12/10/2015 07:51 GMT+7

IS thổi lửa xung đột ở Thổ Nhĩ Kỳ?

HIẾU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)
HIẾU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)

TT - Giới phân tích nhận định nhiều khả năng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria đã vươn vòi bạch tuộc qua biên giới để thực hiện vụ đánh bom đẫm máu tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ diễu hành ở thủ đô Ankara để tưởng nhớ các nạn nhân vụ đánh bom - Ảnh: Reuters
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ diễu hành ở thủ đô Ankara để tưởng nhớ các nạn nhân vụ đánh bom - Ảnh: Reuters
Nghe đọc nội dung bài báo

Theo AFP, hôm qua an ninh Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định cuộc tắm máu gần nhà ga trung tâm của thủ đô Ankara là tác phẩm của hai kẻ đánh bom liều chết. Khám nghiệm tử thi cho thấy một trong hai hung thủ là đàn ông, độ tuổi từ 25 - 30.

Văn phòng Thủ tướng Ahmet Davutoglu thông báo tổng cộng có 95 người thiệt mạng và 246 người bị thương, trong đó 48 người đang trong tình trạng nguy kịch. Đảng Dân chủ nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd xác định số người chết lên đến 128 người.

HDP chính là một trong các nhóm đã tổ chức cuộc biểu tình ủng hộ người Kurd ở khu vực gần nhà ga trung tâm thành phố Ankara. Đến nay vẫn chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom.

Tuy nhiên, ông Davutoglu cho rằng IS, nhóm nổi dậy Đảng Công nhân người Kurd (PKK) hay các tay súng cực hữu đều có thể là thủ phạm. “Chúng tôi đang làm tất cả để đưa bọn hung thủ ra đối diện với công lý” - ông Davutoglu nhấn mạnh.

Món cocktail nguy hiểm

Từ nhiều tháng qua, căng thẳng sắc tộc liên tục bùng phát ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đã từ lâu cộng đồng người Kurd cáo buộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ để IS vận chuyển vũ khí và đưa người qua biên giới vào Syria và đàn áp người Kurd tại đây.

Cuối tháng 7, một kẻ đánh bom liều chết tình nghi có quan hệ với IS sát hại 32 người Kurd đi biểu tình ở thị trấn biên giới Suruc. PKK công khai cáo buộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ câu kết với IS. Những cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và PKK nổ ra khiến hàng trăm người thiệt mạng.

CNN dẫn lời nhà phân tích Daniel Nisman thuộc Tổ chức Levatine Group cho biết cả chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và IS đều coi người Kurd là “kẻ thù nguy hiểm hơn” nên không đụng độ với nhau.

Nhưng sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch không kích IS hồi cuối tháng 7, nhóm khủng bố này tung lên mạng đoạn video lên án Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là “kẻ phản bội” và kêu gọi người Hồi giáo “giành lại Istanbul từ tay phương Tây, bọn vô đạo và lũ bạo chúa”.

Tiến sĩ Jonathan Schanzer, cựu chuyên gia chống khủng bố của Bộ Tài chính Mỹ, cảnh báo mối đe dọa IS và làn sóng bạo động của người Kurd là “món cocktail nguy hiểm” đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Và các chuyên gia quốc tế xác định chính IS tổ chức vụ đánh bom ở Ankara để đổ dầu vào lửa xung đột giữa các nhóm người Kurd với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, phá hủy cơ hội đàm phán giữa đôi bên.

IS sẽ hưởng hai lợi ích cụ thể từ cuộc đối đầu giữa các nhóm người Kurd với Ankara. Thứ nhất, liên minh người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ suy yếu vì bị an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.

Ở miền bắc Syria, IS đang liên tục hứng chịu những đợt tấn công của lực lượng dân quân tự vệ người Kurd YPG, có quan hệ mật thiết với PKK. Thứ hai, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bận rộn đối phó với PKK và giảm cường độ không kích IS.

Bất ổn leo thang

Chuyên gia Nisman đánh giá mọi dấu vết của vụ đánh bom tại Ankara đều cho thấy đây là tác phẩm của IS. Một trong những thủ đoạn thường thấy của IS là tấn công người thiểu số, ví dụ như người Shia ở Saudi Arabia, để thổi bùng ngọn lửa xung đột sắc tộc.

Báo Washington Post cũng dẫn lời nhà phân tích Soner Cagaptay thuộc Viện Chính sách Cận Đông ở Washington (Mỹ) đưa ra kết luận tương tự.

“Có thể nói đây là vụ 11-9 của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước này” - ông Cagaptay nhấn mạnh. Trong những năm qua, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ các thành phố lớn và vùng biên giới một cách hiệu quả.

Tuy nhiên tình báo phương Tây khẳng định IS đã vươn vòi bạch tuộc vào sâu trong Thổ Nhĩ Kỳ từ hai năm qua. Thậm chí IS sử dụng một số khu dân cư nhất định tại Istanbul để làm trung tâm tài chính.

“Tình trạng này càng kéo dài thì chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ càng khó trấn áp IS vì nguy cơ bị tấn công báo thù” - tiến sĩ Jonathan Schanzer cảnh báo. Cũng chưa rõ xung đột giữa các nhóm người Kurd và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát triển theo hướng nào. Có một số dấu hiệu lạc quan.

Sau vụ đánh bom ở Ankara, PKK tuyên bố ngừng giao tranh với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi bị tấn công trước. Việc Thủ tướng Davutoglu công bố ba ngày quốc tang cũng được xem là cử chỉ hòa giải.

Nhưng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có kiềm chế nếu bị các nhóm người Kurd không có quan hệ với PKK tấn công? Có một điều chắc chắn là quốc gia thành viên NATO sẽ phải đứng trước tương lai đầy bất ổn. Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ đường biên giới với Syria, Iran và Iraq, các quốc gia đều đang đối đầu với IS.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga xấu đi nghiêm trọng những ngày qua do máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng với nguy cơ nội loạn, Tổng thống Erdogan sẽ phải đối mặt với vô số thử thách kể cả nếu thắng lớn trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Diễu hành bất chấp nguy cơ khủng bố

Theo AFP, hôm qua hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ ra đường phố Ankara để diễu hành tưởng nhớ các nạn nhân vụ đánh bom, bất chấp nguy cơ khủng bố. Lãnh đạo các quốc gia phương Tây đều lên tiếng chia buồn với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan hủy chuyến thăm Turkmenistan trong khi Bộ trưởng Nội vụ Selami Altinok tuyên bố sẽ không từ chức.

HIẾU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Thổ Nhĩ Kỳ