02/01/2013 00:00 GMT+7

Huy động trí tuệ và tâm huyết của dân

ĐINH XUÂN THẢO (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội), VÕ VĂN THÀNH ghi
ĐINH XUÂN THẢO (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội), VÕ VĂN THÀNH ghi

TT - Khởi đầu từ hôm nay và kết thúc vào cuối tháng 3 tới, lịch sử lập hiến nước ta sẽ ghi nhận trang trọng về khoảng thời gian này với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bất cứ ở đâu, sửa đổi hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia.

Ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nên người dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.

Nếu như Hiến pháp của một số nước có những chương, những điều khoản không bao giờ được đưa ra sửa đổi thì với nước ta, lần này nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nghĩa là người dân có thể góp ý vào 11 chương và 124 điều kể từ lời nói đầu trở đi cho đến kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Tuy nhiên, để việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thật sự đạt chất lượng, hiệu quả, khâu quan trọng đầu tiên cần làm tốt là tổ chức giới thiệu đầy đủ, chính xác và sâu sắc về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp này. Đặc biệt, người dân sẽ muốn biết kỹ lưỡng những điểm mới so với Hiến pháp hiện hành, vì sao lại có những nội dung mới đó và liệu những nội dung mới sẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn tiếp theo như thế nào?

Như vậy bên cạnh việc giới thiệu toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một cách đơn thuần, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các chuyên gia lập hiến có liên quan cần tích cực thông qua nhiều kênh khác nhau để phân tích làm rõ những tư tưởng lớn cũng như về từng quy định cụ thể đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Thông qua đó, người dân sẽ hiểu biết đầy đủ, toàn diện và tiếp cận chính xác hơn ý tưởng được đưa ra trong dự thảo để làm cơ sở cho việc góp ý. Đơn cử như so với dự thảo trình Quốc hội hồi tháng 10, bản dự thảo được công bố có một số điều chỉnh cụ thể như thêm thiết chế Hội đồng Hiến pháp bên cạnh các thiết chế khác như Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Vậy vai trò cụ thể của các thiết chế này ra sao, tính độc lập đến đâu?

Việc quan trọng tiếp theo là tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Chắc rằng mỗi người dân cũng như các tổ chức khi đặt bút tham gia vào công việc hệ trọng này đều muốn ý kiến đóng góp của mình được tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Cuối cùng, các chuyên gia trong ban biên tập trực thuộc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần dõi theo sát sao ý kiến góp ý của nhân dân. Qua tổng hợp thấy vấn đề nào nổi lên thì thông qua các diễn đàn có liên quan để thảo luận một cách dân chủ, khoa học và công khai. Không khí thảo luận trao đi đổi lại chắc sẽ góp phần khuyến khích người dân tích cực tham gia hơn vào đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng này.

ĐINH XUÂN THẢO (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội), VÕ VĂN THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên