Xe lãnh sự quán Saudi Arabia bị tấn công tại Pakistan
Phóng to |
Đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ Adel al-Jubeir - Ảnh: Reuters |
Phóng to |
Nghi can Manssor Arbabsiar - Ảnh: Reuters |
Tại cuộc họp báo ở Washington ngày 11-10, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder tuyên bố hai người Iran có quan hệ với Lực lượng vệ binh cộng hòa Iran (IRGC) đã tìm cách thuê sát thủ của tổ chức buôn ma túy Mexico Los Zetas ám sát đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ Adel al-Jubeir. Ông Holder khẳng định hai nhân vật này còn muốn tổ chức các cuộc đánh bom đại sứ quán Israel ở Washington và đại sứ quán Saudi Arabia, Israel ở Argentina.
“Các quan chức cấp cao trong chính quyền Iran đã lên kế hoạch cho vụ ám sát” - Bộ trưởng Holder nhấn mạnh. Tổng thống Obama mô tả âm mưu ám sát này “vi phạm trắng trợn luật pháp Mỹ và quốc tế”. Đại sứ quán Saudi Arabia ở Washington chỉ trích đây là hành vi “đáng ghê tởm”. Mỹ đã tận dụng cơ hội để gây thêm sức ép lên Iran khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng các quốc gia trước đây ngần ngại trong việc cấm vận Iran giờ nên “cương quyết”. Washington đã cảnh báo các du khách Mỹ trên toàn thế giới về nguy cơ bị tấn công.
Như kịch bản phim Hollywood
Theo nguồn tin Bộ Tư pháp Mỹ, hồi tháng 5-2011 một người chỉ điểm của Cơ quan chống ma túy Mỹ (DEA) nằm vùng trong băng Los Zetas ở Mexico tiết lộ với các điệp viên Mỹ rằng một người mang hai quốc tịch Mỹ - Iran là Manssor Arbabsiar đã liên hệ với anh ta. Mục tiêu là thuê Los Zetas thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ. Arbabsiar, 56 tuổi, sống ở Texas, tin rằng người này là một thành viên thực thụ của Los Zetas.
Trong vòng hai tháng sau đó, Arbabsiar và người chỉ điểm của DEA thỏa thuận là Los Zetas sẽ sát hại đại sứ Saudi Arabia ở một nhà hàng tại Washington, nơi các quan chức Mỹ thường lui tới. Đổi lại, Arbabsiar sẽ chi cho băng Los Zetas 1,5 triệu USD. Khi người chỉ điểm của DEA cảnh báo một vụ đánh bom nhà hàng có thể làm nhiều người thiệt mạng, trong đó có cả các nghị sĩ Mỹ, Arbabsiar trả lời: “Chẳng có vấn đề gì”. Tất cả các cuộc đối thoại đều đã được người chỉ điểm ghi âm lại và trao cho nhà chức trách Mỹ.
Đầu tháng 8-2011, khi đến Iran, Arbabsiar đã chuyển khoản 100.000 USD “tiền đặt cọc” vào tài khoản của người chỉ điểm. Cuối tháng 9, hắn bay đến thành phố Mexico City với ý định làm “vật thế chấp” để đảm bảo Los Zetas sẽ được trả toàn bộ 1,5 triệu USD sau khi ám sát đại sứ Saudi Arabia. Nhưng chính quyền Mexico, sau khi được phía Mỹ thông báo, từ chối cho Arbabsiar nhập cảnh và tống hắn lên một máy bay bay sang New York. Arbabsiar bị bắt ngay tại sân bay.
Nhà chức trách Mỹ cho biết một nghi can khác cũng tham gia kế hoạch này cùng Arbabsiar là Gholam Shakuri. Bộ Tư pháp Mỹ xác định Shakuri, hiện đang ở Iran, là thành viên Lực lượng Quds, biệt đội đặc nhiệm của IRGC. Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller mô tả âm mưu ám sát này giống như một “kịch bản phim Hollywood”. “Nếu vụ ám sát được thực hiện, rất nhiều sinh mạng có thể đã bị cướp đi” - ông Mueller khẳng định.
Quá nhiều nghi vấn
Tehran đã phản ứng dữ dội. Trong thư gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki Moon, đại sứ Iran tại LHQ Mohammad Khazaee đã “cực lực phản đối các cáo buộc giả dối và vô căn cứ”. Các chuyên gia về Iran cũng tỏ ra nghi ngờ độ xác thực của vụ việc.
Giáo sư Rasool Nafisi, một học giả chuyên nghiên cứu về IRGC, cho rằng rất khó có khả năng lãnh đạo cao cấp của IRGC thông qua một âm mưu như vậy. “Lực lượng Quds hay IRGC hiếm khi hoạt động ở Mỹ do lo sợ bị trả đũa” - giáo sư Nafisi cho biết. Một số quan chức điều tra Mỹ cũng bày tỏ sự hoài nghi. “Đây là việc hoàn toàn nằm ngoài quỹ đạo hoạt động bình thường của họ” - một quan chức Mỹ khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết FBI phát hiện số tiền 100.000 USD mà Arbabsiar gửi cho người chỉ điểm của DEA xuất phát từ một tài khoản của Lực lượng Quds. Nghi can Arbabsiar cũng xác định đúng danh tính của một quan chức Lực lượng Quds, và anh họ của Arbabsiar cũng là thành viên lực lượng này. Một số quan chức tình báo Mỹ cho rằng có khả năng một số phần tử trong IRGC lập kế hoạch này mà không thông qua cấp lãnh đạo.
Cùng là hai quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, nhưng Iran và Saudi Arabia chưa bao giờ cơm lành canh ngọt. Người Saudi chủ yếu là người Hồi giáo Sunni, trong khi người Iran chủ yếu là người Hồi giáo Shi’ite. Cả hai nước thường xuyên đối đầu để tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận