Theo Coldiretti, các mặt hàng thực phẩm "made in Italy" giả hiện được bày bán tràn lan trên thị trường, từ thịt nguội, dầu olive, pho mát, pasta, nguyên liệu làm pizza cho đến rượu vang, điều này đã khiến Italy thiệt hại tới 60 tỉ euro mỗi năm.
Đáng chú ý, việc làm giả các sản phẩm này không chỉ diễn ra ở các nước nghèo, với những người làm kinh doanh tìm cách kiếm lời từ việc đánh vào thị hiếu người tiêu dùng thích đồ Italy cao cấp, mà còn diễn ra khá phổ biến ở cả những nước phát triển như Mỹ, Thụy Điển hay Australia.
Đứng đầu danh sách các sản phẩm bị làm giả nhưng vẫn bán chạy hàng đầu là pho mát parmesan, 99% parmesan được bày bán ở thị trường Mỹ có xuất xứ từ bang Wisconsin hoặc California.
Các sản phẩm truyền thống nổi tiếng khác từ sữa như provolone, gorgonzola hay pecorino cũng như cà chua San Marzano cũng bị nhiều nhà sản xuất Mỹ làm nhái, không chỉ bán ở thị trường Mỹ mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước xung quanh. Điều này không những gây thiệt hại cho Italy trong lĩnh vực xuất khẩu, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của nước này trên thế giới, mà còn tạo tác động xấu đối với hàng triệu người Italy làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Coldiretti đã đề cập vấn đề giả nhãn mác này trong một chương trình đặc biệt về nông phẩm Italy tại Triển lãm thế giới EXPO Milan 2015. Chủ tịch Coldiretti Roberto Moncalvo nhận định ít nhất 1/4 trong số hơn 140 nước tham dự EXPO đang tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nhái mác Italy. Vì vậy, ông bày tỏ hy vọng EXPO 2015 sẽ là cơ hội lí tưởng để Italy bảo vệ các thương hiệu ẩm thực “made in Italy” thực sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận