23/08/2024 05:40 GMT+7

Kê toa thuốc bất hợp lý: 'Một tiền gà, ba tiền thóc'

Đi bệnh viện, ngoài chi phí "cứng" tiền khám và xét nghiệm, hầu hết người bệnh còn phải trả một khoản tiền lớn cho việc mua thuốc, sản phẩm hỗ trợ, thực phẩm chức năng. Nhiều toa thuốc bất hợp lý, quá nhiều món "hỗ trợ".

Toa thuốc: 'Một tiền gà, ba tiền thóc' - Ảnh 1.

Quy định hiện hành không cho phép kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Mới đây, khi đi khám tiêu hóa tại một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, một nữ bệnh nhân 35 tuổi cho biết không khỏi bất ngờ khi tiền thuốc chỉ hơn 300.000 đồng nhưng tiền men tiêu hóa nhập khẩu và thực phẩm hỗ trợ tới hơn 2 triệu đồng.

Bác sĩ kê toa hưởng lợi lớn nên 'cấm cũng kê'

Theo bệnh nhân này, điều khiến chị bức xúc là không nhận được giải thích, tư vấn gì về thực phẩm chức năng bác sĩ kê trong sổ y bạ. Chỉ đi khi mua thuốc về, đọc hướng dẫn sử dụng của từng loại chị mới biết đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng.

Cách đây không lâu, nam bệnh nhân 50 tuổi được chẩn đoán đau nửa đầu căn nguyên mạch máu tại một bệnh viện quân đội đã được bác sĩ kê tới 8 loại, gồm 5 thuốc và 3 thực phẩm chức năng tăng cường tuần hoàn não và vitamin tổng hợp. Số tiền mà bệnh nhân phải trả cho đơn thuốc 30 ngày là hơn 5 triệu.

"Bác sĩ kê mỗi loại thuốc 1 - 3 viên/lần, ngày uống 2 - 3 lần. Nếu uống đủ số thuốc được kê chắc cũng đủ no bụng" - bệnh nhân chia sẻ.

Trước đó, trên trang cá nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, lên tiếng trước một đơn thuốc được kê cho bệnh nhân gần 80 tuổi với chẩn đoán "cơn sụp đổ". Ông Hiếu cho biết thực ra đó chỉ là triệu chứng của hội chứng hiếm gặp trên lâm sàng. Bệnh nhân được bác sĩ kê 5 loại thuốc, trong đó có đến 4 loại bổ gan, bổ thần kinh và khoáng chất.

"Chúng ta vẫn quen nghĩ thuốc bổ là không nguy hại, nhưng thực tế cái hại ngay trước mắt đó là túi tiền của những người nghèo. 4 loại thuốc trên chắc chắn đắt hơn 2 loại thuốc tăng tuần hoàn não được kê "xen kẽ" trong đơn là C. và M. Cái hại thứ hai là uống nhiều thuốc tăng nguy cơ tác dụng phụ và phản ứng chéo giữa các thành phần. Do quá nhiều viên thuốc, người bệnh có nguy cơ lẫn lộn thuốc bổ, thuốc điều trị dẫn đến quên thuốc, bỏ thuốc..." - PGS Hiếu chia sẻ.

Bộ Y tế từng có nhiều quy định về việc không được kê thực phẩm chức năng và mỹ phẩm vào đơn thuốc, không ít lần có văn bản chấn chỉnh các cơ sở y tế sau khi có những phản ánh liên quan tới việc nhập nhèm kê đơn thuốc kèm thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, việc "trộn" thuốc và thực phẩm chức năng, sản phẩm hỗ trợ... trong toa thuốc vẫn khá phổ biến.

Nói về thực trạng này, nhiều thông tin cho rằng với nhiều loại thực phẩm chức năng, dược - mỹ phẩm, bác sĩ kê toa thuốc có thể được hưởng lợi nhuận lớn nên dù có cấm cũng vẫn kê là chuyện dễ hiểu.

Đáng nói, có những bệnh nhân tiền thuốc chữa bệnh chỉ vài trăm nhưng thực phẩm hỗ trợ lại tiền triệu. Báo chí từng phản ánh trường hợp bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương kê đơn 400.000 đồng thuốc điều trị nhưng hơn 4,8 triệu đồng mua thực phẩm chức năng.

Theo các chuyên gia, thực phẩm chức năng được coi là một trong những phương pháp giúp tăng cường và bảo vệ sức khỏe, vấn đề chỉ là giá thành khá đắt đỏ, trong khi muốn hiệu quả phải dùng nhiều và dùng trong thời gian dài.

"Nếu người bệnh có điều kiện kinh tế sử dụng thuốc bổ và sản phẩm chức năng theo tư vấn của bác sĩ cũng rất tốt, nhưng với những người còn khó khăn, tiền mua thuốc còn chật vật thì đừng ép người bệnh phải mua thêm thực phẩm chức năng. Đặc biệt khi kê các sản phẩm này, bác sĩ cần phải tư vấn cho người bệnh về tác dụng của các sản phẩm trong việc hỗ trợ điều trị"- một chuyên gia y tế nói.

Toa thuốc: 'Một tiền gà, ba tiền thóc' - Ảnh 2.

Đơn thuốc kê nhiều “thuốc bổ” mà PGS Lân Hiếu chia sẻ - Ảnh: FB NLH

Chỉ nên kê khi bệnh nhân cần

Theo bác sĩ Hà Ngọc Cường (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ), việc kê đơn thực phẩm chức năng trong đơn thuốc là tuyệt đối không được. Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, bác sĩ Cường cho hay chỉ khi có bệnh nhân cần tư vấn thực phẩm chức năng hỗ trợ thì bác sĩ mới tư vấn.

"Sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị cho người bệnh trong một số trường hợp là cần thiết. Người bệnh nếu không có sự tư vấn của bác sĩ vẫn tìm mua thuốc bổ hỗ trợ sức khỏe.

Quan trọng là bác sĩ tư vấn phù hợp với người bệnh, giải thích rõ các loại thực phẩm chức năng có hỗ trợ như thế nào và đó không phải là thuốc chữa bệnh", bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ, giám đốc bệnh viện, cũng cho hay hiện nay bệnh viện kiểm soát rất chặt vấn đề kê đơn thực phẩm chức năng của các trung tâm, khoa phòng. Nhà thuốc bệnh viện cũng không bán thực phẩm chức năng. Các bác sĩ chỉ định các loại thuốc cần thiết, đúng mục đích điều trị.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Anh Đức, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho hay việc kê đơn thuốc đã được quy định rất rõ, không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc.

"Việc này cần phải tiến hành khảo sát cụ thể, nếu có phát hiện các bác sĩ kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc sẽ xử lý nghiêm, lạm dụng kê thực phẩm chức năng cũng cần phải chấn chỉnh", ông Đức nói.

Toa thuốc: 'Một tiền gà, ba tiền thóc' - Ảnh 3.Đi khám bảo hiểm y tế, hụt hẫng khi cầm toa mua thuốc

Nhiều bệnh nhân đi khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), được bác sĩ kê toa thuốc, nhưng đến lúc mua thuốc thì bệnh nhân phải bỏ ra tiền triệu để mua do hết thuốc hoặc BHYT không có loại thuốc này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên