26/02/2020 15:02 GMT+7

IAEA cam kết tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản làm sạch nhà máy Fukushima

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn còn hơn 4.700 thanh nhiên liệu đang nằm trong 3 lò phản ứng bị nóng chảy và hai lò phản ứng khác còn sót lại.

IAEA cam kết tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản làm sạch nhà máy Fukushima - Ảnh 1.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Đông Bắc Nhật Bản ngày 23/4/2019. Ảnh: TTXVN

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 25/2 cam kết tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản ngừng hoạt động một cách an toàn nhà máy điện hạt nhân Fukishima vốn bị hư hại nghiêm trọng trong thảm họa động đất - sóng thần năm 2011.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc gặp tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe đã thông báo với Tổng Giám đốc IAEA tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Fukishima.

Ông Grossi cho biết IAEA ủng hộ cách tiếp cận song song của Nhật Bản là làm sạch nhà máy điện Fukushima bên cạnh nỗ lực tái thiết địa phương vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong thảm họa cách đây 9 năm.

Trước đó, khi bắt đầu cuộc gặp có sự tham gia của báo giới, Thủ tướng Abe nhấn mạnh Nhật Bản có mối quan hệ đặc biệt với IAEA vì nước này từng trải qua các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.

Sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011, hiện còn hơn 4.700 thanh nhiên liệu vẫn đang nằm trong 3 lò phản ứng bị nóng chảy và hai lò phản ứng khác còn sót lại tại nhà máy hạt nhân Fukushima.

Đây là những mối nguy hiểm tiềm tàng bởi nếu xảy ra một thảm họa khác, các thanh này có thể nóng chảy và giải phóng lượng lớn phóng xạ.

Hồi tháng 12/2019, Nhật Bản đã điều chỉnh lộ trình làm sạch nhà máy điện hạt nhân Fukishima tuy nhiên vẫn giữ nguyên khung thời gian thực hiện dự kiến kéo dài từ 30 đến 40 năm kể từ năm 2011.

Ước tính chi phí làm sạch nhà máy Fukushima có thể lên tới 8.000 tỉ yen (73 tỉ USD), cộng với chi phí đền bù, làm sạch các khu vực xung quanh có thể lên tới 22.000 tỉ yen (200 tỉ USD).

Nhật Bản cũng cần khoảng 10.000 công nhân mỗi năm trong những năm tới để thực hiện những công việc này và 1/3 trong số này sẽ làm việc tiếp xúc với nước nhiễm phóng xạ.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên