02/10/2005 06:12 GMT+7

Chống tham nhũng và cải cách hành chính

LÊ VĂN TỨ
LÊ VĂN TỨ

TTCN - Tham nhũng khó có thể xảy ra nếu có một cơ chế quản lý tốt. Vì vậy cơ chế quản lý là khâu quyết định nhất trong hệ thống biện pháp chống tham nhũng.

1. Vì công cụ quản lý chủ yếu của Nhà nước là pháp luật, nên khi nói tới chống tham nhũng bằng cơ chế quản lý, trước hết phải nói đến một hệ thống pháp luật có chất lượng, đủ để điều chỉnh được các mặt hoạt động chủ yếu của xã hội và được thực thi nghiêm minh, không dung thứ tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên mở dưới đóng” hoặc “vượt rào”. Không nên kỳ vọng loại trừ được tham nhũng chỉ bằng luật chống tham nhũng, mà phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của nhà nước pháp quyền và của quần chúng.

2. Vì chỉ những người nắm giữ quyền lực (quan chức) mới có cơ hội tham nhũng, nên vấn đề xác định giới hạn quyền lực của Nhà nước, từng cơ quan nhà nước, từng chức danh tự nó đã hạn chế cơ hội tham nhũng. Không có quyền làm sao tham nhũng, quyền ít làm sao tham nhũng nhiều. Đây là một vấn đề cực khó, nếu quan điểm “dân được làm những gì pháp luật không cấm” và “quan chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” chưa trở thành tư duy chủ đạo trong chế định pháp luật, nếu quan điểm “sức quản đến đâu, mở đến đó” còn chưa bị từ bỏ.

Muốn vượt qua khó khăn này, phải có tư duy mới về vai trò của Nhà nước trong điều kiện hiện nay, khi kinh tế thị trường đã thay thế kinh tế kế hoạch hóa - bao cấp, khi chức năng của Nhà nước là quản lý vĩ mô bằng pháp luật trên cơ sở tôn trọng quyền tự do làm ăn, sinh sống của dân.

Cần hiểu nghĩa mới của khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó Nhà nước làm đúng việc Nhà nước phải làm, nhân dân làm đúng việc của nhân dân. Làm được vậy, các cơ quan nhà nước chắc chắn sẽ không còn ôm đồm, làm không xuể, lại bao biện và không sát thực tế. Phải xác định lại rõ ràng giới hạn quyền của Nhà nước, không để rộng bao la như hiện nay. Bộ máy nhà nước sẽ gọn nhẹ, công chức dễ tinh thông nghiệp vụ, năng suất và chất lượng công tác tăng, biên chế giảm, có điều kiện cải cách tiền lương.

3. Từ Quốc hội khóa IX đến nay, công tác lập pháp đã có những thành tựu đáng kể nhưng so với yêu cầu vẫn còn bất cập: a) Về số lượng, còn thiếu nhiều luật. b) Về chất lượng, nhiều luật còn mang tính định hướng hơn là tính qui phạm. Vì luật còn thiếu cụ thể nên chưa tự đi được vào cuộc sống và phụ thuộc nhiều vào văn bản dưới luật.

Hệ quả: các cơ quan hành pháp (đội ngũ quan chức) có vai trò khá quyết định về lập pháp, không những dự thảo luật mà còn ban hành những văn bản thi hành luật. Đó là điều kiện tạo cho hành pháp, ngay từ văn bản pháp qui, giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho dân, biến họ từ đối tượng được phục vụ thành bị quản lý, biến quyền của họ được hưởng thành phải xin. Cơ chế xin - cho muốn bỏ mà không bỏ được là vì thế.

Những bất cập nêu trên tạo môi trường cho tham nhũng dễ nảy nở. Muốn khắc phục, phải đổi mới tư duy lập pháp theo hướng thu hẹp phạm vi ban hành văn bản pháp qui của hành pháp. Và việc này cũng cần không ít thời gian.

4. Song song và trên cơ sở hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, việc xây dựng chế độ công vụ có tầm quan trọng đặc biệt nhằm công bố công khai, rõ ràng, đơn giản mọi quyền của dân, mọi thủ tục hành chính, mọi việc mà mỗi chức danh công chức được làm, vừa ngăn chặn lạm quyền, vừa tạo công cụ kiểm soát công chức. Đó cũng là điểm gặp nhau giữa chống tham nhũng với cải cách hành chính.

Phải nói rằng trong cải cách hành chính, chúng ta đã rất chú ý công việc này qua xây dựng cơ chế “một cửa một dấu” và “dịch vụ hành chính công”. Song kết quả vẫn còn xa so với mong muốn vì nhiều người chỉ nghĩ đó là cách giảm phiền hà cho dân, chưa nghĩ đó cũng là nhằm lành mạnh hóa bộ máy nhà nước.

5. Xử lý nghiêm về mặt hành chính và hình sự mọi vi phạm là một nhân tố bảo đảm cơ chế quản lý được thực thi. Không làm được điều này đồng nghĩa với vô hiệu hóa toàn bộ cơ chế.

LÊ VĂN TỨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên