảo vệ trật tự an toàn xã hội, sự yên bình của người dân, dẫn đến việc hiểu không đầy đủ bản chất hành vi của nhà báo Hoàng Khương và những đóng góp của báo Tuổi Trẻ thời gian qua. Bản kết luận điều tra cũng không có một đánh giá nào liên quan việc nhà báo Hoàng Khương đã đăng tải công khai hành vi tiêu cực của cảnh sát giao thông trên báo chí như một kênh thông tin tố giác tội phạm. Từ đó cơ quan điều tra mới có căn cứ để xem xét, xử lý vụ án này.
Về phần mình, với tư cách luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà báo Hoàng Khương, chúng tôi sẽ đưa ra quan điểm pháp lý liên quan đến từng nội dung quy buộc của cơ quan điều tra sau khi được nghiên cứu hồ sơ vụ án tại Viện KSND TP.HCM, tiếp tục kiến nghị Viện KSND TP.HCM và TAND TP.HCM xem xét lại.
Việc các cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét yêu cầu xin bảo lãnh tại ngoại của gia đình nhà báo Hoàng Khương và báo Tuổi Trẻ, cũng như không có văn bản trả lời các kiến nghị của luật sư cũng là một vấn đề cần được xem xét về mặt tố tụng.
Hoàng Khương bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ
Ngày 23-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt bản kết luận điều tra vụ án đưa, nhận và môi giới hối lộ có liên quan đến nhà báo Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ) cho sáu bị can trong vụ án.
Với nhận định rằng vai trò của nhà báo Hoàng Khương trong vụ án này là “xuất phát từ lợi ích cá nhân, vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí vì thông tin đơn thuần”, bản kết luận điều tra đề nghị truy tố nhà báo Hoàng Khương về tội “đưa hối lộ”. Cùng bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ là hai chủ phương tiện giao thông gồm Trần Anh Tuấn (46 tuổi, chủ xe đầu kéo), Trần Minh Hòa (21 tuổi, chủ xe gắn máy) và bị can Nguyễn Đức Đông Anh (23 tuổi, em vợ nhà báo Hoàng Khương). Bị can Huỳnh Minh Đức (36 tuổi, nguyên cán bộ đội cảnh sát giao thông Công an quận Bình Thạnh) bị đề nghị truy tố về tội “nhận hối lộ” và Tôn Thất Hòa (57 tuổi, giám đốc DNTN Duy Nguyên) bị đề nghị truy tố về tội “làm môi giới hối lộ”.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ đăng bài điều tra “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” (ngày 3-7-2011) và bài “CSGT giải cứu xe đua trái phép!” (ngày 10-7-2011) đều của tác giả Hoàng Khương viết về tiêu cực của đường dây nhận tiền chung chi để trả xe vi phạm trái quy định liên quan cán bộ đội cảnh sát giao thông Huỳnh Minh Đức. Từ tháng 10-2011 đến tháng 2-2012, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án đưa, nhận hối lộ tại đội cảnh sát giao thông Công an quận Bình Thạnh. Đồng thời, lần lượt khởi tố, bắt giam 5/6 bị can của vụ án, trong đó có cả nhà báo Hoàng Khương, tác giả của hai bài viết trên.
Sau hơn sáu tháng điều tra, cơ quan điều tra nhận định rằng bị can Huỳnh Minh Đức đã vi phạm nguyên tắc, quy trình công tác trong giải quyết vi phạm giao thông, đã có hành vi nhận tổng cộng 18 triệu đồng để “giải cứu” cho hai xe vi phạm giao thông (3 triệu đồng cho xe đầu kéo gây tai nạn của Trần Anh Tuấn và 15 triệu đồng cho xe máy tham gia đua xe của Trần Minh Hòa). Việc đưa, nhận tiền thông qua người môi giới là Tôn Thất Hòa. Hành vi của bị can Đức đã cấu thành tội “nhận hối lộ”.
Đối với nhà báo Hoàng Khương, cơ quan điều tra kết luận rằng do có mối quan hệ thân tình với Hòa và Đông Anh nên đã tham gia vào vụ vi phạm. Bản kết luận điều tra quy buộc rằng nhà báo Hoàng Khương đã chủ động gợi ý, nhờ vả và trực tiếp cầm 15 triệu đồng của Trần Minh Hòa để đưa cho Tôn Thất Hòa và Tôn Thất Hòa đưa Huỳnh Minh Đức nên đã cấu thành tội “đưa hối lộ”.
Xem xét lại tội danh “đưa hối lộ” Ban biên tập báo Tuổi Trẻ hoàn toàn đồng tình với ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài rằng bản kết luận điều tra về vụ án liên quan đến nhà báo Hoàng Khương “thiếu tính thuyết phục cả về pháp lý và thực tế”. Báo Tuổi Trẻ sẽ gửi văn bản đến cơ quan điều tra đề nghị xem xét lại tội danh “đưa hối lộ” mà cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố nhà báo Hoàng Khương. Báo Tuổi Trẻ vẫn xác định trường hợp vi phạm của Hoàng Khương là sai sót nghiệp vụ khi thâm nhập vào quá trình điều tra vụ cảnh sát giao thông nhận tiền chung chi để giải cứu xe đua trái phép. Nhà báo Hoàng Khương thực hiện bài điều tra trên theo yêu cầu của tòa soạn và ban biên tập báo Tuổi Trẻ khi tình hình tai nạn giao thông diễn ra quá nhiều và dồn dập từ đầu năm 2011. Để thực hiện một cách có hệ thống, ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã triển khai cho tòa soạn xây dựng đề cương tuyến bài “Chặn đứng thảm họa giao thông”. Tuyến bài này được giao cho nhiều ban và nhiều phóng viên thực hiện, trong đó có phóng viên Hoàng Khương. Do đó, không thể tách riêng quá trình tác nghiệp của Hoàng Khương ra khỏi chủ trương của báo Tuổi Trẻ như cách thể hiện trong bản kết luận điều tra. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ xác định sai phạm của Hoàng Khương chỉ có thể xử lý kỷ luật hành chính (vì sai sót nghiệp vụ), không đến mức xử lý hình sự vì “số tiền 15 triệu đồng được cho là đưa hối lộ” không phải là tiền của Hoàng Khương và anh cũng không phải là người trực tiếp đưa tiền cho cảnh sát giao thông Huỳnh Minh Đức. Việc tham gia vào quá trình chung chi này của Hoàng Khương chỉ nhằm tìm kiếm bằng chứng cảnh sát giao thông nhận tiền giải cứu xe đua. Bài viết về tiêu cực của Huỳnh Minh Đức đã được đăng báo như là một cách tố giác tội phạm, nhằm góp phần làm trong sạch đội ngũ cảnh sát giao thông, lập lại kỷ cương đối với những người thực thi luật pháp. Như vậy, một nhà báo chống tiêu cực không thể bị xem như một nhà báo tiêu cực và bị đề nghị truy tố tội “đưa hối lộ”. Lẽ ra anh ta phải được biểu dương vì có công phanh phui một vụ tiêu cực của lực lượng cảnh sát giao thông và được miễn trừ xử lý hình sự. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần hết sức cân nhắc để bảo đảm việc xử lý vụ án này có tính thuyết phục, được dư luận đồng tình trên cả hai phương diện luật pháp và đạo lý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận