Điền kinh Nga đang đứng trước nguy cơ bị cấm thi đấu ở Olympic 2016 vì bê bối doping và tham nhũng được công bố trong bản báo cáo của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) hôm 9-11.
Điền kinh Nga đang hồi hộp chờ phán quyết từ IAAF. Ảnh: BBC |
Trước thời hạn cuối cùng mà IAAF yêu cầu Nga có câu trả lời chính thức về những cáo buộc nói trên, Liên đoàn điền kinh Nga (ARAF) đã phản hồi vụ việc bằng một bản báo cáo gửi đến IAAF. Từ phản hồi này, IAAF sẽ tiến hành một cuộc họp với 26 thành viên để quyết định có cho phép điền kinh Nga dự Olympic Rio de Janiero 2016. Theo AFP, cuộc họp (họp trực tuyến) diễn ra vào lúc 18g (giờ GMT, khoảng 1g sáng 14-11, giờ VN).
Theo Hãng tin BBC, ARAF đang hy vọng các VĐV của họ sẽ không bị cấm tham dự Olymic 2016 tại Brazil sau khi thực hiện hàng loạt những thiện chí và nỗ lực khắc phục "hậu quả". Đầu tiên, ARAF đã lên tiếng thừa nhận có “một số vấn đề” doping như trong cáo buộc của WADA. Ông Vadim Zelichenok - quyền chủ tịch ARAF cho biết: "Trong báo cáo gửi IAAF, chúng tôi đồng ý với một số vấn đề và WADA đã nêu ra. Tuy nhiên, chúng tôi đã giải thích rõ ràng rằng, "tất cả các bất thường" đã xảy ra dưới thời của những lãnh đạo cũ của ARAF".
Theo Hãng tin Reuters, Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko cho biết Nga sẵn sàng thành lập một tổ chức chống doping mới nếu IAAF hoặc WADA yêu cầu. Trước đó, WADA đã đình chỉ hoạt động của phòng thí nghiệm chống doping của Nga vì cho rằng các thành viên của nơi này đã nhận hối lộ để che giấu cho các VĐV Nga..
Diễn biến vụ doping và tham nhũng trong làng điền kinh thế giới Ngày 3-12-2014: Đài truyền hình Đức ARD cho phát sóng phim tài liệu: “Hồ sơ doping bí mật”- Nga đã sản xuất ra những người chiến thắng như thế nào (kéo dài 60 phút) cáo buộc các VĐV Nga sử dụng doping có hệ thống và được sự “hỗ trợ của chính phủ”. Ngày 5-12-2014: Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) kêu gọi điều tra về cáo buộc doping nói trên. Ngày 11-12-2014: Chủ tịch ARAF kiêm Giám đốc tài chính Liên đoàn điền kinh Quốc tế (IAAF) là ông Valentin Balakhnichev cùng Papa Masssta Diack (con trai chủ tịch IAAF Lamine Diack) - cựu cố vấn của IAAF - quyết định từ chức vì những cáo buộc tham nhũng. Ngày 16-12-2014: WADA thành lập một Ủy ban độc lập gồm ba người đứng đầu là cựu Giám đốc WADA Dick Pound (Canada). Ủy ban này tiến hành điều tra, xem xét về những cáo buộc doping và tham nhũng được đưa ra bởi kênh truyền hình Đức ARD vào ngày 3-12. Ngày 1-8-2015: Thêm một cơn rúng động nữa khi đài truyền hình Đức ARD phát sóng tập phim tài liệu thứ hai: “Doping tối mật- Bóng tối của làng điền kinh thế giới”. Bộ phim tài liệu này đưa ra cáo buộc doping nhắm vào các VĐV Nga và Kenya. Kênh truyền hình ARD và nhật báo The Sunday Times (Anh) cho biết, họ đã tiếp cận được kết quả của 12.000 cuộc xét nghiệm máu từ 5.000 VĐV và nhận thấy một mức độ “gian lận không thể tưởng tượng” trong làng điền kinh thế giới. Phóng sự này cũng cáo buộc IAAF “đồng lõa” khi đã không theo dõi những kiểm tra đáng ngờ của hàng trăm VĐV bao gồm một số nhà vô địch thế giới và các HCV Olympic. Ngày 19- 8-2015: Ông Sebastian Coe (Anh) đắc cử chủ tịch IAAF sau những tuyên bố quyết liệt về việc diệt trừ vấn nạn doping. Ngày 4-11-2015: Cảnh sát tại thủ đô Paris (Pháp) buộc tội cựu chủ tịch IAAF Lamine Diack (82 tuổi, Senegal) tham nhũng và nhận hối lộ để bao che cho các VĐV sử dụng doping. Ông Diack cũng bị buộc tội rửa tiền. Cố vấn pháp lý của ông Diack là Habib Cisse và cựu bác sỹ chống doping của IAAF Gabriel Dolle bị buộc tội tương tự. Ngày 6-11-2015: IAAF hủy buổi lễ Gala trao giải hàng năm dự kiến diễn ra ngày 28-11. Nguyên nhân được chủ tịch Coe giải thích là: “Không phải thời điểm thích hợp để tổ chức Gala trong khi môn điền kinh đang ở thời điểm vô cùng đen tối”. Ngày 9-11-2015: WADA công bố bản báo cáo điều tra doping và kêu gọi cấm các VĐV Nga thi đấu tại Olympic Rio vì phát hiện những VĐV nước này sử dụng doping có hệ thống và được "chính phủ ủng hộ". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận