07/09/2024 07:58 GMT+7

Kê khai tài sản không trung thực: Xử lý chưa tương xứng thực tế

Ngày 6-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có phiên họp toàn thể cho ý kiến, thẩm tra báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng 2024.

Kê khai tài sản không trung thực: Xử lý chưa tương xứng thực tế - Ảnh 1.

Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp ngày 6-9 cho ý kiến vào nhiều báo cáo quan trọng - Ảnh: GIA HÂN

Tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết nhóm nghiên cứu của ủy ban nhận định việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong năm 2024 tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quan tâm điều chỉnh cách thức triển khai để phát huy hiệu quả.

Kê khai không trung thực còn nhiều

Kê khai tài sản không trung thực: Xử lý chưa tương xứng thực tế - Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Đáng chú ý, theo nhóm nghiên cứu, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

"Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.

Qua phản ánh của dư luận, cử tri cho thấy tình trạng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều", ông Cường nêu.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhận định việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn diễn ra.

Đánh giá chung về tình hình tham nhũng, nhóm nghiên cứu cho rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản..., gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.

Nhóm nghiên cứu đề nghị thời gian tới cần khẩn trương nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...

Việc kê khai không trung thực cũng là do không ít tài sản họ có là bất chính, không thể giải trình nguồn gốc. Nếu khai vào sau này bị xác minh sẽ khó có thể giải trình được.
Ông NGUYỄN TÚC (ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)

Đã kê khai phải xác minh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chỉ rõ thực tế thời gian qua có câu chuyện các cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập vẫn tiến hành kê khai. 

Tuy nhiên, kê khai xong lại "đút ngăn kéo cất đi". Chính vì kê khai nhiều nhưng không tiến hành xác minh dẫn đến không ít cán bộ kê khai không đúng, không trung thực, không khai.

Ông Túc chỉ rõ chính việc không khai, khai không trung thực là nguyên nhân dẫn đến không ít cán bộ trong bản kê khai tài sản chỉ có rất ít tài sản nhưng khi bị công an tiến hành khám xét do liên quan các vụ án tham nhũng thì phát hiện nhiều tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.

Thời gian tới, theo ông Túc, việc kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện kê khai phải đi vào thực chất. Trong đó, phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu trong việc kê khai trung thực tài sản, thu nhập. Điều quan trọng hơn, cần sớm thực hiện việc đã kê khai là phải được xác minh.

"Chúng ta đưa ra chủ trương, quy định kê khai mà không thực hiện giám sát, không xác minh thì dễ dẫn đến hình thức, không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò giám sát, nhất là của người dân ở địa bàn nơi cán bộ, đảng viên đó cư trú để việc kê khai đạt yêu cầu", ông Túc đề xuất.

Cán bộ "hướng dẫn" doanh nghiệp "lách luật"

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng có đánh giá báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024.

Theo đó, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và thiệt hại về số người bị thương, tài sản, trong đó tội tham ô tài sản tăng 50,75%.

Nhóm cũng chỉ rõ công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, làm cho công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật chưa mang lại hiệu quả cao.

Theo nhóm nghiên cứu, một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.

Điều này dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, "móc nối, hướng dẫn" doanh nghiệp thực hiện "lách luật" hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp. Điển hình là vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil.

Kê khai tài sản không trung thực: Xử lý chưa tương xứng thực tế - Ảnh 4.Nhiều cán bộ bị công an khám xét mới lộ khối tài sản lớn, không rõ nguồn gốc

Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, khi xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi công an khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên