07/09/2012 07:40 GMT+7

Huyện Nhà Bè (TP.HCM): Xã nào cũng có dự án "treo"

D.NGỌC HÀ
D.NGỌC HÀ

TT - Ngày 6-9, Ủy ban MTTQ TP.HCM tiếp tục giám sát về việc thực hiện quy hoạch tại huyện Nhà Bè. Cuộc giám sát cho thấy trên địa bàn huyện có 17 dự án “treo”, chiếm 70% tổng diện tích các dự án (hơn 630ha).

Dự án “treo” nằm rải rác khắp các xã. Nhiều dự án được giao đất từ năm 2003, 2004 nhưng đến nay chưa san lấp, chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa triển khai thi công. Nhà đầu tư gồm nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong nước và nước ngoài, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP cũng như tập thể cán bộ công nhân viên...

oYk38tEb.jpgPhóng to
Gia đình bà Trần Thị Kia (ấp 2, xã Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM) chưa di dời do chủ đầu tư chưa giao nền nhà - Ảnh: T.T.D.

14 năm chưa đền bù xong

Xã Phước Kiển có đến bảy dự án “treo” với diện tích gần 120ha. Trong đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP là chủ đầu tư hai dự án “treo” có diện tích trên 45ha. Quy mô các dự án “treo” đa dạng, dự án nhỏ nhất có diện tích chưa đến 1ha, dự án lớn nhất là khu đô thị Nhơn Đức - Phước Kiển có diện tích 350ha.

Theo UBND huyện Nhà Bè, bức xúc nhất là dự án khu đô thị Nhơn Đức - Phước Kiển (xã Nhơn Đức và xã Phước Kiển). Dự án này được quy hoạch năm 1998, UBND TP giao đất năm 2006 cho Công ty GS (Hàn Quốc) theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. UBND huyện Nhà Bè đã giải phóng 80% mặt bằng, phần còn lại bị ngưng từ đầu năm đến nay do thiếu tiền. Hiện dự án này chưa có đất để bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất, UBND huyện Nhà Bè chưa có nền đất để giao cho 224 trường hợp hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở. Một số trường hợp hộ dân đồng ý hoán đổi đất nông nghiệp đã thay đổi ý kiến, xin nhận tiền bồi thường nhưng UBND huyện chưa có tiền trả cho dân. Dự án còn khoảng 50 hộ dân chưa được nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Các hộ dân rất bức xúc bởi từ khi đất bị quy hoạch thành khu đô thị đến nay đã 14 năm mà mọi chuyện vẫn chưa đâu vào đâu. Ông Bùi Văn Chín (ở ấp 2) cho biết ông chứng kiến nhiều người dân giao đất cho Nhà nước nhưng chưa nhận đủ tiền bồi thường, tiền tạm cư chỉ được trả một đợt đầu, còn những đợt sau thì chưa có. Năm ngoái, ông Chín đang nuôi cá thì cán bộ làm công tác bồi thường kêu ông phải xả ao, bán cá để chuẩn bị giao đất cho Nhà nước. Từ đó đến nay, ông Chín không nuôi cá, bỏ hoang ao. “Quy hoạch treo khiến dân ở đây khổ cả chục năm, giờ muốn giao đất cho Nhà nước để đi lập nghiệp ở nơi khác cũng không được” - ông Chín than.

Thêm 700ha có nguy cơ chậm triển khai

Quy hoạch khó nhất ở huyện này là khu 12,5ha trung tâm thể dục thể thao. Từ khi có quy hoạch vào năm 2005 đến nay, khu thể dục thể thao này vẫn chưa có nhà đầu tư. UBND huyện muốn thu nhỏ khu quy hoạch còn 4ha nhưng chưa được UBND TP đồng ý.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Nhà Bè còn hơn 40 dự án đã được chấp thuận địa điểm đầu tư với tổng diện tích khoảng 700ha. Đến nay các chủ đầu tư đang ở giai đoạn điều chỉnh quy hoạch, trong đó có nhiều dự án đã quá hạn 12 tháng. Dù các dự án này chưa có quyết định thu hồi đất nhưng một khi nhà đầu tư đã được chấp thuận địa điểm làm dự án nơi nào thì quyền lợi về đất của người dân trong khu vực bị “treo” một cách tự phát: dân muốn bán đất không ai mua, muốn thế chấp vay tiền làm ăn cũng không được...

Trước tình hình tồn tại nhiều quy hoạch “treo”, UBND huyện Nhà Bè có nhiều kiến nghị với đoàn giám sát. Theo đó, UBND TP cần có cơ chế hỗ trợ trong trường hợp nhà đầu tư đã thỏa thuận bồi thường được trên 80% diện tích đất mà gặp khó khăn, không thể thỏa thuận tiếp với những hộ dân còn lại. Có như vậy, chủ đầu tư mới nhanh chóng có đất triển khai dự án. UBND TP cũng cần xây dựng quy trình cụ thể hướng dẫn và ưu tiên vốn để UBND các quận, huyện mua lại quỹ nhà đất của doanh nghiệp để sử dụng cho mục đích tái định cư.

Về vấn đề xác định đối tượng hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp, đại diện UBND huyện này cho rằng quy định hiện hành về bồi thường giải phóng mặt bằng... hiện nay chưa hợp lý. Theo quy định này, người có đất nông nghiệp bị thu hồi phải đáp ứng ba điều kiện mới được nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ 1,5-5 lần giá đất ở trung bình trong khu vực. Đó là các điều kiện: phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp và diện tích đất được nhận hỗ trợ bị khống chế. Trong đó, điều kiện có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp phải được UBND cấp xã xác nhận. “Cách làm này dễ xảy ra tiêu cực. UBND xã có cảm tình với ai thì xác nhận người đó có thu nhập chính từ nông nghiệp, không thì ngược lại. Chỉ nên căn cứ mục đích sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hỗ trợ người dân” - đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè kiến nghị.

Đằng đẵng sống tạm cư

Tám năm trôi qua. Từ khi di dời nhà cửa, giải tỏa đất đai, nhiều gia đình vẫn sống tạm cư như lúc dự án chưa ra đời.

Đó là chuyện xảy ra tại dự án trung tâm thương mại Bình Điền (giai đoạn 2) thuộc P.7, Q.8 (TP.HCM). Từ năm 2004, các hộ dân này vẫn sống lây lất suốt tám năm qua, mỏi mòn chờ đợi được giao đất tái định cư.

Lây lất nhiều năm

UBND Q.8 cho biết tại dự án trung tâm thương mại Bình Điền có 164 trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư và hoán đổi đất. Trong đó có 47 trường hợp đang sống tạm cư đã nhiều năm. Từ ngày tạm cư đến nay, mỗi người trong hộ gia đình được trả 300.000 đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Hoa - một người sống tạm cư - nói từ năm 2005 gia đình phải mướn 50m2 đất của Hợp tác xã Phú Sơn để cất nhà ở tạm chờ giao nền tái định cư. Chị Nguyễn Thị Kim Tuyền (35 tuổi), một nách hai con, cũng sống trong căn nhà tạm bợ chờ tái định cư. Chị cho biết lúc giải tỏa nhà cửa, đứa con thứ nhất mới 5 tuổi, nay cháu đã học lớp 8. Còn cháu thứ hai chưa sinh ra, nay đã lên 3.

Ai chịu trách nhiệm?

Dự án trung tâm thương mại Bình Điền (hay còn gọi là chợ đầu mối Bình Điền), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn được giao làm chủ đầu tư. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tháng 5-2004, Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu quận 1 (Fimexco) được giao làm chủ đầu tư khu tái định cư (trước đó giao cho Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco). Đến tháng 3-2007, khu tái định cư này lại chuyển sang chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Phú Mỹ Lợi.

Sau nhiều lần chuyển chủ đầu tư, đến nay người bị giải tỏa chưa nhận được nền tái định cư sau tám năm di dời nhà cửa. Báo cáo của UBND Q.8 cho biết qua kiểm tra thực tế khu tái định cư cho thấy một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật vẫn còn thiếu và chưa hoàn chỉnh (cấp điện, nước, cao độ nền chưa đạt yêu cầu...). Giải quyết bức xúc trên, tại buổi làm việc sáng 6-9, ông Phạm Văn Đông - trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP - đề nghị phải hoàn thành giao nền đất tái định cư cho 47 hộ dân đang tạm cư trước ngày 20-9. Cũng cần nhắc lại, tại buổi làm việc với Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP hôm 26-7, thời hạn giao nền tái định cư được cam kết trước ngày 25-8 nhưng đã lỗi hẹn.

Ngoài ra, cả 47 hộ dân đang tạm cư đều thuộc diện phải nộp tiền giá trị chênh lệch giữa nơi ở cũ và nơi ở mới. Số tiền phải bù thấp nhất là 4 triệu đồng, cao nhất là 210 triệu đồng. Trong khi đó các văn bản thỏa thuận với người dân khi thu hồi đất là họ được hoán đổi ngang, nên tất cả đều không đồng ý nộp số tiền chênh lệch này. UBND Q.8 đã có công văn đề nghị Hội đồng thẩm định bồi thường TP, Sở Tài chính TP xem xét xác định lại đơn giá tái định cư sao cho giá bán tái định cư phải ngang bằng hoặc không cao hơn giá bồi thường để các hộ dân không phải bù tiền chênh lệch.

Đại diện Công ty Phú Mỹ Lợi cho biết trong số 400 nền tái định cư, hiện có 130 nền đất đủ điều kiện hạ tầng cần thiết để bố trí tái định cư cho người dân. Công ty kiến nghị UBND Q.8 tổ chức bốc thăm, bố trí 47 hộ dân vào khu vực này.

D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên