12/06/2018 11:08 GMT+7

Ít ai ngờ văn hóa chung cư còn có nguyên nhân... thiết kế

NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (kỹ sư)
NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (kỹ sư)

TTO - Tôi là kỹ sư, là quản lý ở một tập đoàn lớn chuyên về bất động sản và đầu tư xây dựng chung cư ở TP.HCM. Tôi nhận ra văn hóa chung cư, ngoài ý thức, cần thiết kế môi trường sống từ môi trường sống từ khâu xây dựng.

Ít ai ngờ văn hóa chung cư còn có nguyên nhân... thiết kế - Ảnh 1.

Một cụm chung cư đang xây dựng ở quận 2, TP.HCM - Ảnh: M.C

Ngày càng nhiều chung cư được xây dựng, bên cạnh những chung cư có chất lượng sống tốt kèm các tiện ích, vẫn còn không ít chung cư chưa đáp ứng nhu cầu tốt thiểu. Lắm khi sự chi phối của đồng tiền khiến cho không gian sống bị thu hẹp, không gian sinh hoạt cộng đồng bị xóa bỏ, nhiều người cũng đành chấp nhận miễn sao có được căn nhà để ở.

Chung cư hiện nay được phân hạng theo A, B, C với 4 nhóm tiêu chí: Quy hoạch - kiến trúc. Hệ thống, thiết bị kỹ thuật. Dịch vụ, hạ tầng xã hội. Chất lượng, quản lý, vận hành.

Với hạng A, mật độ xây dựng không quá 45%, bình quân diện tích sử dụng căn hộ trên số phòng ngủ tối thiểu 35m2, có hệ thống trung tâm thương mại trong bán kính 1km, hệ thống camera kiểm soát trong bãi đỗ xe, sảnh, hành lang, cầu thang và kiểm soát ra vào… 

Với hạng B, mật độ xây dựng không được vượt quá 55%, bình quân diện tích sử dụng căn hộ trên số phòng ngủ tối thiểu 30m2, có trung tâm thương mại hoặc siêu thị trong bán kính 1,5km và đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp và hệ thống camera kiểm soát trong bãi đỗ xe, sảnh, hành lang, cầu thang. 

Với hạng C, là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng nhưng không đạt đủ tiêu chí để công nhận hạng A và hạng B. Như vậy, chung cư dù hạng nào từ bình dân đến cao cấp cũng đều phải có đầy đủ các tiêu chí. Quy định là vậy, song thực tế, không ít chủ đầu tư giảm diện tích hoặc bỏ bớt các tiện ích.

Việc phân hạng chung cư được cơ quan quản lý công nhận không chỉ tránh tranh chấp, khiếu kiện mức giá dịch vụ, quản lý chung cư mà còn là căn cứ xác định giá trị căn nhà.

Nếp sống chung cư xấu đi bắt đầu từ những cắt giảm...

Cấu trúc mỗi chung cư khác nhau, từ bình dân cho tới cao cấp, càng khác xa nhà ở truyền thống. Sảnh, hành lang, cầu thang, khu vực đậu xe, không gian công cộng thông thường bắt buộc phải có trong chung cư... Song, nhiều chủ đầu tư tìm cách cắt giảm hoặc bỏ đi những diện tích này nhằm tiết kiệm chi phí. Điều đó cũng làm xấu đi nếp sống chung cư.

Dễ thấy nhất là các chung cư dành cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp chủ yếu là lối vào chính và được thiết kế với diện tích khá nhỏ. Hay chung cư ở những khu vực "trắc địa" trung tâm có quỹ đất khá "khiêm tốn", không gian công cộng càng thu hẹp. Thậm chí có những chung cư sau khi bán, người dân chuyển đến ở, không có bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự, nhiều hạng mục vẫn chưa đủ điều kiện an toàn sử dụng theo quy định.

Chung cư nơi tôi cư ngụ ở Thủ Đức, sau khi đưa vào sử dụng đã phát sinh những bất tiện. Cô nói, ở đây thiếu siêu thị dẫn đến tình trạng buôn bán trong chung cư vì có cầu ắt sẽ có cung, không những nhà ở tầng trệt mà ở trên lầu cũng lấn hành lang bày bán tạp hóa cùng thực phẩm hoa quả, rau, thịt, cá. Cô cũng như nhiều người cư ngụ khác khi đến ở mới biết chung cư không có hệ thống chờ sẵn ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật nên mạnh ai nấy kéo chằng chịt dây cáp điện, viễn thông, internet… 

Bởi thiếu không gian công cộng nên nhiều gia đình có việc phải tổ chức trong nhà như tiệc, giỗ, ma chay... Thiếu cả nơi sinh hoạt tối thiểu, người cư ngụ phải cơi nới lấn hành lang phơi quần áo.  

Còn chung cư gia đình em gái tôi ở trung tâm thành phố được cho là cao cấp, cao 20 tầng nhưng không có công viên, nơi vui chơi cho trẻ em, hành lang phía dưới còn bị tận dụng giữ xe. Muốn đi lại, hít thở khí trời thì phải chọn ngỏ ngách nào đó hay khoảng trống trước cửa các căn hộ nối liền từ góc đầu đến góc cuối tòa nhà. 

Vì thiếu sân chơi cho trẻ em cứ chiều đến trẻ con các nhà lại đùa nghịch, hò hét chạy theo dãy hành lang vừa là lối đi chung rộng chưa tới 2m, người đẩy xe, người kê ghế cho bé ăn rồi xả rác. Ở phía dưới có góc nhỏ vỉa hè cũng bị chiếm dụng mở quán nhậu gây ồn ào, không thấy ai nhắc nhở.

Từ các câu chuyện ấy, giá như chung cư được xây dựng bài bản và có định hướng ngay từ đầu sẽ hạn chế những bất cập, phiền lòng. 

Có những chung cư thiết kế sẵn môi trường sống cho người cư ngụ mà nhiều nơi khác không làm được, văn minh ứng xử và văn hóa cộng đồng luôn thực thi một nghiêm túc. Từ khâu xây dựng, thiết kế không gian sống thế nào thì sau khi hoàn thành sẽ tạo ra giá trị văn hóa tương xứng. Chung cư G.H. gần nơi tôi cư ngụ không có lấn chiếm vỉa hè, hành lang, bãi xe tự phát, hiếm thấy xả rác, ít ai tổ chức tiệc tùng tại nhà gây ồn… bởi ở đây đã có nội quy và đầy đủ các tiện ích đó như không gian, kiến trúc, công viên, mảng xanh, sạch sẽ… 

Ngoài dân sinh sống ở đây, nhiều người ở nơi khác cũng đến vui chơi. Với khung cảnh ấy, môi trường sống ấy, ai nỡ xả rác bừa bãi.

Bởi vậy, văn hóa chung cư không đơn thuần tạo chỗ ở mà còn xây dựng cả con người sống trong cộng đồng. 

Cần lắm các quy định xây chung cư đảm bảo tiện ích, không gian công cộng, hướng tới nếp sống văn hóa. Đồng thời, cũng cần chế tài những trường hợp vi phạm, vừa bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng, không thiệt thòi cho những chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện đúng quy định. Và khi chủ đầu tư đưa căn hộ lên sàn giao dịch, khi bán cũng phải cung cấp tất cả các thông tin liên quan thể hiện trong hợp đồng để khách hàng lựa chọn, đánh giá và quyết định.

Thiết kế không gian sống, văn hóa chung cư từ khâu xây dựng là yếu tố "cần" nhưng chưa "đủ" mà phải có thêm vai trò quản lý và vận hành hiệu quả. Người xưa có câu "Nhập gia tùy tục", có thể hiểu đến nơi nào phải theo phong tục nơi ấy. Nói cách khác, tạo ra "phong tục" là một việc, giữ được "phong tục" không để ai vi phạm là việc khác. Cụ thể, ở chung cư, gây ồn là vi phạm nội quy, ai mở nhạc lớn, liền có bảo vệ tới yêu cầu giảm âm lượng.

Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chính thức mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.

Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và TTO. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc.

Ý kiến gửi về email: maicong@tuoitre.com.vn (từ nay đến hết ngày 15-6).

NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (kỹ sư)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên