28/12/2012 07:00 GMT+7

Hương rừng không chỉ ở Cà Mau

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - “Nhà văn Sơn Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình với văn học miền Nam. Ông đẻ ra một từ mới: văn minh miệt vườn, và đã đi vào văn học sử” - nhà báo Lê Minh Quốc nhận định như thế trong phần đề dẫn cuộc tọa đàm “50 năm Hương rừng Cà Mau” diễn ra sáng 27-12 tại báo Tuổi Trẻ.

Hương rừng Cà Mau: bài thơ viết trong tùNhớ nhà văn Sơn Nam và Hương rừng Cà Mau

UjWhh8s5.jpgPhóng to
Bà Đào Thúy Hằng (trái) - trưởng nữ của nhà văn Sơn Nam - tiếp nhận các bìa Hương rừng Cà Mau qua các lần tái bản trong buổi tọa đàm sáng 27-12 - Ảnh: Thanh Đạm

Bên cạnh sức sống của Hương rừng Cà Mau thể hiện qua “tuổi đời” 50, những cảm tình của bạn bè đồng nghiệp, giới nghiên cứu và độc giả dành cho Sơn Nam và các tác phẩm của ông chính là một sức sống khác, mở ra những hi vọng, cách làm, và cả ưu tư cho việc phát triển dòng văn học đậm chất Nam bộ vốn được xem là thành công rực rỡ từ Sơn Nam.

Từ 50 năm trước...

Ghi nhận của NXB Trẻ cho rằng Hương rừng Cà Mau xuất bản năm 1962 chính là bước ngoặt của sự nghiệp sống và sáng tác của Sơn Nam ở Sài Gòn kể từ năm 1954 khi rời quê nhà Kiên Giang. Chính tập truyện này làm nên thương hiệu Sơn Nam lúc bấy giờ và ấn tượng về một Sơn Nam viết truyện về miền Tây Nam bộ được văn đàn ghi nhận.

Nhà văn Sơn Nam đã đi xa, buổi tọa đàm không có ông với nét cười hóm hỉnh mỗi khi nghe ai đó nói về mình, về nghề. Nhưng những nhà văn thế hệ sau ông vẫn tâm sự đầy cảm xúc về sức lay động của Hương rừng Cà Mau đối với từng người.

Nhà văn, nhà báo Vũ Đức Sao Biển tự nhận mình là “đã tin Sơn Nam sái cổ”, hành trình vào Nam, đi học, học xong chọn nhiệm sở ở Bạc Liêu được ông lý giải là để thỏa sự ham thích những tình tiết trong truyện Hương rừng Cà Mau. Những con Bảy đưa đò, vùng đất ngập nước và núi Thất Sơn của dân len trâu, khúc sông đầy cá sấu mà Sơn Nam đã mô tả trong truyện... Từ chỗ “tin sái cổ”, ông nhận thấy mình đã học từ Sơn Nam hai thứ, đó là cách viết hài và kiểu nói dóc làm sao cho có duyên, được mọi người chấp nhận, yêu thích và... tin.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức kể: “Tôi đọc Hương rừng Cà Mau, rất thích. Ngay như khi nhận lời đến tọa đàm hôm nay, đêm qua tôi giở Hương rừng Cà Mau ra đọc lại vẫn thấy rất thích, nhất là truyện Tình nghĩa giáo khoa thư”. Và lạ thay, chính niềm yêu thích truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư trong tập Hương rừng Cà Mau là điểm gặp nhau của nhiều người nơi buổi tọa đàm.

Quen thuộc như nhà giáo Đinh Công Tâm thì khẳng định: “Chính truyện Tình nghĩa giáo khoa thư đưa tôi đến với nhà văn Sơn Nam”. Nhà báo Lê Minh Quốc chia sẻ cảm nhận của ông về truyện Tình nghĩa giáo khoa thư: Sơn Nam cho ta thấy cách biên soạn sách giáo khoa thời đó quá tuyệt vời, nên mới có những con người học sách giáo khoa đã trở nên tuyệt vời. Nhà thơ Kiên Giang - người bạn thân của Sơn Nam - cũng thú thật: “Lần đầu tôi đọc Tình nghĩa giáo khoa thư trong Hương rừng Cà Mau là trên chuyến xe đi Phan Thiết, đọc truyện mà tôi khóc, thấy phục anh Sơn Nam quá!”.

Khoảng trống chờ đợi phù sa...

Có mặt tại buổi tọa đàm, bà Thúy Hằng - con gái của nhà văn Sơn Nam - kể hành trình sự nghiệp của Sơn Nam có thể hình dung qua câu nói của mẹ ông với vợ ông mà bà Hằng nhớ được: “Coi như thằng Lạc (tên ở nhà của Sơn Nam) là đứa lưu linh lưu địa đi” (ý nói đi đây đi đó vô chừng, lo chuyện đâu đâu chứ không lo chuyện nhà - TG). Và sự nghiệp của Sơn Nam lắm lúc cũng đa đoan. Nhưng ông vẫn nổi như cồn...

Nói chuyện về nghề văn, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho rằng nói về các nhà văn viết về Nam bộ, văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn... khi Sơn Nam mất rồi, phía sau ông là một khoảng trống. Những nhà văn viết về Nam bộ hiện nay chưa đủ để lấp đầy khoảng trống đó, nhất là khi nhìn lại sự nghiệp của Sơn Nam lúc Hương rừng Cà Mau ra đời là năm ông 36 tuổi.

Trong mạch suy nghĩ đó, TS Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc NXB Trẻ - gợi ý nên chăng cần tổ chức một quỹ Sơn Nam, xem như một nguồn ủng hộ các cây bút viết về đồng bằng sông Cửu Long. Chia sẻ với ý này, nhà thơ Kiên Giang cũng nhớ lại cách làm nghề của Sơn Nam là la cà khắp nơi như một cách thâm nhập thực tế.

Và để làm được rất nhiều cho đất, cho người Nam bộ qua trang viết như Sơn Nam, cuộc đời ông cũng mất đi nhiều thứ. Nói như ông Kiên Giang: Những gì làm được hôm nay là cố gắng góp thêm một ít phù sa để tác phẩm Sơn Nam được nhiều người biết đến hơn nữa.

Hi vọng qua những tấm lòng của hậu thế, những cây bút mới sẽ nảy mầm và khoảng trống sau lưng nhà văn Sơn Nam rồi cũng sẽ được lấp đầy bằng những áng văn chương mới về Nam bộ.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên