10/10/2016 12:07 GMT+7

Kế nghiệp tiền nhân

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

TTO - Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh (1762 - 1820) lên ngôi vua ở Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long, chính thức khai lập vương triều Nguyễn.

Chân dung vua Gia Long do một họa sĩ người Pháp vẽ vào thế kỷ XIX

Không chỉ cai quản một nước Việt Nam thống nhất, vua Gia Long còn quan tâm đến việc chiếm hữu, xác lập chủ quyền đối với những vùng biển đảo mà tiền nhân đã dày công khai phá, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo ghi chép trong nhiều thư tịch cổ như Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (Đỗ Bá, 1686), Hải ngoại kỷ sự (Thích Đại Sán, 1699), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn, 1776)... thì từ thế kỷ 17, người Việt đã dong thuyền đến các hải đảo ở giữa Biển Đông để đánh bắt hải sản và khai thác yến sào trên các hòn đảo.

Họ gọi tên dải đảo, đá, bãi ngầm này là Bãi Cát Vàng hoặc Cồn Vàng, còn các sử liệu Hán văn thì ghi là Hoàng Sa, Vạn Lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa..., trong khi tư liệu và bản đồ của phương Tây thì định danh nơi này là Parcel, Pracel, Paracels, Paraselso...

Đoạn viết về Bãi Cát Vàng và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn của Đỗ Bá, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm (Hà Nội)
Đoạn viết về Bãi Cát Vàng và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn của Đỗ Bá, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm (Hà Nội)

Tiền nhân mở lối

Cuối thế kỷ 17, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập đội Hoàng Sa, hằng năm cử đội này ra Hoàng Sa để thăm dò, đo đạc hải trình, khai thác yến sào trên đảo và thu nhặt vũ khí, vàng bạc, hàng hóa... từ các con tàu của nước ngoài khi đi ngang qua Hoàng Sa gặp nạn và bị chìm trong vùng biển này.

Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn của Đỗ Bá chép: “... Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh.

Mỗi lần có gió tây nam thì thuyền buôn các nước đi ở phía trong trôi dạt ra đây; gió đông bắc thì thuyền buôn chạy phía ngoài cũng trôi dạt vào đây, đều bị chết đói hết cả. Hàng hóa đều vứt bỏ nơi đây.

Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây thu nhặt hàng hóa, của cải, phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn...”.

Danh xưng Bãi Cát Vàng - Hoàng Sa bấy giờ được dùng để gọi tên cho cả dải đảo, đá, bãi ngầm ở giữa Biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Về sau, người Việt mới phân biệt quần đảo Hoàng Sa với các hải đảo, bãi ngầm khác nằm trong vùng biển phía nam.

Vùng biển này được đặt tên là Bắc Hải; hải đảo, bãi ngầm nơi đây về sau được gọi là Vạn Lý Trường Sa hay Trường Sa.

Năm 1708 Mạc Cửu, một người Hoa lưu vong, đã có công khai phá vùng đất Hà Tiên ở phía Nam trở thành một vùng đất trù phú, đã dâng vùng đất này cho chúa Nguyễn Phúc Chu.

Chúa Nguyễn sáp nhập Hà Tiên vào lãnh thổ Đàng Trong, ban cho Mạc Cửu chức tổng binh cai quản trấn Hà Tiên.

Năm 1711, tổng binh Mạc Cửu ra Phú Xuân để tạ ơn chúa Nguyễn Phúc Chu, được chúa hậu thưởng và giao cho tổ chức khảo sát đo vẽ quần đảo Trường Sa.

Như vậy, đến đầu thế kỷ 18, chính quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã quản lý một vùng lãnh thổ rộng lớn, trải đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo ở Biển Đông và trong vịnh Thái Lan.

Từ nửa sau thế kỷ 18, ngoài đội Hoàng Sa, chúa Nguyễn còn lập thêm đội Bắc Hải (trực thuộc đội Hoàng Sa) có trách nhiệm khai thác hải vật; kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực “các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên” (Phủ biên tạp lục).

Hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải kéo dài cho đến cuối thế kỷ 18, được tổ chức có hệ thống và liên tục. Hằng năm từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, chính quyền đều sai cử hai đội này ra Hoàng Sa và Trường Sa thực thi công vụ.

Các bộ lịch sử và địa chí được biên soạn vào thời Nguyễn (1802 - 1945) như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt địa dư chí... đều ghi chép về việc các chúa Nguyễn đã khai phá, chiếm hữu và tổ chức khai thác các nguồn lợi ở Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển đảo khác của Việt Nam với biên chế chặt chẽ, hoạt động chuyên nghiệp:

Đội Hoàng Sa chuyên khai thác ở vùng biển đảo Hoàng Sa; đội Bắc Hải trực thuộc đội Hoàng Sa nhưng phụ trách các đảo xa hơn về phía nam, gồm quần đảo Trường Sa, đảo Côn Lôn và các đảo trong vịnh Thái Lan; đội Thanh Châu chuyên khai thác yến sào ở các đảo ngoài khơi vùng biển Bình Định; đội Hải Môn hoạt động ở cù lao Thu và các đảo phụ cận ngoài khơi vùng biển Bình Thuận...

Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Nguyễn triều kế nghiệp

Năm 1803, sau khi lên ngôi được một năm, vua Gia Long đã cho tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và đặt vào trong cơ cấu tổ chức chung của các đội Trường Đà, có chức năng khai thác và quản lý toàn bộ khu vực Biển Đông.

Sách Đại Nam thực lục chính biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cho biết: năm 1803 vua Gia Long ra lệnh cho quan chức ở phủ Quảng Ngãi “lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa” (đệ nhất kỷ, quyển 22, tờ 2a)

Năm 1815 vua “sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình” (đệ nhất kỷ, quyển 50, tờ 6a)

Năm 1816 vua “lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình” (đệ nhất kỷ, quyển 52, tờ 15a)

Năm 1817 vua tiếp nhận địa đồ đảo Hoàng Sa do thuyền Ma Cao vẽ và dâng lên, ban thưởng 20 lạng bạc cho họ về việc này (đệ nhất kỷ, quyển 55, tờ 19b).

Đặc biệt, vua Gia Long sai đội Hoàng Sa phối hợp cùng thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo đạc thủy trình và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816 được nhiều nguồn tư liệu phương Tây đương thời ghi nhận, coi đây là dấu mốc quan trọng xác nhận sự chiếm hữu chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa và là biểu tượng của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Đây là một sự chuyển biến quan trọng về nhận thức của vua Gia Long, từ kế nghiệp tiền nhân khai thác Hoàng Sa, Trường Sa một cách tự nhiên, tiến đến việc công khai việc chiếm hữu Hoàng Sa, tạo điều kiện cho các triều đại kế vị thúc đẩy mạnh mẽ việc xác lập, kiểm soát và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này và những vùng biển đảo khác của Việt Nam.

Kỳ tới: Dấu mốc 1816 trong tư liệu phương Tây

Kế tiếp các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn (1771 - 1801), dù ở trong tình trạng chiến tranh với họ Nguyễn và đối phó với ngoại xâm như Xiêm La (1785), Mãn Thanh (1788 - 1789), vẫn quan tâm và duy trì hoạt động của đội Hoàng Sa.

Một thư tịch cổ đề ngày 14-2 năm Thái Đức thứ 9 (1786) do quan Thái phó tổng lý quân binh dân chư vụ thượng tướng công của triều Tây Sơn gửi cho cai đội Hoàng Sa thời đó có chép:

“Sai Hội Đức hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa và các xứ cù lao ngoài biển, thu lượm vàng bạc, đồ đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, hải ba, cá quý... mang về kinh đô dâng nộp theo lệ”.

Điều này chứng tỏ nhà Tây Sơn vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của đội Hoàng Sa nhằm khai thác các lợi ích kinh tế và kiểm soát chủ quyền biển đảo nước ta đương thời.

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên