30/01/2004 21:17 GMT+7

Jane Birkin - "Làm mới lại" từ sự mất mát

THỦY TÙNG
THỦY TÙNG

TTO - "Những ca khúc hay nhất theo nhịp điệu phương Đông” sẽ là chủ đề hai đêm biểu diễn tại TP.HCM (10-2) và Hà Nội (12-2) của nữ ca sĩ - diễn viên Jane Birkin, một tên tuổi trong thế giới Pháp ngữ ở cả hai lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh.

r1pzU6WD.jpgPhóng to
Nữ ca sĩ - diễn viên Jane Birkin
TTO - "Những ca khúc hay nhất theo nhịp điệu phương Đông” sẽ là chủ đề hai đêm biểu diễn tại TP.HCM (10-2) và Hà Nội (12-2) của nữ ca sĩ - diễn viên Jane Birkin, một tên tuổi trong thế giới Pháp ngữ ở cả hai lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh.

Bắt đầu bước lên sân khấu vào năm 17 tuổi, Jane đã đi qua 40 năm trên chặng đường hoạt động nghệ thuật . Nhưng điều đặc biệt ở chị là sự nhàm chán không đựơc phép lặp lại.

Cách nay khoảng bốn năm, những người yêu âm nhạc đã phải sửng sốt trước một thể nghiệm sáng tạo và mạnh bạo của Jane khi vào tuổi 50, chị hát lại những bài hát từng làm nên tên tuổi của mình theo một hình thức hoàn toàn mới: lồng chúng vào những âm tấu phương đông lóng lánh những màu sắc huyền bí.

Đĩa Arabesque ghi lại chuyển động mới này đã mang lại cho Jane Birkin “Đĩa hát vàng” vào tháng 9-2003.

Nhưng một điều lý thú ở Jane, người đã thành công với hàng lọat bài hát tiếng Pháp, là chị đã không mấy thông thạo thứ sinh ngữ này khi bắt đầu đến Pháp định cư để khởi nghiệp ca hát.

Sinh ngày 14-12- 1946 tại Luân Đôn, Jane là con của một nữ ca sĩ và diễn viên ca kịch tên Judy Campbell, một người khi đến tuổi 85 vẫn còn hát trong một vở nhạc kịch ở New York.

Được nuôi dưỡng bằng không khí nghệ thuật của gia đình, Jane Birkin bắt đầu bước lên sân khấu ca kịch vào năm 17 tuổi. Năm 18 tuổi, chị lần đầu tiên xuất hiện trong phim The Knack, để rồi hai năm sau đã thành công vang dội với giải Cành cọ bạc ở Liên hoan phim Cannes trong phim Blow up.

Năm 1968, ở tuổi 21, Jane sang Pháp vì đạo diễn Pierre Grimblat bấy giờ đang tìm một người Anh để diễn cùng với Serge Gainsbourg trong bộ phim Slogan.

Người thời bấy giờ kể rằng, Serge Gainsbourg nghiệt ngã vì vừa chia tay với Brigitte Bardot đã làm cho “cô diễn viên trẻ nói tiếng Pháp kém cỏi này phải hoảng sợ và khóc tức tưởi trước ống kính”. Nhưng ở họ lại hình thành một tình yêu và cuộc hôn nhân tiếp đó đã kéo dài trong 12 năm.

Trong 12 năm đó, Serge – cũng là một nhà soạn nhạc – đã viết riêng cho Jane một lọat bài hát làm thổi bùng một ngọn gió tự do về tư tưởng ở nước Pháp vào thời kỳ sau 1968, với một đỉnh cao là bài Je t’aime moi non plus.

Năm 1969, cả hai lại cho ra đời một album mang tên Jane Birkin Serge Gainsbourg – La chanson du slogan, gồm những bài hát đơn của Jane và hát đôi với Serge, chỉ trong vài tháng đã bán ra một triệu đĩa và được lên trang nhất của nhiều tạp chí. Một điều có thể nhắc đến là người chồng trước của Jane là John Barry, người đã soạn điệu nhạc nổi tiếng trong loạt phim James Bond.

Còn Serge Gainsbourg là một tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Pháp đã viết nên những bài tồn tại hàng nhiều thập niên như Poupée de cire, poupée de son, On mon Amour…, cũng là nhà thơ, đạo diễn , họa sĩ, ca sĩ …

Jane và Serge là một cặp bài trùng âm nhạc bổ sung nhau đến nỗi đã có báo nhận xét , như trong album Ex-fan des sixties năm 1978, công chúng đã bị mê hoặc bằng giọng hát nửa chua nửa thỏ thẻ toát ra vẻ nữ tính quyến rũ của Jane làm cho những ngôn từ cứng nhắc của Serge mất đi tất cả vẻ khô khan của chúng.

Jane chuyển sang đóng phim và kịch nhiều hơn kể từ khi chị chia tay đạo diễn Serge Gainsbourg vào năm 1981. Mặc dù tái hôn với một đạo diễn khác, những năm sau đó đã chứng kiến “những cuộc đối đầu” kỳ quặc giữa Jane và Serge .

Trong một vở diễn đại thành công mang tên Avec le temps (Cùng với thời gian) vào năm 1987, Jane tuyên bố chị diễn vở đó là để “làm Serge sững sờ chơi” . Năm 1990, Serge Gainsbourg cho ra đời một album mang tên Amours des feintes (Tình yêu của những người vờ vịt) có tính chất của một thông điệp, nhưng đó cũng là album nhạc cuối cùng của ông. Năm sau ông mất.

Khi xuất hiện trên sân khấu ca nhạc ở Paris sau đó, Jane tỏ ra rất xúc động và chị thốt lên những lời chân thật : "Tôi chuẩn bị từ bỏ bài hát này. (Nếu ) Phải hát với một người nào khác, tôi không thể tưởng tượng được việc đó”. Năm 1992 tại liên hoan Bài hát Pháp ngữ ở La Rochelle, Jane bỏ cả micro xuống sàn như một hình thức nhằm nói lời vĩnh biệt với Serge.

Một thời gian dài sau đó, Jane dường như sợ xuất hiện trong đời sống âm nhạc. Chị rút vào và viết, những bài viết về gia đình và lòng nhân ái. Chị chỉ hát cho Tổ chức ân xá quốc tế và trong vài trường hợp thiện nguyện khác.

Khi bị những người hâm mộ thúc ép tiếp tục hát nhạc của Serge, năm 1996, Jane đột nhiên công bố tất cả những bài hát Serge đã viết cho chị trong album Versions Jane, những bài Serge vẫn lặng lẽ viết cho chị ngay cả khi đã chia tay, mà công chúng chưa một lần được biết, mang những âm điệu buồn man mác.

Năm 1998, Jane mời 12 tác giả soạn 12 bài hát cho một album mới mang tên A la légère ; lần đầu tiên, Serge Gainsbourg đã không ký tên cho lời cũng như nhạc, nhưng dấu ấn về ông in đậm trong từng bài : “Em sẽ không nói một lời nào nữa về anh/ như vầy tốt hơn/ trong tương lai, em chỉ nói về những người khác”. Ở album này, Jane đã liều nâng giọng hát của mình lên cao hơn, khiến nó như tiếng pha lê chạm vào nhau, và nhẹ nhàng hơn, như chính chị.

Ý tưởng chuyển nhịp điệu những ca khúc nổi tiếng như Elisa, Couleur café hay Comment te dire adieu sang âm tấu phương đông đã được những bạn bè của Jane gợi mở và lập tức mê hoặc chị.

Năm 2000, Jane quyết định chuyển sang một ngã rẻ khác khi cùng với Djamel Benyelles đàn violon, Fred Maggi đàn piano, Amel Riahi đàn luth và Aziz Boularoug nhạc khí gõ , bắt đầu những cuộc lưu diễn phiêu bồng mang tên Arabesque, ở Pháp, Luân Đôn, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Canada, New York và châu Á.

Chị là nghệ sĩ quốc tế duy nhất dám đến hát cho người Palestine ở dải Gaza vào cuối năm vừa rồi, một buổi diễn mà người Palestine nói “đã thắp lên cho chúng tôi một chút lửa ấm áp trong những ngày tối tăm, lạnh lẽo này”.

Trong chuyến lưu diễn vòng quanh châu Á bắt đầu từ ngày 6-2 này, Jane Birkin sẽ làm ngân lên những bài hát Pháp quen thuộc xưa cũ bằng một kiểu hát mới, cao vút hơn, và buồn bã, nỉ non hơn trong những làn điệu Ả Rập réo rắt khắp Nhật, Hàn Quốc, VN, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Slovenia, Croatia và Sarajevo.

THỦY TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên