Ông Lã Quốc Khánh, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trao đổi với các thành viên trong đoàn khách MICE đến từ Ấn Độ tại buổi gặp gỡ ngày 16-2 - Ảnh: L.Sơn |
Sáng 16-2, phát biểu tại Ngày hội đầu tư xuân Bính Thân 2016 và trao giấy chứng nhận đầu tư cho năm doanh nghiệp đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - bí thư tỉnh này - cho biết từ năm 2016, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thực hiện chủ trương thu hút các dự án một cách chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tiêu tốn ít năng lượng, thân thiện với môi trường...
Đặc biệt, địa phương này cũng kêu gọi đầu tư các dự án phục vụ cảng biển, kết nối giao thông, trong đó ưu tiên dự án cầu Phước An, đường sắt, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Về du lịch, chủ trương của Bà Rịa - Vũng Tàu là kêu gọi các nhà đầu tư du lịch có thương hiệu, có đẳng cấp quốc tế để đầu tư các dự án lớn, đất rộng như Núi Dinh (Bà Rịa), vườn thú hoang dã ở Xuyên Mộc.
“Chúng tôi sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian tới Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ công khai danh sách, danh mục dự án mà tỉnh kêu gọi” - ông Lĩnh khẳng định.
Cũng tại ngày hội đầu tư, ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị các nhà đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án, không để dự án chậm triển khai như lâu nay, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Cùng ngày, Ban quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM cũng trao giấy phép đầu tư dự án hệ thống kho hàng Bình Tây (Khu công nghiệp Hiệp Phước) cho Công ty CP thực phẩm Bình Tây, với số vốn đầu tư ban đầu 200 tỉ đồng.
Bà Lê Thị Giàu, chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Bình Tây, cho biết dự án sẽ được khởi công ngay trong tháng 4-2016 nhằm nắm bắt cơ hội do khu vực cảng Tân Cảng Hiệp Phước hiện vẫn chưa có hệ thống kho chứa hàng rời.
Ngoài ra, hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng được cấp phép mới trên địa bàn TP.HCM vào những ngày đầu năm nay, trong đó chủ yếu là dự án vừa và nhỏ của doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc, với tổng số vốn cấp mới hơn 151 triệu USD. Ngoài ra, 22 dự án FDI khác trên địa bàn cũng tăng vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm đạt hơn 72 triệu USD.
Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương, trong năm 2016 tỉnh này đặt ra mục tiêu thu hút được 1,4 tỉ USD vốn FDI. Trong đó, các lĩnh vực được khuyến khích là công nghiệp điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông sản, các dịch vụ ngân hàng, logistics...
Bình Dương cũng sẽ hạn chế các dự án phát triển ngoài khu công nghiệp, ưu tiên nhà đầu tư triển khai dự án tại các khu công nghiệp phía bắc (giáp Bình Phước).
Đối với các khu công nghiệp phía nam (giáp TP.HCM), Bình Dương sẽ khuyến khích chuyển công năng một phần diện tích công nghiệp để phát triển dịch vụ - thương mại nhằm mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn.
Tìm cơ hội đầu tư tại TP.HCM Chiều 16-2, ông Lã Quốc Khánh, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM và ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, phó chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội tại TP.HCM đã có buổi gặp, chào đón đoàn khách MICE (du lịch quốc tế kết hợp hội nghị, hội thảo...) từ Ấn Độ đến TP.HCM du lịch và tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh bất động sản. Tại buổi gặp, ông Vikram S. Kirloskar - chủ Tập đoàn Toyota Ấn Độ - cho biết đoàn đã có những trải nghiệm rất ấn tượng với cảnh quan, nét độc đáo về văn hóa, ẩm thực của dải đất di sản miền Trung trong chuyến tham quan, nghỉ dưỡng tại Huế và Hội An trước khi đến TP.HCM. Theo ông Vikram S. Kirloskar, sau khi dành thời gian tham quan TP.HCM và thực hiện các cuộc gặp nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư lĩnh vực bất động sản trên địa bàn, đoàn sẽ tiếp tục có chuyến tham quan Đà Lạt. Theo Sở Du lịch TP.HCM, từ đầu năm 2016 đến nay TP.HCM đón tiếp nhiều đoàn khách MICE cao cấp từ các nước đến du lịch nghỉ dưỡng và tìm cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, nông nghiệp, công nghệ thông tin... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận