08/07/2012 08:03 GMT+7

Kéo lãi vay nợ cũ xuống dưới 15%/năm

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình

TT - Lãi suất cho vay các khoản nợ cũ phải hạ xuống còn không quá 15%/năm và phải thực hiện ngay. Riêng các khoản vay mới thì lãi suất được áp dụng theo quy định hiện hành, trong đó lĩnh vực ưu tiên tối đa là 13%/năm.

ctoho5Ll.jpgPhóng to

Đó là chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình (ảnh) tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm của ngành ngân hàng tổ chức sáng 7-7.

Ông Bình cho biết ngày 15-7, các chi nhánh Ngân hàng (NH) Nhà nước sẽ làm việc với các NH để rà soát việc thực hiện giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất cao là... phản cảm

"Một vài doanh nghiệp đến gặp thống đốc nói rằng các anh cứ bảo hạ lãi suất cho vay nhưng hợp đồng của em dấu vẫn còn đỏ tươi mà lãi suất cho vay là 18-19%/năm"

Theo ông Bình, thanh khoản toàn bộ hệ thống NH được cải thiện và lạm phát được kiềm chế mức 2,52% là điều kiện để giảm lãi suất cho vay và huy động. Tăng trưởng tín dụng thấp, hàng tồn kho trong nền kinh tế tăng cao; doanh nghiệp (DN) khó khăn, nợ xấu trong hệ thống NH tăng nhanh..., theo ông Bình, là những vấn đề mà NH cần chung tay khắc phục.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Bình cho rằng phải hạ lãi suất cho vay. Theo yêu cầu của ông Bình, các NH phải ngồi lại với DN, cân nhắc tất cả khó khăn của DN, định hướng sắp tới của DN để cơ cấu lại các khoản nợ. Đặc biệt, xem lại lãi suất cho vay, nếu DN khó khăn, không có hướng gì khắc phục nữa, có nghĩa là đã lâm vào tình trạng không thể trả nợ được thì NH thu được gốc cũng là may chứ chưa nói gì là thu được lãi hay lãi suất cao.

“Nếu DN gặp khó khăn, không có khả năng trả lãi gốc mà cứ ghi lãi suất cao thì xã hội sẽ nhìn NH một cách phản cảm mà NH cũng có thu được gì đâu. Do vậy, tôi đề nghị phải đưa lãi suất cho vay xuống ở mức dưới 15%/năm...” - ông Bình nói.

Đối với các DN vẫn còn có “cơ” vượt qua khó khăn, theo ông Bình, NH phải bàn bạc cùng DN để đưa lãi suất xuống thấp, khuyến khích dưới 15%, hoặc thấp hơn càng tốt. Với các khoản vay mới thì áp dụng nghiêm túc mặt bằng lãi suất hiện nay, như các lĩnh vực ưu tiên là không quá 13%/năm.

6q7aFEbE.jpgPhóng to
Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm của ngành ngân hàng tổ chức sáng 7-7 - Ảnh: KIỀU ĐỨC KHANH

Hạ lãi suất là nhiệm vụ chính trị

Ông Nguyễn Ngọc Thắng - phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết mặc dù Chính phủ, NH Nhà nước và UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo giảm lãi suất và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được tín dụng, việc cho vay đối với doanh nghiệp hoạt động trong bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên mới đạt hơn 20.000 tỉ đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Sương, giám đốc NH Nhà nước chi nhánh Hà Nội, cho rằng đối những khoản nợ cũ thì các chi nhánh NH trên địa bàn Hà Nội sẽ giảm xuống dưới... 20%/năm.

Không đồng tình với quan điểm này, ông Bình phê bình Hà Nội phấn đấu kém quá, đồng thời cho rằng “kéo lãi suất cho vay dưới 20%/năm thì có hội nghị này làm gì”. Do vậy, ông Bình yêu cầu bà Sương sẽ làm việc với từng chi nhánh NH ở Hà Nội với tinh thần như chỉ đạo ở trên. Đây là nhiệm vụ chính trị, thống đốc yêu cầu.

Đồng quan điểm với NH Nhà nước, ông Nguyễn Phước Thanh - tổng giám đốc Vietcombank - cho rằng NH phải tự cứu mình, ôm tín dụng mà không bơm ra được thì chết. Ông Thanh cam kết Vietcombank sẽ thực hiện đúng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tối đa không quá 11%/năm, lĩnh vực không ưu tiên tối đa 15%/năm.

Hiện Vietcombank cũng không còn món cho vay nào lãi suất trên 18%/năm. Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank, cho rằng trong trường hợp cần thiết thì miễn giảm tiền lãi vay, thời gian qua NH này đã miễn, giảm khoảng 100 tỉ đồng. Chấp nhận thu lãi thấp để nền kinh tế khởi sắc trở lại.

“NH phải có trách nhiệm với xã hội. Một mặt giải quyết các khó khăn của nền kinh tế nhưng một mặt cũng phải vì màu cờ sắc áo để bảo vệ uy tín và quyết tâm của hệ thống NH. Chứ không chỉ vì lãi suất cho vay cao mà gây phản cảm với xã hội” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Sớm ban hành hướng dẫn mới về phân loại nợ

Tại hội nghị, nhiều NH thương mại cho rằng NH Nhà nước nên sớm ban hành hướng dẫn mới về phân loại nợ. Theo ông Hàn Ngọc Vũ - chủ tịch HĐQT NH TMCP Quốc tế, yêu cầu xử lý nợ xấu hiện đang vướng phải những quy định hành chính rất phức tạp. Ví dụ như việc xử lý tài sản thế chấp của DN từ 3-5 năm không khuyến khích được NH cho vay.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch HĐQT NH TMCP Đông Á, chia sẻ cố gắng đạt tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 10% cũng đã là rất tích cực, dù NH của bà được phân bổ là 17%. Nếu nhìn vào tốc độ tỉ lệ nợ xấu của NH mình ngày hôm nay cao hơn ngày hôm qua thì khi đặt bút ký cho hợp đồng nào, NH cũng phải thận trọng gấp mấy lần.

Cũng tại hội nghị, theo công bố của NH Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu gia tăng nhanh trong sáu tháng đầu năm. Hiện tỉ lệ nợ xấu toàn ngành đã lên đến 4,47% tổng dư nợ, tương đương hơn 100.000 tỉ đồng.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: Phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-16%

S0My3wk9.jpgPhóng to
Ảnh: KIỀU ĐỨC KHANH
Hệ thống NH cần điều hành lãi suất phù hợp để thể hiện sự chia sẻ với DN, tạo điều kiện NH tăng thanh khoản và phát triển. Tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm vào khoảng 14-16% là phù hợp, vì hiện nay dư địa còn khá nhiều. Tôi tin tưởng là đạt được vì hầu hết các NH cam kết mức 10-12%.

Còn về nợ, các NH phải đánh giá thực trạng nợ, trong đó có nợ xấu. Trong giai đoạn qua, do nhiều nguyên nhân, trong đó có điều hành, có những khoản nợ đang tốt trở thành xấu. Nếu tạo điều kiện xử lý vấn đề này thì có thể những khoản nợ xấu sẽ trở thành tốt. Tôi đã đi khảo sát thì có chuyện này. Cần phân tích nguy cơ đối với từng khoản nợ để cơ cấu chứ chờ để ra được công ty mua bán nợ thì còn lâu mới ra được vì còn thảo luận và bàn, chắc hết năm nay mới ra được. Do vậy, các NH phải xử lý được các khoản nợ bằng các biện pháp trong tay của chính NH.

Riêng thị trường vàng cần đảm bảo cung cầu. Bên cạnh việc Nhà nước thừa nhận và đảm bảo quyền, lợi ích hợp lý sở hữu vàng của người dân, NH làm thế nào đó xây dựng được thương hiệu vàng quốc gia. Vàng cùng chất lượng như nhau thì có giá trị phải như nhau. Nếu chuyển đổi từ thương hiệu vàng khác sang vàng nhà nước thì chỉ mất phí thôi, chứ không phải vì thương hiệu đó mà tạo ra giá trị ảo, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Lạm phát năm 2012 và tăng trưởng nền kinh tế là bao nhiêu phụ thuộc rất nhiều quyết tâm của ngành NH được triển khai sau hội nghị này. Làm sao điều hành lạm phát khoảng 7-8% là hợp lý; GDP tăng không dưới 5,5%, được 6% thì càng tốt. Tôi muốn các đồng chí triển khai thật nhanh vì giờ đã là tháng 7 rồi.

Nhiều bức xúc dành cho ngân hàng

Trong tháng 7-2012, UBND TP.HCM sẽ phối hợp với NH Nhà nước tổ chức một “hội nghị kết nối” giữa các NH thương mại và DN trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tín dụng NH, giúp DN tiếp cận vốn vay để vực dậy sản xuất kinh doanh. Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết tại buổi làm việc giữa UBND TP, NH Nhà nước VN và lãnh đạo 16 NH thương mại ngày 7-7.

Bà Hồng bức xúc cho rằng các NH chưa thực hiện triệt để chỉ đạo của NH Nhà nước, dư nợ bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên rất thấp, lãi suất giảm chưa nhiều. Việc giảm lãi suất cho các hợp đồng vay cũ cũng rất hạn chế. “Khi lãi suất tăng, NH mời DN đến để ký lại hợp đồng nhưng khi lãi suất giảm thì NH lại đưa ra hàng loạt lý do để trì hoãn” - bà Hồng nói. Về cơ cấu lại nợ cho DN, theo bà Hồng, văn bản chỉ đạo của NH Nhà nước quá chung chung, các NH vin vào đó để không thực hiện. Bà yêu cầu NH Nhà nước có hướng dẫn cụ thể để các NH triển khai đồng bộ.

Được mời phát biểu, ông Phạm Xuân Hòe - vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ NH Nhà nước - thừa nhận lý do mà các NH nêu ra là tồn vốn huy động lãi cao nên không giảm được lãi suất cho vay là không chính đáng, vì các NH chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, từ 1-3 tháng. Tính từ thời điểm NH Nhà nước điều chỉnh lãi suất đến nay thì đã đến hạn phải giảm lãi suất vay vốn. NH nên chia sẻ một phần lợi nhuận cho DN. “Nếu duy trì lãi suất cao, DN chết, NH chắc chắn không còn lợi nhuận do phải trích dự phòng rủi ro nhiều hơn” - ông Hòe nói.

Liên quan đến việc cơ cấu nợ cho DN, thay vì đưa ra hướng tháo gỡ để chính sách này có thể đi vào đời sống, ông Hòe lái câu trả lời sang các khó khăn của DN cũng như dẫn ra bất cập trong quy trình xử lý nợ xấu, giải pháp xử lý nợ xấu... Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói công việc hiện giờ là tìm giải pháp trong tình hình dầu sôi lửa bỏng chứ bộ nào cũng thủ thì không làm gì được. Bà Hồng cũng chất vấn: “Chúng tôi muốn biết vai trò của NH Nhà nước trong thời gian tới ra sao. Nếu các NH chấp hành chưa nghiêm quy định của NH Nhà nước như hiện nay thì NH Nhà nước xử lý ra sao?”.

Phó thống đốc NH Nhà nước Trần Minh Tuấn thừa nhận lãi suất cho vay thời gian qua chưa giảm như cam kết, chưa kể DN đến vay thì NH nói không đủ điều kiện. Ông yêu cầu NH phải nêu cụ thể quy định vướng ở chỗ nào, cụm từ nào chung chung, NH Nhà nước sẽ ghi nhận để có văn bản hướng dẫn lại cho cụ thể, rõ ràng.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên