29/09/2017 16:42 GMT+7

Hủy bản án xử thượng úy CSGT tổ chức đánh chết người vi phạm

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Các bị cáo có mâu thuẫn trong lời khai rằng nguyên thượng úy Phạm Sỹ Hoài Như đưa 200 triệu đồng để dàn xếp người nhận tội thay nhưng cơ quan điều tra chưa cho đối chất làm rõ.

Ngày 29-9, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án CSGT tổ chức đánh người vi phạm của Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên cán bộ CSGT công an quận Tân Bình) do bản án có kháng cáo của các bị cáo và của đại diện gia đình bị hại. 

Trong khi các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt thì đại diện gia đình người bị hại kháng cáo đề nghị xử các bị cáo về tội giết người.

Người vi phạm bị đánh chết sau khi cự cãi CSGT

Theo nội dung vụ án, tối 25-6-2014 ông Nguyễn Văn Chín - ngụ tại Gò Vấp - lái xe có biểu hiện sử dụng rượu bia đi đến giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú), gặp tổ tuần tra CSGT Tân Bình (trong đó có thượng úy Phạm Sỹ Hoài Như).

Tổ này ra hiệu dừng xe và yêu cầu ông Chín đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, ông Chín không chấp hành việc đo nồng độ cồn, không ký biên bản mà có cự cãi với CSGT.

Như gọi điện cho Nguyễn Minh Chung (người quen của Như, khi đó đang chở Nguyễn Quốc Khánh đi trên đường Lê Hồng Phong, quận 10), yêu cầu Chung đến ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.

Chung nghe điện thoại của Như xong thì gọi điện thoại tiếp cho Phạm Thanh Kim Hạnh và Trần Đức Vững. Vững chở Ngô Thành Vương đến theo yêu cầu.

Khi nhóm này đến nơi, Như nói rõ cho Chung biết là ông Chín không ký biên bản vi phạm giao thông mà còn cự cãi và bảo Chung đánh dằn mặt, đuổi ông Chín đi để tổ công tác làm việc. Sau đó, Như mô tả đặc điểm của ông Chín để nhóm của Chung đánh.

Nhóm của Chung dụ ông Chín ra khu vực vắng rồi đánh đập khiến ông gục xuống. Ông Chín tỉnh dậy lết đến chỗ tổ CSGT đang làm nhiệm vụ nhờ gọi taxi đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó ông Chín đã tử vong tại bệnh viện.

Kết luận giám định cho biết nạn nhân Chín chết do suy hô hấp cấp do dị vật làm tắc đường hô hấp trên bệnh nhân sau mổ khâu thủng ruột non. Có thể do tai biến hậu phẫu trào ngược dịch dạ dày và thức ăn vào đường hô hấp dẫn đến tử vong.

Sau đó, TAND TP HCM đã tuyên phạt Như, Chung 12 năm tù, Vững 11 năm tù, Vương 9 năm tù, Hạnh 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Có tổ chức đánh chết người?

Tại toà phúc thẩm, Như khai hành vi gọi điện thoại cho Chung tới là để đưa Chính về. Như cho rằng mình không phạm tội cố ý gây thương tích. 

Bị cáo Chung thay đổi lời khai, phủ nhận việc Như dàn xếp để Chung nhận tội thay cho Như như lời khai tại cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm.

Theo hội đồng xét xử phúc thẩm, lời khai của anh Khánh, anh Khoa và lời khai ban đầu của Chung thể hiện sau khi biết ông Chín chết, Như đã hẹn Chung và 2 anh này đến 1 quán cà phê để dàn xếp nếu Chung nhận tội thay thì Như sẽ cho 200 triệu và trợ cấp thăm nuôi mỗi tháng. Tuy nhiên tại tòa phúc thẩm, Như và Chung phủ nhận lời khai này. 

Cơ quan điều tra chưa cho các bị cáo đối chất là thiếu sót.

Ngoài ra, có 1 nhân chứng cho rằng các bị cáo dùng nón bảo hiểm và tay chân đánh nạn nhân. Vì vậy phải xem xét vết thương trên người bị hại có phải do nón bảo hiểm gây ra hay không.

Bên cạnh đó, tòa sơ thẩm chưa xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của cha mẹ ông Chính. Những vấn đề này không thể làm rõ tại tòa nên hội đồng xét xử đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại vụ án.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên