12/03/2011 06:39 GMT+7

Hyundai - Vinashin lại sử dụng hạt Nix: Bộ cấm, tỉnh cho phép

X.LONG - N.N. - V.T.
X.LONG - N.N. - V.T.

TT - Trước thông tin Hyundai-Vinashin (HVS) đã sử dụng hạt nix mới, chiều 11-3 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên cho biết hiện bộ mới chỉ tiếp nhận thông tin HVS tiếp tục vận chuyển nix thải ra đổ tại bãi qua báo chí.

Read this on Tuoitrenews.vn

ajEOfoSl.jpgPhóng to
Xe tải đổ hạt nix sát chân núi chiều 11-3 - Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Hyundai-Vinashin lại thải hạt nix: Yêu cầu Khánh Hòa báo cáoHyundai - Vinashin đã sử dụng hạt nix mới

Về việc HVS tiếp tục chuyển nix thải ra bãi, ông Nguyên nói bộ đã yêu cầu Sở TN-MT Khánh Hòa báo cáo chính thức bằng văn bản. Đồng thời khẳng định việc sử dụng số hạt nix mới nhập trong điều kiện hiện nay là trái với kết luận của Bộ TN-MT khi việc xây dựng nhà máy xử lý nix thải chưa hoàn thành.

Cũng chiều qua, Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến cho biết ngay sau khi có thông tin HVS vận chuyển nix thải từ nhà máy đổ ra bãi chứa, giám đốc Sở TN-MT Khánh Hòa Lê Mộng Điệp khẳng định đây là số nix thải còn tồn lại trong nhà máy, riêng số hạt nix mới nhập 20.000 tấn vẫn đang được niêm phong.

Ông Tuyến nói sẽ yêu cầu Sở TN-MT Khánh Hòa báo cáo cụ thể bằng văn bản về việc HVS chuyển nix thải ra bãi, đặc biệt là việc tỉnh Khánh Hòa cho phép HVS sử dụng số hạt nix mới nhập.

“Riêng số hạt nix mới nhập, Bộ TN-MT đã có kết luận. Việc tổ chức giám sát không cho HVS sử dụng số hạt nix 20.000 tấn nhập từ cuối năm 2009 thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa” - ông Tuyến nói.

Trước thông tin việc lập dự án xây dựng nhà máy chỉ là cái cớ, tạo điều kiện cho HVS được tiếp tục sử dụng số hạt nix 20.000 tấn mới nhập, thực tế cho thấy sau nhiều tháng triển khai nhà máy này vẫn chỉ là bãi đất trống, còn công nghệ hoàn nguyên của dự án vẫn chưa có kết luận thẩm định.

Ông Nguyên nói: “Việc thẩm định công nghệ do Bộ Khoa học - công nghệ thực hiện. Còn việc thúc đẩy tiến độ xây dựng nhà máy không thuộc trách nhiệm của bộ, các cơ quan của tỉnh Khánh Hòa phải có trách nhiệm”.

Trong khi đó ngày 11-3, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý với đề xuất của Sở TN-MT cho phép HVS được sử dụng một phần trong số 20.000 tấn nix nhập khẩu năm 2009 để phục vụ sửa chữa tàu biển, thời gian sử dụng đến ngày 31-3-2011.

Doanh nghiệp chỉ được sử dụng nguyên liệu nix để phun trong hầm tàu, đảm bảo không phát tán bụi phế thải nix ra môi trường.

Cùng ngày, ông Cao Tấn Dũng - phó tổng giám đốc HVS - nói thực hiện sự cho phép của UBND tỉnh Khánh Hòa, HVS đã sử dụng 4.000 tấn nix từ số lượng 20.000 tấn nhập hồi tháng 12-2009 để dùng cho việc sửa chữa tàu Horizon. Đây là con tàu cuối cùng HVS nhận sửa chữa.

Về việc HVS vận chuyển nix từ nhà máy ra bãi chứa, theo ông Dũng, có sự chấp thuận của Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa tại công văn ký ngày 3-3. Đến ngày 7-3, HVS bắt đầu cho chở 31.156 tấn nix ra khỏi nhà máy, trong đó có 15.156 tấn nix đã qua sử dụng và 16.000 tấn nix chưa sử dụng.

Việc vận chuyển nix được Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa cho phép kéo dài đến cuối tháng 4-2011.

Trả lời câu hỏi nhà máy xử lý phế thải nix do Công ty cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội đang đầu tư không thành hiện thực, HVS sẽ làm gì với núi nix khổng lồ đang tồn tại, ông Cao Tấn Dũng - phó tổng giám đốc HVS - nói: “Chúng tôi sẽ bán cho các nhà máy ximăng làm phụ gia. Hiện đã có Nhà máy ximăng Quảng Bình liên hệ với chúng tôi để cung cấp cho họ 60.000 tấn nix thải/năm”.

Theo ông Dũng, có nhiều nhà máy ximăng muốn mua nix thải làm phụ gia: “Hiện ở Việt Nam, có không dưới bốn nhà máy ximăng có công nghệ dùng nix thải làm phụ gia. Chúng tôi sẽ bán nix thải cho các nhà máy này”.

● Từ khi đi vào hoạt động, năm nào HVS cũng nhập hàng chục nghìn tấn nix và bắt đầu từ năm 2004 nhập trên 100.000 tấn nix/năm.

Báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa ở thời điểm tháng 9-2006 cho thấy việc sử dụng hạt nix trong sửa chữa tàu biển đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của nhân dân hai thôn Ninh Yểng và Mỹ Giang thuộc xã Ninh Phước (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa).

UBND tỉnh yêu cầu HVS phải thực hiện nghiêm nhiều biện pháp tạm thời để hạn chế ô nhiễm môi trường do hạt nix.

● Đầu năm 2007, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ xử phạt HVS 85 triệu đồng với các vi phạm như xả nước thải có chứa chất nguy hại vượt tiêu chuẩn cho phép, không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, gây ô nhiễm không khí...

Đồng thời buộc HVS trong thời hạn 180 ngày phải xử lý các nguồn thải đạt tiêu chuẩn cho phép; phải có giải pháp, lộ trình cụ thể xử lý triệt để ô nhiễm, trong đó có hạt nix.

● Tháng 2-2007, Bộ Tài nguyên - môi trường báo cáo Thủ tướng việc xử lý ô nhiễm tại HVS, trong đó nhấn mạnh nếu không có biện pháp khả thi để xử lý chất thải phát sinh, HVS phải dừng công đoạn phát thải hạt nix, chuyển công nghệ phù hợp với tiêu chí đảm bảo môi trường.

Bộ Tài nguyên - môi trường cấm HVS không được đổ, thải nix thải ra biển dưới mọi hình thức, đồng thời đề nghị không cho mở bãi chứa nix thứ hai.

Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên - môi trường kiến nghị Thủ tướng cho phép HVS gia hạn thời gian thực hiện các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quyết định của Thủ tướng đến hết ngày 31-12-2007 (thay vì hết năm 2006), trong đó có nix thải.

“Quá thời hạn nêu trên, nếu HVS không nghiêm chỉnh chấp hành sẽ bị tạm thời đình chỉ hoặc cấm hoạt động theo quy định của Luật bảo vệ môi trường” - Bộ Tài nguyên - môi trường nhấn mạnh.

● Cuối năm 2008, Bộ Tài nguyên - môi trường tiếp tục báo cáo Thủ tướng về “tình hình chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của HVS”. Đến thời điểm này lượng nix thải đã lên đến gần 800.000 tấn.

Bộ Tài nguyên - môi trường kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa tạm dừng việc xem xét cho HVS nhập khẩu hạt nix tới khi có biện pháp xử lý xong nix thải. Yêu cầu HVS có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xử lý nix vào cuối năm 2010.

● Năm 2009, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa có văn bản kiến nghị trung ương cho phép HVS tiếp tục được nhập nix. Tỉnh này nói rằng do suy thoái kinh tế, nhiều hợp đồng hoán cải, đóng mới tàu biển đã bị hủy, trong khi sửa chữa không được phép thực hiện nên HVS sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của hàng nghìn lao động.

Được UBND tỉnh Khánh Hòa “bật đèn xanh”, HVS cho cập cảng 20.000 tấn nix vào cuối năm 2009 trong lúc hàng trăm nghìn tấn nix thải vẫn chưa được xử lý. Lần nhập nix này bị Bộ Tài nguyên - môi trường yêu cầu không được sử dụng đến khi nhà máy xử lý nix thải hoàn thành.

Thế nhưng HVS được cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa cho phép sử dụng một phần trong số 20.000 tấn nix nhập mới.

● Ngày 8-12-2009, Công ty Cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội khởi công xây dựng Nhà máy xử lý hạt nix phế thải Ninh Thủy (Khánh Hòa). Nhà máy này có công suất 330.000 tấn, nằm trên diện tích 25ha ở phía nam Khu kinh tế Vân Phong, với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, được xem là dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Dự lễ khởi công có ông Phạm Khôi Nguyên - bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường.

Theo kế hoạch, tháng 3-2011 nhà máy đi vào hoạt động, nhưng đến nay công trình vẫn chỉ là bãi đất trống.

X.LONG - N.N. - V.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên