Phóng to |
Trưa nọ, tôi rời văn phòng đi dạo vài phút cho chân cẳng vận động. Không muốn về nhà ăn trưa và cũng chẳng có hứng thú chui vào một nhà hàng nằm trong vườn nào đó. Thế là tôi thong thả rảo bước từ quảng trường Patrice Lumumba về phía tòa nhà Bộ Tài chính. Giữa chợ trời của những người bán chén bát, đồ lưu niệm, tôi thấy một quầy hàng nhỏ bề ngang chừng một mét rưỡi. Quầy hàng sơn đỏ bắt mắt giới thiệu món nem (chả giò) Hà Nội và bánh mì kẹp thịt, rau.
Chắc là của người Trung Quốc đây (vì họ rất đông nơi này trong thời gian qua). Ồ không, quản lý quầy hàng là hai người Việt và phụ việc cho họ là hai cô gái Mali. Tôi thử bắt chuyện nhưng sớm nhận ra là công cốc vì hai người Việt này không nói được tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Bamanan của địa phương. Tôi mua hai chiếc nem với giá 500 franc CFA (khoảng 20.000 đồng VN). Ngon quá chừng dù khi ăn phải cẩn thận một chút để tránh dầu mỡ dính vào áo.
Tôi cố bắt chuyện với người phụ nữ Việt đang đứng nấu. Không thể nào được. “Nói bằng tay thử xem”, một cô phụ việc Mali bày cách cho tôi. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu ra: các phụ nữ Việt này chỉ là người được thuê đứng nấu và quản lý quầy hàng. Người chủ làm nem ở nơi khác.
Từ vài tháng qua, người dân Bamako nhận thấy sự hiện hữu của nhiều quầy hàng thức ăn nhanh trong thủ đô của Mali của mình. Các chủ cửa hàng này là ai? Họ là người Việt và đang kiểm soát thị trường thực phẩm ở các khu phố nghèo. Họ bán bánh mì thịt và nem với giá chỉ 500 franc CFA, rất vừa túi tiền với số đông khách hàng ở đây.
Hồi đầu năm nay, các cửa hàng này mọc lên ở khắp thành phố. Đếm ra có đến 12 cửa hàng và một viên quản lý người Mali khẳng định chuỗi cửa hàng là của một người Việt đã quyết định sang đầu tư và định cư tại Mali. Các cửa hàng mở hằng ngày, từ sáng đến tối mịt. Ở những địa điểm chứng tỏ sự am hiểu kinh doanh của người chủ: ban ngày đẩy gần các cơ quan nhà nước, ban đêm dời về phía các tụ điểm ăn chơi. Hầu hết mỗi cửa hàng đều do một phụ nữ Việt Nam trông coi với sự trợ giúp của một phụ nữ Mali. Các nhân viên Mali đều khẳng định công việc kinh doanh đang rất thuận lợi và họ cũng nhận được thù lao thỏa đáng.
Phải nói rằng những cửa hàng thức ăn này nhanh chóng chiếm được niềm tin của thực khách Bamako. Dĩ nhiên họ cũng phải đảm bảo các món ăn chế biến từ thịt bò “mua từ chợ ở Bamako”, như khẳng định của một người quản lý vì ở đất nước Hồi giáo này thịt heo bị cấm kỵ.
Phải nói rằng các cửa hàng mới mở nhưng lúc nào cũng đông khách. Chắc chắn là vì chất lượng thức ăn và giá cả quá mềm. Cánh thực khách đàn ông là đông hơn cả. Trên đường đi làm, họ tạt qua cửa hàng mua phần ăn sáng mang đi.
Giờ đây những bà bán thịt nướng quen thuộc cho giới đi chơi tối ở Bamako đã thật sự thấy áp lực cạnh tranh từ các cửa hàng của người Việt. Nhưng đó là sự cạnh tranh lành mạnh. Nghe nói ông chủ người Việt đang tính “tấn công” thêm sáu khu vực ở thủ đô Bamako trước khi bành trướng ra các vùng khác của Mali.
Chính quyền Mali cứ nói rằng không có việc làm ở đất nước này nên giới trẻ thường tìm cách rời bỏ quê hương đi tìm việc bên châu Âu, bất chấp hiểm nguy đến tính mạng trên con đường vượt biên lậu. Trong khi đó lại có những người nhập cư đến làm ăn thành công tại đây. Đúng như một nhà báo ở Bamako đã phê phán: giới trẻ ở đây thiếu sáng kiến làm ăn. Người Việt đã đến và biết cách làm cho món nem trở thành món thời thượng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận