24/05/2019 10:44 GMT+7

Huy chương cho những 'VĐV phụ huynh' - Kỳ 1: Theo con như hình với bóng

H.ĐĂNG - T.PHÚC
H.ĐĂNG - T.PHÚC

TTO - Nỗ lực, ý chí, đam mê, năng khiếu... Đó là những điều kiện không thể thiếu trên con đường đi đến thành công của các VĐV. Nhưng có một yếu tố thường bị lãng quên: công sức của các phụ huynh.

Huy chương cho những VĐV phụ huynh - Kỳ 1: Theo con như hình với bóng - Ảnh 1.

Chị Thanh Thảo bên con trai Anh Khôi ở giải đấu quốc tế - Ảnh: T.T.

Bỏ tiền bạc, thời gian, công sức và cả tâm huyết để thuyết phục con mình đi đến tận cùng của con đường VĐV gian khổ, nhiều phụ huynh cũng vất vả chẳng kém các VĐV trên sàn đấu.

Bên lề sàn đấu ở các trung tâm thể thao luôn có mặt phụ huynh của các VĐV. Vì đam mê của con, họ sẵn sàng hi sinh thời gian, công việc... để đồng hành cùng con trong nỗ lực hướng đến vinh quang trên sàn đấu.

Đã nhiều năm qua, hễ mỗi khi kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi lên đường tham dự các giải cờ vua quốc tế, cha mẹ Khôi cũng phải rục rịch sắp xếp lịch nghỉ phép.

Con nghỉ học, cha mẹ nghỉ làm

Cha mẹ của Fabiano Caruana - một trong những kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay - cho biết từng phải chi đến 50.000 USD để mời thầy dạy cho con khi anh chỉ mới là cậu bé. Lúc Caruana lên 12 tuổi, để anh toàn tâm toàn ý theo đuổi nghiệp cờ vua, cha mẹ anh đã theo chân Caruana di chuyển đến châu Âu. Họ phải thay đổi cuộc sống cá nhân rất nhiều để luôn theo sát con trai mình trên con đường cờ vua chuyên nghiệp.

"Với các kỳ thủ chuyên nghiệp, họ dành mười mấy giờ mỗi ngày cho việc tập luyện. Sáng vừa mở mắt ra là ngồi vào bàn đánh cờ, chiều đến tối cũng vậy. Hầu như chỉ còn một chút thời gian cho việc đọc sách, giải trí và học hành. Khi đi đấu giải lại càng căng thẳng hơn. Vì vậy, các phụ huynh luôn phải theo chân VĐV để lo việc dinh dưỡng, nghỉ ngơi của con mình. Ngay cả người phương Tây nổi tiếng tự lập cũng vậy" - chị Thanh Thảo, mẹ của Anh Khôi, cho biết.

Với một số VĐV tài giỏi trên cả hai con đường thể thao lẫn học hành như Anh Khôi, trách nhiệm của phụ huynh càng nặng nề. Cứ mỗi đợt Khôi lên đường đi thi đấu dài ngày, chị Thảo lại phải lo liệu xin cho anh được nghỉ học - điều không phải lúc nào cũng được chấp nhận dễ dàng. Tiếp đó, chị Thảo cùng chồng lại phải phân chia khi thì cha đi theo Khôi, khi thì mẹ và lần nào hoặc vợ hoặc chồng cũng phải nghỉ phép dài ngày.

Huy chương cho những VĐV phụ huynh - Kỳ 1: Theo con như hình với bóng - Ảnh 2.

Hàng ngày anh Thọ đưa con vượt cả chục cây số để tập cầu lông - Ảnh: T.P.

Hi sinh vì đam mê của con

Đặt chân đến các trung tâm tập luyện thể thao đỉnh cao sẽ thấy bên lề sân đấu một đội ngũ phụ huynh đông đảo. Không ít người trong số họ theo chân con với ước mơ đổi đời từ thành công trên sàn đấu, nhưng cũng có những người dù không đặt nặng chuyện cơm áo gạo tiền nhưng vẫn sẵn sàng hi sinh thời gian, công việc để con mình theo đuổi đam mê.

Điển hình như anh Lê Văn Thọ - người luôn như hình với bóng theo chân con gái Lê Ngọc Vân (vô địch cầu lông U13 VN). Dù bận rộn với công việc của một y sĩ, anh Thọ cũng phải bỏ công việc buổi chiều tối để chở con vượt hàng chục kilômet từ huyện Hóc Môn lên nhà tập luyện Phú Thọ học cầu lông. Sau đó, anh ngồi đợi đến hơn 22h để đưa con về.

"Tôi không thấy vất vả gì cả bởi tôi tìm được niềm vui từ đam mê và sự cố gắng của con cùng cầu lông" là câu trả lời của anh Thọ, khi chúng tôi hỏi anh có thấy mệt mỏi vì phải đưa đón và nhiều nỗi lo khác khi cho con theo con đường VĐV chuyên nghiệp.

Anh nói tiếp: "Tôi ngồi đợi và theo dõi từng pha cầu của con, để ý sức khỏe của con. Nếu phát hiện con mệt mỏi, tôi sẽ bồi dưỡng. Nếu có dấu hiệu bất thường về tâm lý thì sẽ nói chuyện, chia sẻ. Tôi không bao giờ biến ước mơ thành tích thành gánh nặng cho con. VĐV trẻ cần sự thoải mái để phát triển, nếu tạo áp lực thành tích sẽ gây tác dụng ngược là giết chết tài năng của trẻ".

Năn nỉ thầy cho con được tập

Anh Thọ kể anh có 3 người con gái. Cô thứ hai Lê Như Hải là người tình cờ "dắt" em Ngọc Vân đến với cầu lông sau khi tham gia một giải học sinh hồi lớp 2. Anh Thọ nói: "Hải học rất giỏi và từng vô địch các giải học sinh, nhưng thể hình khó chơi thể thao đỉnh cao. Thế là tôi cho con đi du học chứ không trở thành VĐV.

Vân thì khác, cũng học giỏi nhưng tố chất thể thao rất rõ với năng khiếu, sức mạnh thể chất, sự quyết tâm kiên trì chẳng khác nào con trai. Để con chuyên tâm chơi thể thao, tôi cũng đã xin chuyển trường sang Nguyễn Thị Định".

Cái khó của phụ huynh VĐV năng khiếu không chỉ là thời gian, tiền bạc. Để con có thầy giỏi, anh Thọ phải chủ động tìm kiếm khắp nơi, rồi năn nỉ thầy cho con được tập. Nhờ vậy, Ngọc Vân được học toàn thầy giỏi uốn nắn những đường cầu đầu tiên. Sau đó, gia đình anh Thọ còn bỏ tiền túi cho con đi tập huấn ở Học viện cầu lông SCG danh tiếng của Thái Lan để nâng cao trình độ.

Anh cũng vận dụng kiến thức đông y của mình để có những thang thuốc bổ cho con phát triển mạnh mẽ. Đồng thời kiếm thêm thông tin ăn, tập, nghỉ ngơi của những ngôi sao hàng đầu thế giới để "xào nấu" lại thành bài riêng cho con. 

"Tôi thường tìm thông tin về dinh dưỡng của tay vợt nữ số 1 thế giới Tai Tzu Ying (Đài Loan, Trung Quốc) và tìm hiểu xem nhờ đâu Carolina Marin (Tây Ban Nha, nhà vô địch Olympic và thế giới) lắc cổ tay dẻo đến thế... để hỗ trợ cho Vân" - anh Thọ nói.

"Tôi vẫn đang nỗ lực hỗ trợ cho con trở thành VĐV chuyên nghiệp. Tôi hi vọng con tiếp tục được học cùng những thầy giỏi, như tay vợt số 1 Nguyễn Tiến Minh chẳng hạn. Sau đó, Vân sẽ đi nước ngoài thi đấu" - anh Thọ chia sẻ.

Không lơ là việc học

Nhà ở Hóc Môn như Ngọc Vân đã là gần, Vũ Thị Anh Thư - tay vợt trẻ tài năng khác trong tuyển cầu lông TP.HCM - có gia đình ở tận Đồng Nai. Vì thế, khi cô khăn gói lên Sài Gòn theo đuổi con đường VĐV chuyên nghiệp cũng là lúc ông Vũ Ngọc Thành - cha Anh Thư - bước vào một cuộc đua khắc nghiệt.

Không chỉ kiếm nhà cho con gái, ông Thành còn khổ công tìm trường phù hợp cho con. Năm cấp 3 đầu tiên, ông cho Anh Thư học Trường THPT Diên Hồng, trước khi chuyển hẳn sang Trường năng khiếu TDTT TP.HCM vào năm lớp 11.

"Mỗi tuần ít nhất một lần tôi lại tranh thủ chạy lên Sài Gòn hỏi han chuyện sinh hoạt, học hành của con gái. Đời VĐV bây giờ không thể chỉ lo tập luyện là được. Tôi muốn đảm bảo con vừa có thành tích thi đấu tốt vừa không được lơ là việc học" - ông Thành kể.

Phụ huynh các tuyển thủ có mặt trên khán đài Phụ huynh các tuyển thủ có mặt trên khán đài 'tiếp lửa' cho con

TTO - Nhiều phụ huynh của các tuyển thủ Việt Nam đã lặn lội sang UAE để có mặt trên khán đài Al Maktoum "tiếp lửa" cho các con thi đấu trận sống còn với đội tuyển Nhật ở vòng tứ kết Asian Cup 2019.

H.ĐĂNG - T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên