Theo nhạc sĩ Trầm Tích (Huế), ca khúc quê hương của các nhạc sĩ trẻ có mới thì chưa hay, mà có hay thì chưa mới, bởi lẽ phần lớn họ lao vào sáng tác ca khúc phổ thông để dễ phổ biến, dễ nổi tiếng. Ca khúc quê hương cũng ít được đưa vào các album, ít được lựa chọn trong các sân chơi âm nhạc lớn... Nhạc sĩ Phan Thuận Thảo (Huế) cho rằng “dù không nổi đình nổi đám nhưng dòng nhạc quê hương vẫn lặng lẽ trôi trong dòng chảy đương đại, có một giới nghe riêng của mình”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương (giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN) cho biết hiện có 10-15 tác giả trẻ nhận tiền bản quyền từ 200 triệu đồng trở lên mỗi năm, trong khi phần lớn các nhạc sĩ đại thụ đều nhận dưới 100 triệu đồng. Ông Phương cho rằng giới trẻ đang có nguy cơ biết về truyền thống rất ít và muốn giới trẻ nhận ra giá trị của truyền thống thì thế hệ đàn anh phải tìm cách đồng hành cùng với giới trẻ, đừng nên xem “trẻ là vớ vẩn, nó cứ đi, còn ta có một dòng riêng ta cứ đi”.
Tương tự, nhạc sĩ Văn Dung (chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội) nói: “Chúng ta cũng đừng băn khoăn với thực tế của giới trẻ mà phải xem lại mình (thế hệ lớn tuổi) làm được gì. Nhìn thẳng vấn đề thì thấy dòng nhạc quê hương chưa hay nên công chúng chưa chấp nhận!”.
Theo nhạc sĩ An Thuyên, cần phải tìm đề tài từ cuộc sống đương đại và vấn đề chính là tài năng của nhạc sĩ trong việc làm cho ca khúc chinh phục được công chúng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận