06/12/2017 10:29 GMT+7

Huy động vàng trong dân, lo vàng hóa trở lại

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Câu chuyện huy động 300-500 tấn vàng trong dân lại nóng trở lại khi Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến về Nghị định 24. Liệu có dẫn đến tình trạng vàng hóa trở lại?

Huy động vàng trong dân, lo vàng hóa trở lại - Ảnh 1.

Đang có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến đề xuất NH Nhà nước sẽ độc quyền huy động vàng miếng và kinh doanh vàng trên tài khoản. Trong ảnh: giao dịch vàng tại Công ty SJC - Ảnh: THUẬN THẮNG

Đề xuất của Ngân hàng Nhà nước được nêu ra trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. 

Trước đó, tại nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước chỉ độc quyền trong việc sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Bà Thu Nguyệt (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết bên cạnh việc gửi tiết kiệm bằng VND, gia đình bà lâu nay vẫn giữ thói quen tích cóp một ít vốn vàng. 

Từ cuối năm 2012 đến nay, khi các ngân hàng không còn huy động vốn vàng mà chỉ giữ hộ có thu phí, gia đình bà đã cất vàng ở nhà dù không yên tâm.

"Sau khi đọc thông tin này, tôi hiểu là Nhà nước sẽ lại huy động vàng. Nhưng tôi muốn biết cụ thể hơn khi nào sẽ huy động, cách thức thế nào, có trả lãi hay không. Khi muốn gửi sẽ gửi ở các ngân hàng thương mại hay phải đến Ngân hàng Nhà nước?", bà Nguyệt thắc mắc.

Trong khi đó, ông Quốc Vũ (Q.3) băn khoăn trước đây có một số ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước phát hành chứng chỉ vàng hay còn gọi là vàng giấy để huy động vốn vàng trong dân. 

"Vậy chúng tôi khi gửi vàng có thể rút vốn bằng vàng hay phải quy ra VND?", ông Vũ nói.

Chuyên gia Trần Thanh Hải cũng bày tỏ băn khoăn với việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất độc quyền huy động vốn vàng, bởi Ngân hàng Nhà nước không có mạng lưới rộng, chưa kể vấn đề kiểm đếm vàng khá phức tạp.

"Liệu Ngân hàng Nhà nước có đủ lực lượng để làm việc này hay không? Sao không thông qua các ngân hàng thương mại vì họ có mạng lưới rất rộng phủ khắp cả nước, đồng thời có lực lượng chuyên môn để lo việc kiểm tra chất lượng", ông Hải đề xuất.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp huy động vàng trong dân. Năm 2016, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam từng kiến nghị thành lập sở giao dịch vàng quốc gia và thông qua đó, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. Tuy nhiên đến nay, ý tưởng này vẫn chưa thành hiện thực.

Không có số thống kê chính xác về lượng vàng còn trong dân. Nhưng có một con số ước tính được nhiều người nhắc đến là khoảng 300 - 500 tấn vàng. 

Nếu số này là có thực và giả sử huy động được một nửa số này đem hoán đổi thành ngoại tệ sẽ lên tới hàng chục tỉ USD phục vụ phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, cần có tính toán cụ thể để không dẫn đến tình trạng vàng hóa. 

"Hiện lãi suất huy động USD đang ở mức 0%, nếu trong trường hợp nâng lãi suất vàng lên mức hấp dẫn để huy động vốn vàng, người dân sẽ đua mua vàng gửi và khi đó sẽ trở lại tình trạng vàng hóa như trước đây. Nhưng nếu để lãi suất 0% hoặc lãi suất âm, tức gửi phải trả phí, liệu có huy động được vàng trong dân không?", ông Hải nói.

Do đó, ông Hải cho rằng quan trọng nhất là kế hoạch sử dụng vốn vàng huy động từ người dân thế nào bởi nếu huy động về cất kho thì không hợp lý, đồng thời kiến nghị giải pháp Ngân hàng Nhà nước thế chấp vốn vàng huy động từ người dân để huy động trái phiếu nhằm mang ngoại tệ về phục vụ nền kinh tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, với việc độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã dập tắt được cơn sốt vàng, góp phần ổn định tỉ giá. Tuy nhiên, chuyện Ngân hàng Nhà nước độc quyền huy động vàng cần được thảo luận thêm.

"Cũng cần có thông tin cụ thể hơn cho người dân, doanh nghiệp về phương án huy động vốn vàng nhàn rỗi. Chẳng hạn, người dân gửi vàng có quyền rút vàng hay không? Sau khi huy động xong, vàng đó kinh doanh thế nào, quản trị rủi ro thế nào? Nếu có lãi sẽ đưa vào đâu và lỗ sẽ lấy gì bù?", ông Bảo nêu ý kiến.

Từng tốn kém để dừng huy động vàng

Trước đây Ngân hàng Nhà nước đã từng cho các ngân hàng thương mại huy động vàng, sau đó bộc lộ nhiều bất cập như tình trạng "vàng hóa", nạn đầu cơ dẫn đến nhiều đợt biến động tỉ giá USD và vàng, nhiều ngân hàng và cá nhân đã thua lỗ lớn do kinh doanh vàng.

Sau đó, buộc Ngân hàng Nhà nước phải tốn kém nhiều ngoại tệ để nhập vàng để các ngân hàng kết thúc huy động vàng.

Và kể từ ngày 25-11-2012, hoạt động huy động vàng của các ngân hàng đã bị chấm dứt, thay vào đó là chỉ giữ hộ vàng có thu phí với mức khoảng 0,05%/năm.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên